Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Hán Nôm
Năm học 2013 - 2014, tại hội thi nghiên cứu khoa học dành cho sinh viên của trường Đại học Thủ Dầu Một, Diễm Thúy đã mạnh dạn thử sức mình với đề tài “Khảo cứu văn bản Nôm Lục Vân Tiên do hòa thượng Thích Thanh Sơn sưu soạn”.
Di sản Hán Nôm là kho văn hóa quan trọng của Việt Nam. Bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa này là việc làm cấp thiết và có ý nghĩa quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Chữ Hán và chữ Nôm giữ vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển lịch sử, văn hóa, xã hội của Việt Nam và được lưu giữ qua những tài liệu, thư tịch. Bằng tình yêu những di sản văn hóa tinh thần của dân tộc, ý thức bảo tồn những giá trị văn hóa quý báu đang có nguy cơ mai một, sinh viên Phạm Thị Diễm Thúy, lớp D12NV03, khoa Ngữ Văn, trường Đại học Thủ Dầu Một đã không ngần ngại khó khăn, bắt tay vào nghiên cứu và thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học về văn tự Hán Nôm.
Năm học 2013 - 2014, tại hội thi nghiên cứu khoa học dành cho sinh viên của trường Đại học Thủ Dầu Một, Diễm Thúy đã mạnh dạn thử sức mình với đề tài “Khảo cứu văn bản Nôm Lục Vân Tiên do hòa thượng Thích Thanh Sơn sưu soạn”. Qua khảo sát 200 câu thơ đầu bài thơ Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu, chữ Nôm sử dụng trong bài thơ được chia thành hai loại: Chữ Nôm mượn Hán và chữ Nôm tự tạo trong đó chữ Nôm mượn Hán chiếm ưu thế. Bên cạnh đó, để tăng chiều sâu cho đề tài nghiên cứu sinh viên Phạm Thị Diễm Thúy còn nghiên cứu về tiếng Việt cổ và phương ngữ Nam Bộ. Giải Nhì cuộc thi “Tìm kiếm tài năng khoa học trẻ Đại học Thủ Dầu Một lần II, năm học 2013 - 2014” là sự khẳng định chắc chắn nhất cho thành công của đề tài.
Không dừng lại ở đó, năm học 2014 - 2015, Diễm Thúy một lần nữa chứng minh năng lực và tinh thần nghiên cứu khoa học nghiêm túc của mình qua thành công của đề tài “Sự chuyển nghĩa và thay đổi cách sử dụng của nhóm từ ghép Hán Việt so với từ gốc Hán (Khảo cứu trong Từ điển Việt Hán hiện đại của Trương Văn Giới, Lê Khắc Kiều Lục)”. Đề tài đạt Giải Nhì cuộc thi “Tìm kiếm tài năng khoa học trẻ Đại học Thủ Dầu Một lần III, năm học 2014 - 2015”.
Diễm Thúy (đứng thứ ba từ phải sang) trong buổi Lễ công bố và trao giải thưởng “Tài năng khoa học trẻ Đại học Thủ Dầu Một, lần III, năm 2015”
Nói về lý do chọn đề tài, Diễm Thúy chia sẻ rằng: “Ở Việt Nam hiện nay, trên các phương diện khác nhau của đời sống, người Việt vẫn thường dùng từ Hán Việt để tạo nên tính trang trọng, hàn lâm cho văn bản. Nhưng để hiểu rõ hoặc sử dụng đúng với nghĩa nguyên bản từ nguyên học thì không phải ai cũng làm được. Với mong muốn đem đến cách hiểu đúng, dùng đúng từ Hán Việt để góp phần làm giàu đẹp thêm ngôn ngữ dân tộc mà không làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt em đã chọn thực hiện đề tài này.”
Nghiên cứu khoa học vốn không phải là công việc đơn giản. Trong lĩnh vực Văn học, nghiên cứu về ngôn ngữ lại càng phức tạp và khó khăn hơn. Nhưng những khó khăn này không làm khó được Diễm Thúy. Em đã khắc phục những khó khăn để đưa ra những kết luận quan trọng về sự chuyển nghĩa và thay đổi cách sử dụng của nhóm từ ghép Hán Việt so với từ gốc Hán qua hệ thống lý luận và dẫn chứng chặt chẽ, chuẩn xác.
Theo Diễm Thúy, từ gốc Hán đã thâm nhập vào Việt Nam bằng cả con đường chiến tranh (cưỡng bức) lẫn con đường hoà bình (giao lưu văn hóa) ngay từ đầu công nguyên và được “Việt hóa” thành những từ có cách đọc phù hợp với cách phát âm của người Việt, từ đó hình thành hai phạm trù “Tiếng Hán Việt và Hán Việt - Việt hóa”. Trong quá trình sử dụng, người Việt có xu hướng thay đổi cách sử dụng một bộ phận từ Hán Việt. Người Việt chuyển đổi nghĩa từ Hán Việt so với từ Hán chủ yếu là do tư duy liên tưởng và yếu tố văn hóa - xã hội.
Diễm Thúy đã phân chia từ Hán Việt chuyển đổi nghĩa ra thành hai loại là: Từ Hán Việt có nghĩa thu hẹp hoặc mở rộng so với nghĩa gốc và từ Hán Việt có nghĩa khác. Ngoài hai nhóm chính này, còn có những từ Hán Việt mà người Việt sử dụng khác với người Trung Quốc nhưng lại ngắn gọn và súc tích hơn.
Từ kết quả nghiên cứu này, sinh viên Diễm Thúy đề xuất ý kiến: “Để có thể sử dụng từ tiếng Việt nói chung và từ Hán Việt nói riêng cho đúng thì trước hết cần phải nắm được yêu cầu về việc dùng từ (cả mặt cấu tạo lẫn mặt ngữ nghĩa) và các thao tác lựa chọn, sử dụng từ. Ngoài ra còn phải biết dùng từ đúng chuẩn. Khi dùng từ thì cần phải dùng từ đúng âm thanh, đúng nghĩa và đúng với phong cách chức năng. Đối với những từ Hán Việt khi sử dụng nên xét theo nghĩa từ nguyên để phù hợp với nghĩa ngữ cảnh. Hơn nữa, cũng cần phải xét về mặt âm đọc và trật tự theo cấu trúc của từ Hán Việt để có cách dùng cho thỏa đáng.”
Đề tài của Diễm Thúy được đánh giá là nguồn tài liệu tham khảo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi tìm hiểu về chữ Hán, chữ Nôm
Với những thành quả đã đạt được, con đường tương lai tràn đầy hứa hẹn đang chờ đợi Diễm Thúy. Chúc em luôn nghị lực và thành công trong cuộc sống./.
(Thiên Di)