Bình Dương: Kết quả thu thập thông tin nhiệm vu khoa học và công nghệ năm 2021
Trong năm qua, các đề tài, dự án (nhiệm vụ) khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh được triển khai từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở. Tuy nhiên, chủ yếu là nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở được triển khai tại Trường Đại học Thủ Dầu Một. Các nhiệm vụ KH&CN được triển khai trong tất cả lĩnh vực. Sau khi kết thúc, các chủ nhiệm tiến hành nộp đăng ký lưu giữ nhiệm vụ tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ - Sở Khoa học và Công nghệ. Trong đó, nổi bật một số nhiệm vụ khoa học và công nghệ như:
Nhiệm vụ “Đánh giá tác động và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động vận tải container trên mạng lưới đường bộ tỉnh Bình Dương của TS. Trần Vũ Tự đã đề xuất được các giải pháp quản lý và kỹ thuật hữu ích trong việc vận hành và quản lý hệ thống giao thông của tỉnh, trong đó có xét đến hoạt động vận tải container. Xây dựng mô hình phân tích giá trị quy đổi sang xe máy của xe container tại vị trí nút giao, khi so sánh với các giá trị tại vị trí không ảnh hưởng bới nút giao và giá trị quy định trong tiêu chuẩn hiện hành. Đánh giá được tác động của xe container lên sự phá hoại của kết cấu ảo đường, để từ đó đề xuất các giải pháp kết cấu hợp lý trên đường có xe container hoạt động, để xuất những kiến nghị đóng góp vào quy trình thiết kế kết cấu ảo đường mềm 211-07.
Với nhiệm vụ “Nghiên cứu hấp phụ kim loại nặng trong nước từ than hoạt tính được điều chế từ vỏ hạt Macca” của TS. Đào Minh Trung thực hiện nhằm điều chế than hoạt tính từ phế phẩm Macca bằng các tác nhân hóa học; khảo sát khả năng xử lý kim loại nặng trong nước thải giả định của than hoạt tính sinh học. Kết quả thực hiện đề tài đã chứng tỏ việc ứng dụng than hoạt tính trong việc xử lý kim loại nặng trong nước thải giả định là rất khả quan và là cơ sở khoa học để triển khai trong xử lý nước thải nhiễm kim loại nặng thực tế.
Nhiệm vụ “Thiết kế mới 10 bài thực hành vật lý ứng dụng (Cảm biến) của Ths. Nguyễn Thanh Tùng với danh mục là lĩnh vực các module thiết bị thí nghiệm về cảm biến, vi xử lý và ứng dụng wifi, IoT trong thực tế. Trong đó, tác giả dành 6 bài học cho việc nghiên cứu về nguyên lý hoạt động của các cảm biến như: cảm biến ánh sáng, cảm biến lực, cảm biến nhiệt và độ ẩm… nhằm trang bị cho sinh viên ngành Vật lý học có thiết bị để học các môn ứng dụng vi xử lý trong thực tế.
Nhiệm vụ “Tác động của thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài lên chất lượng môi trường sống tại Việt nam” của TS. Nguyễn Văn Chiến thực hiện đã nghiên cứu lý luận và thực tiễn về tác động của vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lên môi trường sống, từ đó làm cơ sở để hài hòa giữa nâng cao chính sách thu hút FDI và giảm thiểu ô nhiễm. Đồng thời, đưa ra một số khuyến nghị chính sách nhằm đảm bảo mục tiêu thu hút FDI bền vững giúp ích cho sự phát triển của nước ta trong thời gian tới.
Với nhiệm vụ “Danh mục dữ liệu ngân hàng tên đường và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh Bình Dương của TS. Huỳnh Ngọc Đáng thực hiện đã xây dựng được ngân hàng dữ liệu tên đường và công trình công cộng với tổng cộng 1.194 tên, gồm 911 tên danh nhân Việt Nam, danh nhân Bình Dương, danh nhân quốc tế và 283 địa danh, sự kiện, mỹ từ Việt Nam; địa danh, sự kiện Bình Dương; địa danh, sự kiện quốc tế. Có 725 danh nhân Việt Nam, 153 danh nhân Bình Dương, 35 danh nhân nước ngoài; 180 địa danh, sự kiện, mỹ từ Việt Nam; 86 địa danh, sự kiện trong tỉnh Bình Dương và 17 địa danh, sự kiện nước ngoài.
Nhiệm vụ “Mối quan hệ trách nhiệm xã hội (CSR), giá trị thương hiệu và hiệu quả tài chính - trường hợp các ngân hàng thương mại tại Việt Nam” của TS. Nguyễn Hồng Thu đã trả lời hai câu hỏi nghiên cứu nhằm tìm ra mối liên hệ giữa CSR và hiệu quả tài chính thông qua gia tăng giá trị thương hiệu của ngân hàng thương mại (NHTM). Từ kết quả đó, nhóm tác giả đã có những bước thảo luận về cách thức gia tăng lợi nhuận kinh doanh của NHTM thông qua việc đẩy mạnh thực hiện CSR. Hơn nữa, từ kết quả thực nghiệm có được, nhóm tác giả đã đề xuất một số hàm ý chính sách thực hiện cho NHTM tại Việt nam cũng như cơ quan quản lý để có những cải thiện thúc đẩy hoạt động CSR tại Việt Nam.
Với nhiệm vụ Thích ứng của công nhân trước tác động cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trên địa bàn tỉnh Bình Dương của chủ nhiệm Nguyễn Văn Thăng đã góp phần làm phong phú thêm hệ thống lý luận về thích ứng nói chung, thích cứng của công nhân nói riêng. Những giải pháp được đề xuất từ kết quả nghiên cứu của đề tài giúp công nhân trên địa bàn tỉnh Bình Dương nâng cao khả năng thích ứng trước tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Báo cáo tổng kết, các chuyên đề, bài báo khoa học từ kết quả nghiên cứu của đề tài được sử dụng làm tài liệu học tập, nghiên cứu, giảng dạy cho giảng viên, sinh viên các trường đào tạo ngành Tâm lý học, công tác xã hội, xã hội học.
Nhiệm vụ “Phân lập một số hợp chất từ vỏ thân cây sú trắng (Aegiceras Floridum) họ sú (Aegicerataceae) và thử nghiệm độc tính tế bào đối với vài dòng ung thư của Ths. Lưu Huỳnh Vạn Long sử dụng các phương pháp sắc ký, kỹ thuật phân lập các hợp chất thiên nhiên, đã phân lập được 9 hợp chất, kí hiệu lần lượt là AF1 đến AF9. Bằng các phương pháp phân tích hóa lí hiện đại, phổ cộng hưởng từ hạt nhân (NMR), khối phổ phân giải cao (HR-ESI-MS) và đối chiếu với các tài liệu tham khảo, nhiệm vụ đã xác định được cấu trúc hóa học của 9 hợp chất, trong đó bao gồm một hợp chất mới (AF1) và 8 hợp chất đã biết (AF2-AF9). Tuy nhiên, tất cả các hợp chất đã biết lần đầu được phân lập từ loài A. floridum, đặc biệt hợp chất AF7 lần đầu tiên được phân lập từ tự nhiên.
Với nhiệm vụ “Khó khăn tâm lý của công nhân nhập cư trên địa bàn tỉnh Bình Dương” của TS. Đồng Văn Toàn đã góp phần làm phong phú thêm hệ thống lý luận về những khó khăn tâm lý của công nhân nhập cư. Những đề xuất từ kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ góp phần làm giảm những khó khăn tâm lý của công nhân nhập cư. Kết quả nghiên cứu của đề tài có thể được sử dụng làm tài liệu học tập, nghiên cứu, giảng dạy cho các học phần có liên quan; tài liệu tham khảo cho sinh viên tâm lý học, công tác xã hội trong quá trình được đào tạo. Kết quả nghiên cứu được đăng tải và công bố trên Tạp chí khoa học chuyên ngành, là nguồn tư liệu được tham khảo trên phạm vi rộng. Kết quả nghiên cứu của đề tài có thể sử dụng tham mưu cho các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội trong tỉnh Bình Dương và các tỉnh thành khác trong việc đưa ra những chính sách để hỗ trợ đối với công nhân nhập cư…
Có thể nói, nhiều đề tài đã được triển khai, ứng dụng vào thực tế. Trong đó, nhiều kết quả cũng đã được ứng dụng vào công tác giảng dạy tại Trường Đại học Thủ Dầu Một.
Thơ Mộng