Bình Dương khởi động chương trìnhphân loại rác thải tại nguồn
Phân loại rác thải tại nguồn là một trong những yếu tố quan trọng để xây dựng một hệ thống thu gom và xử lý rác thải hiện đại. Và đây cũng là một xu thế tất yếu trong quá trình phát triển. Bởi khi phân loại rác tại nguồn thành công, chúng ta không chỉ tận dụng được nguồn tài nguyên từ rác mà còn giảm thiểu nhiều chi phí cho quá trình xử lý.
Khu xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương đặt tại phường Chánh Phú Hòa, thị xã Bến Cát đang thực hiện xử lý rác sinh hoạt thành phân compost với công suất 840 tấn/ngày. Nhà máy sản xuất phân compost từ rác thải sinh hoạt được kỳ vọng sẽ thay công nghệ chôn lấp tiêu tốn nguồn tài nguyên đất, không tận dụng được nguồn tài nguyên hữu cơ từ rác. Hiện nay mỗi ngày có khoảng 1.500 tấn rác thải được đưa về đây thì chỉ có 30% rác thải hữu cơ được tách ra để sản xuất phân. Nhưng để có được nguồn rác thải hữu cơ những công nhân phải vất vả phân loại thủ công như vì hầu như rác sinh hoạt đưa về đây không được phân loại.
Trong khi đó thì tại các khu dân cư, các con hẻm nhỏ rác thải cũng được các đội rác dân lập thu gom mỗi ngày. Đây là hoạt động thu gom rác của đội rác dân lập phường Chánh Nghĩa – TP. TDM. Mỗi ngày rác sinh hoạt đều được thu gom tập kết để xe chuyên dùng vận chuyển về khu xử lý. Nhưng hầu hết các loại rác cũng được dồn chung.
Ở các khu vực nông thôn, mạng lưới thu gom rác sinh hoạt cũng dần được hoàn thiện. Những con đường nằm khá xa trung tâm xã Tân Long của huyện Phú Giáo cũng được đầu tư các thùng rác thải. Cách ngày xe của Xí nghiệp Công trình Công cộng huyện sẽ thu gom và vận chuyển đến khu xử lý. Như vậy hiện nay Bình Dương đã xây dựng được một hệ thống xử lý chất thải rắn hiện đại cùng với mạng lưới thu gom rác thải sinh hoạt rộng khắp. Tuy nhiên việc xử lý rác thải vẫn hết sức khó khăn vì chúng chưa được phân loại. Chính vì thế, vấn đề quan trọng còn lại là làm sao vấn đề phân loại rác thải tại nguồn trở thành một chủ trương lớn và nhận được sự đồng thuận từ phía người dân và cộng đồng …
Thực hiện phân loại rác tại nguồn như thế nào ?
Theo quyết định 458 ngày 28.02.2017 của UBND tỉnh Bình Dương , việc phân loại rác thải tại nguồn sẽ được triển khai thí điểm trong giai đoạn năm 2017 -2018. Cấp tỉnh sẽ triển khai thí điểm trên đại lộ Bình Dương đoạn từ bệnh viện Quốc tế Becamex đến đường Phạm Ngọc Thạch và từ đường Phạm Ngọc Thạch đến trung Tâm hành chính tập trung tỉnh Bình Dương. Đối với cấp huyện, các thị xã Thuận An , DĨ An và Bến Cát sẽ chọn 1 khu phố/ấp để triển khai thí điểm. Việc phân loại rác thải tại nguồn sẽ được triển khai cho 6 nhóm đối tượng bao gồm: các bệnh viện, trường học, siêu thị, trung tâm thương mại, cơ quan hành chính và các doanh nghiệp...các nhóm đối tượng này đề án sẽ trạng bị các bô rác được phân loại theo màu để chứa đựng các loại rác hữu cơ và vô cơ. Cách làm này vừa tạo thói quen cho các đối tượng người dân vừa thay đổi dần cách nghĩ và hành vi của họ. Rác sau khi phân loại sẽ được một đơn vị thu gom riêng để chuyển về khu xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương.
Mấu chốt quan trọng trong việc phân loại rác tại nguồn chính là ý thức của người dân. Bởi khi phương tiện phân loại và thu gom được đầu tư nhưng không thay đổi cách nghĩ và hành vi của cộng đồng thì vẫn không thể thành công. Thực tế thì trong thời gian qua có rất nhiều địa phương triển khai mô hình phân loại rác thải tại nguồn nhưng vẫn không thành công. Bởi dù được đầu tư các phương tiện kỹ thuật hiện đại nhưng những người dân trong khu vực dự án không được trang bị những kiến thức cần thiết về phân loại rác tại nguồn. Chính vì thế người dân vẫn quen với kiểu bỏ rác cũ và mô hình mới vẫn không thể đi vào cuộc sống, Ông Ngô Chí Thắng,P.GĐ Xí nghiệp Xử lý Chất thải rắn Nam Bình Dương chia sẻ
Rõ ràng việc tập huấn tuyên truyền về việc phân loại chất thải rắn tại nguồn là hết sức quan trọng. Việc đào tạo, tập huấn tuyên truyền nhằm mục đích thay đổi thói quen bỏ rác xưa nay của người dân, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường là một công việc đòi hỏi tính kiên trì và lâu dài. Bên cạnh đó các cơ quan quản lý về môi trường cũng cần tổ chức nhiều hoạt động hướng dẫn cho người dân với cách bỏ rác mới; phân tích những lợi ích mà việc phân loại đem lại cho chính họ và xã hội, thực hiện giám sát cách phân loại rác thải của các đối tượng nằm trong chương trình. Khi việc phân loại rác thải tại nguồn đã trở thành thói quen của người dân thì các vấn đề còn lại trong việc kiện toàn hệ thống thu gom và xử lý sẽ trở nên đơn giản hơn.
Với thực tế hiện nay, Bình Dương đã hội đủ các điều kiện để có thể triển khai việc phân loại rác thải tại nguồn trên phạm vi toàn tỉnh. Vấn đề còn lại là sự quyết tâm của các cơ quan quản lý nhà nước.Hy vọng rằng Bình Dương sẽ sớm triển khai thành công việc phân loại rác thải tại nguồn. Bởi, hoạt động này không chỉ mang lại lợi ích xã hội to lớn mà còn là điều kiện cần cho việc xây dựng một đô thị văn minh hiện đại.
Huỳnh Thanh