Đại học Thủ Dầu Một: Hoạt động nghiên cứu khoa học - công nghệ gắn với phát triển kinh tế - xã hội
Cùng với các trường Đại học, Cao đẳng trêm địa bàn tỉnh, trong thời gian qua, trường Đại học Thủ Dầu Một (ĐHTDM) đã đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ (KH&CN) trong giảng dạy cũng như thực hiện các đề tài, dự án gắn với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Nhiều đề tài, giải pháp phục vụ phát triển kinh tế - xã hội
Trong thời gian từ năm 2011 - 2016, trường ĐHTDM đã có hơn 100 đề tài cấp cơ sở, cấp tỉnh, cấp bộ với nhiều lĩnh vực từ KH&CN, kinh tế, kỹ thuật, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học giáo dục. Ở lĩnh vực nào, các đề tài nghiên cứu đều xuất phát từ những đòi hỏi bức thiết của kinh tế, xã hội, kết quả nghiên cứu có đóng góp to lớn về lý luận và thực tiễn.
Ông Hoàng Trọng Quyền, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHTDM cho biết, với đề tài giải quyết các vấn đề lý luận và thực tiễn về kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương, trường đã thực hiện 11 đề tài cấp tỉnh, 30 đề tài cấp trường, đề cấp đến nhiều vấn đề khoa học, thực tiển của tỉnh trong công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Về lĩnh vực KH&CN, trường đã nghiên cứu các đề tài về hóa học, công nghiệp thực phẩm, công nghệ sinh học, khoa học môi trường… trong đó, tiêu biểu như đề tài Nghiên cứu chế tạo bột Nano TiO2 bằng phương pháp thuỷ nhiệt muối TiC14 trong môi trường đệm, Nghiên cứu chế tạo chế phẩm từ một số chủng Trichoderma kiểm soát bệnh thán thư do Colletotrichum gây tra trên cây ớt, Ứng dụng mô hình LandGEM để đánh giá, dự báo khí thải từ bãi chôn lấp chất thải rắn Nam Bình Dương…
Mô hình cánh tay Robot gắp sản phẩm dùng vi điều khiển của sinh viên trường ĐHTDM
Bên cạnh đó, trường cũng đẩy mạnh hoạt động ứng dụng, chuyển giao KH&CN. Tuy mới triển khai nhưng đã đạt được những thành tựu bước đầu, tiêu biểu như Cao chiết thực phẩm kháng khuẩn, Bột tảo Sprirulina, chế phẩm vi sinh trừ bệnh cây ớt Trichoderma… và các sản phẩm đặc trưng của trường như Rượu đông trùng TMDU, Trà đông trùng đẳng sâm túi lọc TMDU, Tỏi đen TDMU…. Với những kết quả này, trường cũng đã ký kết nghiên cứu phát triển, phân phối sản phẩm với các doanh nghiệp như Công ty cổ phần TMD, Công ty thế giới Gen, Công ty Bio Phương Nam…
Ông Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cũng đánh giá, trong thời gian qua, các đề tài, dự án của trường ĐHTDM đã góp phần giải quyết những bức xúc trong quản lý, sản xuất của các đơn vị, của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời cũng như đưa ra những giải pháp để nâng cao năng suất sản xuất, cái tiến sản phẩm… Ngoài ra, trường Đại học Thủ Dầu Một cũng mạnh dạnh chuyển hướng trong giáo dục đào tạo, trong đó tập trung đầu tư cho một số ngành đào tạo theo hướng kỹ thuật cao gắn với nhu cầu thực tiễn.
Xây dựng thành phố thông minh Bình Dương
Trong bối cảnh Bình Dương tiến hành xây dựng thành phố thông minh, cùng với phát triển công nghệ thì vai trò con người là yếu tố cốt lõi trong việc xây dựng thành phố thông minh, có mặt và quyết định hàm lượng thông minh trong các yếu tố khác như công nghệ, môi trường, giao thông, dịch vụ… Chính vì vậy, hoạt động đào tạo nguồn nhân lực, cũng như nghiên cứu khoa học của trường ĐHTDM góp phần tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, có đủ các kĩ năng cần thiết, năng động - sáng tạo.
Ông Nguyễn Văn Hiệp, Hiệu trưởng Trường ĐHTDM cũng cho biết, trên cơ sở Đề án xây dựng Thành phố thông minh Bình Dương, trường đã tiến hành thành lập các viện nghiên cứu (Viện nghiên cứu Đông Nam bộ học - Viện nghiên cứu phát triển và Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm) tương ứng với hạng mục nghiên cứu về Đông Nam bộ - Thành phố thông minh - Nông thôn đô thị. Những kết quả thu được chính là các sản phẩm có hàm lượng khoa học và kỹ thuật cao, chung tay cùng với tỉnh nhà hiện thực hóa kế hoạch phát triển nền kinh tế - xã hội của tỉnh, hướng tới xây dựng một thành phố Bình Dương hiện đại.
Trên cơ sở đó, trong thời gian tới, trường ĐHTDM sẽ tiếp tục phát huy năng lực sẵn có của trường trong nghiên cứu KH&CN, đồng thời mở rộng hợp tác với các cơ quan khoa học trong và ngoài nước và chủ động hội nhập để xây dựng, phát triển các đơn vị nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KH&CN, có khả năng sáng tạo ra các sản phẩm có trí tuệ cao, áp dụng hiệu quả tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tiễn để giải quyết các vấn đề về KH&CN của tỉnh. “Trường cũng khuyến khích, hỗ trợ về tinh thần lẫn vật chất cho các hoạt động sáng tạo, ý tưởng khởi nghiệp. Gắn định hướng sáng tạo KH&CN, khởi nghiệp của cán bộ, giảng viên, học viên cao học và sinh viên của trường với Đề án xây dựng Thành phố Thông minh Bình Dương”, ông Quyền nhấn mạnh.
Thực hiện Đề án xây dựng Thành phố thông minh Bình Dương, tháng 02/2017 vừa qua, trường ĐHTDM đã làm việc với các chuyên gia Hà Lan về việc phối hợp thực hiện Đề án. Tại buổi làm việc, ông Peter Portheine, Giám đốc phát triển tập đoàn Brainport (Hà Lan) đã chia sẻ, các định hướng phát triển và xây dựng của đề án “Thành phố thông minh Bình Dương” giai đoạn 2016 - 2021 sẽ hướng tới 4 lĩnh vực: con người, công nghệ, cộng đồng doanh nghiệp và cơ sở hạ tầng. Với mô hình hợp tác “ba nhà” (nhà nước – trường/viện – nhà doanh nghiệp), theo đó, trường đại học tạo ra các ý tưởng mới; doanh nghiệp là chủ sở hữu của các sản phẩm công nghệ mới; chính quyền hỗ trợ kinh phí thực hiện các ý tưởng và khởi nghiệp. Chính vì vậy, Đề án cần có sự hỗ trợ và phối hợp tích cực của các trường đại học trên địa bàn tỉnh, trong đó có trường ĐHTDM.
Khánh Đăng