Tái cơ cấu nông nghiệp: Đảm bảo an ninh lương thực
An ninh lương thực là trạng thái mà ở đó tất cả mọi người, tại mọi thời điểm, đều có sự tiếp cận cả về mặt vật chất và kinh tế với nguồn lương thực đầy đủ, an toàn và đủ dinh dưỡng, đáp ứng chế độ ăn uống và thị hiếu lương thực của mình, đảm bảo một cuộc sống năng động và khỏe mạnh (WFS, 1996).
Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến an ninh lương thực
Hiện nay, trên thế giới đang đối mặt thách thức về tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Toàn thế giới có hơn 2 tỉ người không đủ dưỡng chất trong bữa ăn hàng ngày, trong đó gần 200 triệu trẻ em bị còi cọc, suy dinh dưỡng nặng; trong khi đó tình trạng lãng phí lương thực, tài nguyên tại các nước phát triển vẫn chưa được cải thiện. Chính vì vậy, việc phát triển nông nghiệp, đảm bảo chất lượng lương thực, an ninh dinh dưỡng, hình thành các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị nông sản, thực phẩm bền vững là cấp thiết.
Sau 30 năm đổi mới, nước ta không chỉ sản xuất đủ lương thực cho gần 92 triệu dân mà còn xuất khẩu sang các nước lân cận. Tuy nhiên, do tác động của biến đổi khí hậu, những năm gần đây thiên tai lũ lụt xảy ra khắp ba miền Nam Trung Bắc gây thiệt hại không nhỏ đến đời sống người dân cũng như sản xuất lương thực ở nước ta.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn cho thấy giá trị sản xuất thủy sản của Việt Nam trong năm 2016 giảm gần 2% so với mức trung bình của giai đoạn 2013 đến 2016. Nguyên nhân là do ảnh hưởng nặng nề của thiên tai và thảm họa môi trường biển ở bốn tỉnh Bắc miền Trung bởi Formosa gây nên. Cũng trong năm 2016, đợt hạn hán lịch sử xảy ra ở 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long làm thiệt hại khoảng 160 ngàn hecta lúa và gần 800 ngàn tấn lúa bị mất trắng…
Gần đây nhất là vào tháng 10/2017, sạt lở 20ha đất đồi núi tại tỉnh Lâm Đồng; sạt lở núi lớn tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; mưa lũ đã khiến gần 18.000 hộ dân bị ngập, 20 người chết và mất tích tại Thanh Hóa… Thống kê sơ bộ từ đầu năm đến nay, thiên tai đã làm 245 người chết và mất tích, thiệt hại chỉ riêng về kinh tế đã hơn 26 ngàn tỷ đồng.
Nhiều chính sách đã được ban hành
Trước tình trạng thiếu hụt lương thực đang “nóng” trên toàn cầu, tình trạng mất an ninh lương thực đang diễn ra nghiêm trọng tại nhiều nước trên thế giới do các cuộc nội chiến và thảm họa thiên tai gây nên, Đảng và Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm, chỉ đạo, nhằm bảo đảm an ninh lương thực quốc gia cả nước trước mắt và lâu dài, đồng thời xác định rằng bảo đảm an ninh lương thực là quan trọng số một, do đó đã quy hoạch diện tích sản xuất lương thực ổn định, đảm bảo nguồn cung, cân đối chất lượng bữa ăn, đảm bảo vệ sinh đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân…
Tại Đại hội Đảng lần thứ VIII chỉ rõ: Phát triển nông nghiệp toàn diện hướng vào đảm bảo an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống, tăng nhanh nguồn thực phẩm và rau quả, cải thiện chất lượng bữa ăn, giảm suy dinh dưỡng. Đại hội lần thứ X đã nêu: Thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn, chuyển sang sản xuất các loại sản phẩm có thị trường và hiệu quả kinh tế cao; đẩy mạnh thâm canh các loại cây trồng trên cơ sở các quy trình sản xuất đồng bộ và tiên tiến; quy hoạch diện tích sản xuất lương thực ổn định; đảm bảo an ninh lương thực; phát triển chăn nuôi quy mô lớn, an toàn dịch bệnh và bền vững về môi trường. Xây dựng các vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung gắn với việc chuyển giao công nghệ sản xuất.
Tại Nghị quyết số 63/NQ-CP về đảm bảo an ninh lương thực quốc gia của Chính phủ ban hành vào ngày 23/12/2009, một trong những quan điểm của Nghị quyết là an ninh lương thực quốc gia phải nằm trong chiến lược tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, gắn với mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân là quan trọng, góp phần bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia. Và mục tiêu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 phải đảm bảo đủ nguồn cung cấp lương thực với sản lượng cao hơn tốc độ tăng dân số; chấm dứt tình trạng thiếu đói lương thực, nâng cao chất lượng bữa ăn; bảo đảm cho nông dân sản xuất lúa có lãi bình quân trên 30% so với giá thành sản xuất.
Trong quyết định 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững có mục tiêu nâng cao thu nhập và cải thiện mức sống cho cư dân nông thôn, đảm bảo an ninh lương thực (bao gồm cả an ninh dinh dưỡng) cả trước mắt và lâu dài, góp phần giảm tỷ lệ đói nghèo. Đến năm 2020, thu nhập hộ gia đình nông thôn tăng lên 2,5 lần so với năm 2008; số xã đạt tiêu chí nông thôn mới là 20% vào năm 2015 và 50% vào năm 2020. Vào ngày 06/10/2015, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 26/CT-TTg về đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Và trong Tuần lễ an ninh lương thực APEC 2017, diễn ra từ ngày 18 - 25/8 tại Cần Thơ, thông điệp nước ta đưa ra tại diễn đàn lớn này là: An ninh lương thực là vấn đề nóng bỏng trên toàn cầu, không thể chủ quan được, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu ở khu vực vành đai Châu Á - Thái Bình Dương. Do vậy, tất cả các quốc gia trong khu vực phải cố gắng vượt bậc bằng nhóm giải pháp tổng thể, không chỉ là giải pháp riêng của lĩnh vực nông nghiệp thì chúng ta mới giải quyết một cách căn bản được vấn đề an ninh lương thực cho người dân của khu vực. Bên cạnh đó, vấn đề ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tập trung các chính sách thu hút nguồn đầu tư ngoài xã hội để cùng nguồn lực Nhà nước nhằm giải quyết được các vấn đề rất khó khăn đang đặt ra. Riêng chương trình hành động của Việt Nam thì hiện nay nước ta đang tập trung cao độ vào tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Định hướng tái cơ cấu ngành công nghiệp đảm bảo an ninh lương thực
Tái cơ cấu ngành nông nghiệp góp phần thực hiện chủ trương tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng chung của cả nước. Đây là một quá trình khó khăn và lâu dài, cần có sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành và sự nỗ lực của toàn ngành nông nghiệp. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế trong sản xuất nông nghiệp trên cơ sở cơ cấu lại nội bộ ngành, cơ cấu lại lao động, áp dụng khoa học công nghệ với kết cấu hạ tầng đồng bộ; sản xuất gắn với tiêu thụ, trên cơ sở phát huy vai trò của kinh tế hợp tác, liên kết đa dạng. Mục đích cuối cùng là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cư dân nông thôn, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn liền với phát triển các thị trường xuất khẩu có giá trị cao trên cơ sở đưa hàng hóa, dịch vụ đến khâu tiêu thụ cuối cùng, xây dựng hàng hóa có thương hiệu, có nhãn mác, có thể truy lại nguồn gốc xuất xứ, áp dụng tiêu chuẩn được ưa chuộng; xác định những ngành hàng có lợi thế và có tiềm năng thị trường để tập trung phát triển. Tập trung xây dựng một số chuỗi ngành hàng chiến lược và những ngành hàng, những lĩnh vực có tiềm năng thị trường và giá trị gia tăng cao; đổi mới thể chế về đất đai, hỗ trợ liên kết doanh nghiệp - nông dân, đẩy mạnh cơ giới hóa, phát triển kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác, nâng cao chất lượng quản lý hành chính công, phát triển liên kết công - tư; đổi mới động lực, phát triển khoa học công nghệ, phát triển tài nguyên con người, đổi mới căn bản và toàn diện công tác giáo dục và đào tạo, sử dụng hiệu quả tài nguyên tự nhiên theo hướng bền vững trên cơ sở tiết kiệm; đổi mới nguồn vốn phát triển, huy động vốn đầu tư xã hội, phát huy vai trò trung tâm của đầu tư tư nhân trong tất cả các lĩnh vực. Tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài kết hợp với vốn viện trợ ODA để nâng cao khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật, tri thức về quản lý, sản xuất và kinh doanh; tăng cường liên kết vùng dựa trên quy hoạch chung.
Nguyên An