Bình Dương: Triển khai thi hành Luật Tiếp cận thông tin
Luật tiếp cận thông tin số 104/2016/QH13 được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 11, được ban hành ngày 06/4/2016, gồm 5 Chương, 37 Điều và có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2018. Luật quy định về việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân; nguyên tắc, trình tự, thủ tục thực hiện việc tiếp cận thông tin; trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân.
Theo đó, Tại Điều 6, Luật cũng quy định các loại thông tin công dân không được tiếp cận gồm thông tin thuộc bí mật Nhà nước, bao gồm những thông tin có nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh quốc gia, đối ngoại, kinh tế, khoa học, công nghệ, các lĩnh vực khác theo quy định của luật (khi thông tin thuộc bí mật Nhà nước được giải mật thì công dân được tiếp cận theo quy định của Luật này); thông tin nếu để tiếp cận sẽ gây nguy hại đến lợi ích của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh quốc gia, quan hệ quốc tế, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng, gây nguy hại đến tính mạng, cuộc sống hoặc tài sản của người khác; thông tin thuộc bí mật công tác; thông tin về các cuộc họp nội bộ của cơ quan; các tài liệu do cơ quan soạn thảo cho công việc nội bộ.
Thực hiện theo Quyết định số 1408/QĐ-TTg ngày 15/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 30/5/2017, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh ban hành Kế hoạch số 2129/KH-UBND về việc triển khai thi hành Luật Tiếp cận thông tin trên địa bàn tỉnh.
Kế hoạch này nhằm tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Luật Tiếp cận thông tin bằng nhiều hình thức phong phú, phù hợp, giúp cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) và mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh hiểu được nội dung cơ bản của Luật; xác định cụ thể nội dung làm việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành gắn với trách nhiệm của cơ quan;… chú trọng công tác kiểm tra, đôn đốc tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện để đảm bảo tiến độ và hiệu quả của việc triển khai thi hành Luật Tiếp cận thông tin.
Theo đó, triển khai tổ chức quán triệt việc thi hành và phố biến nội dung của Luật cho đại diện các sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành của tỉnh liên quan đến quyền tiếp cận thông tin công dân; đề xuất, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm phù hợp với Điều 3 của Luật Tiếp cận thông tin; xây dựng quy chế nội bộ của cơ quan để thực hiện cung cấp thông tin theo quy định của Luật; tổ chức tập huấn chuyên sâu về các nội dung của Luật cho CBCCVC làm đầu mối cung cấp thông tin;…
Kế hoạch cũng phân công rõ nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố căn cứ vào chức năng nhiệm vụ của mình và tình hình thực tiễn để triển khai thực hiện Luật tại đơn vị, địa phương mình.
Thanh Thanh