Huyện Dầu Tiếng: Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế
Võ Văn Tâm - Phòng kinh tế Huyện Dầu Tiếng
Trong thời gian qua, Huyện ủy đã tổ chức triển khai, quán triệt Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI và Chương trình hành động số 63-CTHĐ/TU ngày 07/6/2013 của Tỉnh ủy về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế gắn kết Chương trình hành động số 77-CTHĐ/TU của Tỉnh ủy Bình Dương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn ra toàn thể đảng viên, quần chúng nhân dân; yêu cầu các cấp cơ sở, các ngành, các đơn vị, các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch hành động cụ thể của đơn vị, địa phương mình, xây dựng kế hoạch hàng năm nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI và Chương trình hành động số 63-CTHĐ/TU của Tỉnh ủy.
Song song với thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới: UBND huyện còn ban hành Quyết định thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng xã nông thôn mới huyện Dầu Tiếng đến năm 2020 do Phó Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban, Trưởng Phòng Kinh tế làm Phó Trưởng ban, các thành viên gồm thủ trưởng các ngành, đoàn thể huyện và Chủ tịch UBND các xã; thông qua Quy chế hoạt động Ban chỉ đạo.
Trong công tác đổi mới, chuyển giao công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm tăng năng suất lao động, hiệu quả kinh tế, sản xuất đã được triển khai trên địa bàn huyện, như: Sử dụng giống mới và áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả, từng bước cải tạo, thay thế giống lúa địa phương đã thoái hóa. Sau mỗi vụ trình diễn mô hình đạt hiệu quả cao so với giống lúa địa phương và kỹ thuật canh tác truyền thống, nông dân đã tự giác nhân rộng mô hình, áp dụng rộng rãi trên đồng ruộng. Qua nhiều năm thực hiện dự án, đến nay năng suất lúa bình quân trên địa bàn huyện đã đạt trên 5,5 tấn/ha (so với các năm trước chỉ đạt 2,9 tấn/ha); nông dân đã có chuyển biến cơ bản về nhận thức tầm quan trọng của việc ứng dụng khoa học, công nghệ, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất.
Chuyển đổi cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp theo hướng tăng dần tỷ trọng chăn nuôi, công tác chăn nuôi và vệ sinh thú y trong những năm qua luôn được chú trọng. Khoa học kỹ thuật trong ngành chăn nuôi đóng vai trò đặc biệt quan trọng, đảm bảo tiêm phòng đầy đủ cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn, thiết lập vững chắc vùng an toàn dịch; đã khuyến khích, tổ chức, cá nhân, trang trại đầu tư chăn nuôi theo hướng công nghiệp, trang thiết bị tự động, có hơn 70 trại chăn nuôi gia súc, gia cầm công nghiệp, sử dụng công nghệ trại lạnh và 01 Hợp tác xã bò sữa có đầu tư trạm thu mua trung chuyển ứng dụng công nghệ trữ lạnh, cung cấp cho Vinamilk.
Hình thành 09 lò giết mổ gia súc, gia cầm theo quy trình công nghệ mổ treo. Các lò giết mổ gia súc, gia cầm được xây dựng trên địa bàn xã Thanh An, Thanh Tuyền, Định Hiệp, Minh Tân, Minh Thạnh, Long Hòa và thị trấn Dầu Tiếng nhằm áp dụng công nghệ sơ chế gia súc, gia cầm tập trung, vệ sinh, an toàn, tạo điều kiện cho công tác kiểm soát giết mổ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Triển khai thực hiện 3 dự án sử dụng vốn sự nghiệp KH&CN với tổng nguồn vốn đầu tư trên 1.600 triệu đồng (giai đoạn 2012 - 2016). Trong đó: Dự án: “Ứng dụng phân bón vi sinh VT01 và TRD để nâng cao hiệu quả chăm sóc cây cao su KTCB trên địa bàn huyện Dầu Tiếng”. Mục đích của dự án là nâng cao khả năng sinh trưởng, ngăn ngừa, phòng chống các bệnh cho cây cao su, đặc biệt là giai đoạn đầu tư thâm canh kiến thiết cơ bản và phục hồi sinh trưởng cho cây cao su trồng ở vùng bán ngập bằng các loại phân bón vi sinh, sử dụng các chế phẩm vi nấm (chủ yếu sử dụng nấm Trichoderma Spp), góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao hơn. Qua đó, giúp bà con nông dân giảm thiểu tối đa việc sử dụng phân bón hóa học như NPK hoặc phân hữu cơ mà hiệu quả mang lại không cao; Dự án“ Ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh tại Bệnh viện đa khoa huyện Dầu Tiếng” (giai đoạn 2011 - 2013), triển khai hoàn thành, đã tiến hành nghiệm thu đưa vào sử dụng; triển khai hoàn thành, đạt kết quả dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thâm canh cây măng cụt nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất ở xã Thanh An và Thanh Tuyền”. Dự án đã đạt được hiệu quả như: Tăng năng suất, chất lượng, giảm sâu bệnh. Nông dân đã cơ bản nắm được quy trình chăm sóc, thu hoạch theo kỹ thuật tiên tiến.
Ngoài ra, triển khai thực hiện được dự án: “Đầu tư phát triển cây măng cụt xã Thanh Tuyền” với tổng diện tích trồng mới là 15ha cây măng cụt. Hoàn tất việc chuyển giao cây giống cho nông dân. Bên cạnh đó, đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Cây ăn quả miền Đông Nam Bộ tổ chức lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc cây măng cụt cho nông dân, đặc biệt là các hộ dân nằm trong dự án trồng mới; tiến đến, xây dựng nhãn hiệu tập thể cho cây măng cụt huyện Dầu Tiếng nhằm đáp ứng nhu cầu nhân dân trong vùng, nâng cao giá trị sản phẩm đặc sản của địa phương.
Mục đích của dự án là xây dựng thiết lập cơ chế bảo hộ, quản lý, khai thác và phát triển nhãn hiệu tập thể Măng cụt Dầu Tiếng cho người dân trồng măng cụt, nhằm nâng cao giá trị, danh tiếng sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể, đảm bảo việc xúc tiến thương mại có hiệu quả, góp phần nâng cao giá trị kinh tế - xã hội, văn hóa của địa phương, bảo tồn giống măng cụt ngon, truyền thống của địa phương. Tạo quy trình canh tác chuẩn cho việc trồng và sản xuất các sản phẩm từ trái măng cụt với thương hiệu Măng cụt Dầu Tiếng, có chất lượng, tiêu chuẩn đóng gói đặc trưng (dự án hoàn thành vào năm 2018).
Công tác tuyên truyền, tổ chức các cuộc tập huấn, hội thảo chuyển giao khoa học kỹ thuật, trình diễn mô hình sản xuất mới và tham quan các mô hình sản xuất tiên tiến: Hàng năm Trạm Khuyến nông và Trạm Bảo vệ thực vật phối hợp với phòng Kinh tế tổ chức nhiều lớp tập huấn, hội thảo, các điểm trình diễn mô hình với hàng trăm lượt nông dân tham dự. Qua đó đã chuyển giao nhiều kỹ thuật sản xuất, quy trình chăm sóc và bảo vệ thực vật tiên tiến cho nông dân, đưa cây, con giống chất lượng cao, phù hợp với điều kiện của địa phương đến tay người nông dân để áp dụng sản xuất rộng rãi. Ngoài ra, tổ chức cho nông dân tham gia các cuộc tham quan học tập mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa hiệu quả cao ở các địa phương bạn, qua đó giúp nông dân có nhận thức mới về nền nông nghiệp hàng hóa kỹ thuật cao và quy mô sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghiệp.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động khoa học và công nghệ của Huyện vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu, chưa thực sự trở thành động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy đã triển khai một số chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm, nhưng các nhiệm vụ trong từng chương trình thiếu gắn kết nên hiệu quả còn hạn chế; các chương trình khoa học và công nghệ chưa được lồng ghép với các chương trình kinh tế - xã hội khác. Số lượng nhiệm vụ khoa học và công nghệ hàng năm được các tổ chức, cá nhân đề xuất ít, số lượng chưa phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của huyện, dẫn đến đề tài, dự án hàng năm được đưa vào thực hiện ít.
Cơ chế tài chính mặc dù có những bước cải tiến nhưng cũng còn có những vướng mắc nên hoạt động nghiên cứu, ứng dụng cũng chưa phát triển mạnh. Công tác lập kế hoạch khoa học và công nghệ chưa phù hợp với hoạt động đặc thù của khoa học và công nghệ. Phần lớn doanh nghiệp trong tỉnh thuộc loại hình nhỏ và vừa, có quy mô vốn không lớn, nên việc huy động kinh phí để đầu tư cho nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ gặp khó khăn. Đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ, cán bộ quản lý khoa học và công nghệ thiếu về số lượng, chất lượng còn hạn chế, thiếu kinh nghiệm thực tiễn, chưa đáp ứng yêu cầu, chưa tham mưu kịp thời các quy định để triển khai các chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước vào thực tiễn.
Trong thời gian tới, Huyện tiếp tục triển khai thực Kế hoạch số 3191/KH-UBND, ngày 23/10/2013 của UBND tỉnh Bình Dương Thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy và Nghị quyết của Chính phủ về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Cụ thể:
Phát huy và tăng cường tiềm lực KH&CN của Huyện: Hoạt động trong lĩnh vực Tiêu chuẩn- Đo lường - Chất lượng: Phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 7 và các ngành có liên quan thực hiện kiểm tra về an toàn vệ sinh thực phẩm tại các chợ trên địa bàn. Trang bị dụng cụ nâng cao năng lực kiểm nghiệm, hiệu chuẩn, phân tích nhanh. Khuyến kích doanh nghiệp đầu tư và cung cấp dịch vụ KH&CN; Công ty TNHH MTV cao su Dầu Tiếng liên doanh với Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I đầu tư trồng chuối cấy mô, cây ăn quả, rau màu tại xã Thanh An, Long Hòa và Minh Tân với tổng diện tích 2.021,8ha; kêu gọi doanh nghiệp đầu tư xây dựng trung tâm sản xuất và nghiên cứu ứng dụng giống cây trồng nhằm duy trì một số giống gốc, giống quý cây nông - lâm nghiệp và cây dược liệu, nấm ăn và nấm dược liệu; kêu gọi doanh nghiệp (Công ty TNHH thực phẩm 3F Việt) đầu tư xây dựng nhà máy giết mổ và chế biến gia cầm theo hướng tự động gắn với bảo vệ môi trường tại ấp Kiến An, xã An Lập, với công suất 24.000 con/ngày.
Hoạt động ứng dụng KH&CN vào sản xuất và đời sống: Tiếp tục triển khai thực hiện dự án: “Xây dựng nhãn hiệu tập thể Măng cụt huyện Dầu Tiếng”; xét chọn đề tài, đặt hàng nhiệm vụ khoa học mang tính ứng dụng cấp thiết vào phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.
Khuyến khích đầu tư phát triển chăn nuôi heo, gà theo hướng công nghiệp kỹ thuật cao; trồng trọt theo quy hoạch gắn với khu nông nghiệp kỹ thuật cao. Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, tổ chức, hoạt động KH&CN
Thực hiện cơ chế đầu tư đặc biệt để triển khai thực hiện một số dự án KH&CN quy mô lớn, có tác động mạnh mẽ đến năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm chủ lực; huy động nguồn vốn xã hội, đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư cho phát triển KH&CN, đưa tổng mức đầu tư xã hội cho KH&CN nâng lên, thông qua việc hình thành các quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp vay vốn các quỹ phát triển KH&CN của địa phương.