Những giải pháp phát triển kinh tế trang trại công nghệ cao trên địa bàn huyện Bàu Bàng
Thực trạng chung của mô hình kinh tế trang trại trên địa bàn huyện
Những năm gần đây, nhằm thực hiện mục tiêu phát triển ngành nông nghiệp theo hướng giá trị bền vững để nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế cho bà con nhân dân ở Bàu Bàng, có thể thấy việc thực hiện chủ trương của Huyện về phát triển kinh tế trang trại theo hướng tập trung với phương thức công nghiệp và bán công nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang được chú trọng. Trong giai đoạn từ năm 2014 đến nay, kinh tế trang trại trên địa bàn huyện Bàu Bàng đã từng bước phát triển về số lượng và chất lượng, xuất hiện nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao, tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi.
Mô hình kinh tế trang trại của các hội viên nông dân tiêu biểu
Với vai trò quan trọng trong việc thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bề vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Xác định loại hình kinh tế trang trại với những ưu điểm là mô hình sản xuất tiên tiến trong nông nghiệp, nông thôn, là hình thức tổ chức sản xuất hàng hóa tập trung, nguồn lực chủ yếu dựa vào hộ gia đình, nhằm mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Đồng thời, việc phát triển kinh tế trang trại nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh về đất đai, kinh nghiệm quản lý, kỹ thuật, nguồn lực, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững, tạo việc làm, tăng thu nhập, khuyến khích làm giàu cho nông dân, chú trọng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng cường sức cạnh tranh trên thị trường.
Được biết, tổng diện tích trồng cây của huyện Bàu Bàng trong năm 2016, ước đạt hơn 26 nghìn ha, tăng 0,11% so với năm 2015, trong đó trồng cây hàng năm đạt hơn 1.500 ha, tăng 12%; diện tích trồng cây lâu năm hơn 25.000ha, tăng 0,5%. Đạt được những kết quả như trên, không thể không nhắc đến vai trò của loại hình kinh tế trang trại theo hướng ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chuẩn nông nghiệp sạch (VietGAP). Nhiều chủ trang trại, hộ gia đình trên địa bàn huyện Bàu Bàng đã đầu tư hàng tỷ đồng đầu tư trang thiết bị, xây dựng chuồng trại theo quy trình khép kín, hệ thống cho ăn, nước uống và kiểm soát nhiệt độ tự động.
Bên cạnh đó, để đồng hành cùng với nông dân, Huyện cũng đã tổ chức được 5 lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất rau, trái an toàn theo hướng VietGap và 5 lớp dạy nghề nông nghiệp cho các hội viên và nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đến từ các mô hình kinh tế trang trại. Từ việc thực hiện hiệu quả các lớp đào tạo, tập huấn về trồng cây lương thực và bảo vệ thực vật đã giúp cho các hội viên và nông dân có thêm kinh nghiệm để mạnh dạn mở rộng diện tích trồng trọt, kỹ năng phòng trừ sâu bệnh từ đó nâng cao năng suất, chất lượng tốt góp phần nâng cao đời sống nhân dân và kinh tế địa phương phát triển mạnh mẽ.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, nhiều trang trại trên địa bàn huyện Bàu Bàng còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như giá cả các mặt hàng nông sản không ổn định, nhất là giá mủ cao su giảm sâu, ảnh hưởng đến đời sống người dân nông thôn. Tình hình thời tiết, dịch bệnh thường xuyên diễn biến hết sức phức tạp; quy trình kỹ thuật sản xuất còn nhiều bất cập, thiếu bền vững; giá vật tư, nguyên liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất tăng cao gây khó khăn trong việc đầu tư phát triển sản xuất của trang trại. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sự liên kết 4 nhà (nhà nước - doanh nghiệp - nông dân - nhà khoa học) còn nhiều hạn chế. Công tác xúc tiến thương mại, thông tin thị trường, xây dựng chuổi liên kết giá trị (sản xuất - xây dựng thương hiệu - tiêu thụ) còn lúng túng. Phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao còn chậm. Việc khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp chưa được quan tâm đúng mức, nhất là doanh nghiệp đầu tư cho các khâu chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Kinh tế trang trại phát triển nhỏ lẻ, manh mún, còn mang tính tự phát chưa theo quy hoạch.
Bên cạnh đó, có thể thấy chất lượng cây, con giống sản xuất của trang trại không đồng đều, chưa ổn định; chất lượng sản phẩm làm ra không ổn định, chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Thiếu các mối liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông sản; tiêu thụ sản phẩm chủ yếu phụ thuộc thương lái nên còn nhiều rủi ro, hiệu quả kinh tế thấp. Đa phần các trang trại thiếu vốn để đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, lãi suất vốn vay còn cao; cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển sản xuất và phát triển trang trại. Một số địa phương chưa thực sự quan tâm chỉ đạo phát triển kinh tế trang trại. Công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế trang trại chưa sâu rộng; việc triển khai, thực hiện các chính sách phát triển kinh tế trang trại còn chậm.
Những giải pháp trước mắt và lâu dài
Xác định được những khó khăn của người nông dân trong sản xuất nông nghiệp, huyện Bàu Bàng đã đề ra kế hoạch nhằm hỗ trợ, giúp đỡ cho nông dân trong năm 2016 và những năm tiếp theo như: Tiếp tục thực hiện Chương trình hành động số 77-CTHĐ/TU của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Kế hoạch hành động số 388/KH-UBND, ngày 12/02/2014 của UBND tỉnh về tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh Bình Dương, chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Kế hoạch số 3797/KH-UBND ngày 30/10/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương về việc Phát triển Kinh tế tập thể 5 năm 2016 - 2020.
Mục tiêu cụ thể là phát triển và mở rộng mô hình kinh tế trang trại; lấy trang trại chăn nuôi, trồng trọt làm đột phá về hiệu quả kinh tế. Tích cực ứng dụng khoa học, công nghệ mới để nâng cao giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích. Về số lượng trang trại: Phấn đấu hết năm 2016, toàn huyện có 100% trang trại được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại theo quy định tại Thông tư số 27/2011/TT-BNNPTNT. Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý, khoa học kỹ thuật; tổ chức cho các chủ trang trại đi tham quan học tập kinh nghiệm tại các mô hình trang trại điển hình hoạt động hiệu quả. Hỗ trợ trang trại phát triển sản xuất hàng hóa theo các tiêu chuẩn sản xuất sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm, tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP...
Hình thành và phát triển quan hệ hợp tác giữa các trang trại nhằm trao đổi kinh nghiệm, trình độ quản lý, trao đổi sản phẩm, dịch vụ để nâng cao hiệu quả kinh tế. Khuyến khích thành lập các câu lạc bộ, tổ hợp tác theo từng loại hình trang trại để liên doanh, liên kết trong sản xuất kinh doanh, tạo sức cạnh tranh và sự ổn định trong tiêu thụ sản phẩm trên thị trường, hạn chế tình trạng ép giá của các tư thương và rủi ro trong sản xuất kinh doanh. Hình thành các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, nhằm kiểm soát chất lượng từ khâu giống, vật tư nguyên liệu đầu vào, sản phẩm đầu ra đảm bảo năng suất, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm; tăng sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa trên thị trường.
Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Chủ tịch Hội Nông Dân huyện Bàu Bàng, cho biết: “Trong thời gian tới, hội sẽ cố gắng hỗ trợ nhiều hơn về mọi mặt để nông dân có được điều kiện tốt nhất, vươn lên thoát nghèo, ổn định kinh tế, phấn đấu đưa các phong trào thi đua thật sự đi vào chiều sâu và có hiệu quả cao nhằm góp phần xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương”.
Thu Hiền