Các giải pháp giảm nghèo tại huyện Bàu Bàng
b. Chủ nhiệm đề tài: Nguyễn Văn Vui
c. Tên cơ quan đi học: UBND xã Long Nguyên
d. Tên Viện - trường thực hiện luận văn: Trường Đại học Bình Dương
e. Mục tiêu nghiên cứu:
Đề tài nhằm đánh giá thực trạng nghèo tại huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương. Từ đó, luận văn đề xuất các giải pháp giảm nghèo trên địa bàn huyện Bàu Bàng trong thời gian tới
f. Kết quả thực hiện (tóm tắt):
Trong cơ sở lý luận, luận văn đã thống nhất các khái niệm liên quan đến đề tài, hệ thống hóa các chính sách, giải pháp giảm nghèo đã ban hành, tổ chức triển khai việc thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững tiếp cận từ chính sách công. Bên cạnh đó, tác giả cũng đã trình bày khung lý thuyết nguyên nhân của nghèo và các yếu tố ảnh hưởng đến nghèo. Cuối cùng, là kinh nghiệm giảm nghèo tại các nước trên thế giới và một số địa phương tại Việt Nam để rút ra bài học cho huyện Bàu Bàng.
Trong phần nghiên cứu thực trạng thực hiện chính sách giảm nghèo cho thấy, nguyên nhân dẫn đến nghèo và công tác xóa đói giảm nghèo ở huyện Bàu Bàng giai đoạn năm 2017 - 2019 với đối tượng nghèo đói ở huyện Bàu Bàng tập trung ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc, tập trung chính là vùng đặc biệt khó khăn. Mức độ nghèo so với cả nước không lớn, tuy nhiên nếu chúng ta không sớm tìm ra giải pháp khắc phục thì tình trạng cận nghèo sẽ tái nghèo và số hộ nghèo sẽ tăng nhanh. Vì vậy cần phải tập trung giải quyết dứt điểm nghèo lương thực, đồng thời tìm cách nâng cao mức hưởng thụ các dịch vụ công cộng. Nguyên nhân cơ bản nhất dẫn đến nghèo đói ở Bàu Bàng là người nghèo cũng thiếu rất nhiều phương tiện sản xuất, trong đó quan trọng là phương pháp và kinh nghiệm phát triển kinh tế của bản thân. Bên cạnh đó, tác giả cũng đã phân tích thực trạng các chính sách hướng đến mục tiêu giảm nghèo tại huyện và phân tích những hạn chế của các chính sách này. Những phân tích trên làm nền tảng cung cấp thông tin để luận văn đưa ra các giải pháp trong phần tiếp theo.
Trong phần giải phải pháp giảm nghèo tại huyện Bàu Bàng, tác giả đã nhận định những năm qua công tác giảm nghèo của huyện đạt nhiều kết quả tích cực, huyện đã cơ bản thực hiện hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo các giai đoạn theo tiêu chí của tỉnh, chính sách giảm nghèo bền vững được triển khai thực hiện rộng khắp trên địa bàn đã góp phần đẩy nhanh tăng thu nhập, giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho người nghèo tiếp cận với dịch vụ phúc lợi xã hội, sản xuất, kinh doanh, tự lực vươn lên thoát nghèo; từng bước nâng cao mức sống, điều kiện sống và chất lượng sống cho người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn, góp phần thu hẹp dần khoảng cách giữa hộ giàu và hộ nghèo. Hiệu quả của chương trình giảm nghèo bền vững trong 3 năm qua của địa phương không chỉ đơn thuần mang tính an sinh xã hội mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, có ý nghĩa hết sức quan trọng trên nhiều lĩnh vực cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Mà còn sẽ tạo cơ hội bình đẳng cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội. Từ đó, tác giả đã đưa ra các giải pháp ngắn hạn và dài hạn cho huyện về chính sách giảm nghèo và hoàn thiện chính sách giảm nghèo.
g. Năm tốt nghiệp: 2020