Nghệ thuật điêu khắc chùa Hội Khánh - Bình Dương
b. Chủ nhiệm đề tài: Châu Trâm Anh
c. Tên cơ quan đi học: Trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương
d. Tên Viện - trường thực hiện luận văn: Trường Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh
e. Mục tiêu nghiên cứu:
Định giá trị nghệ thuật điêu khắc ở chùa Hội Khánh - Bình Dương đối với tôn giáo, văn hóa xã hội và nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Cụ thể: Nghiên cứu khái quát về nghệ thuật điêu khắc, lịch sử hình thành Phật giáo và chùa Hội Khánh - Bình Dương, nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc chùa Hội Khánh - Bình Dương…, làm tiền đề để nghiên cứu, phân tích. Qua đó, giới thiệu, phân tích những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc tiêu biểu ở chùa Hội Khánh - Bình Dương theo các hệ thống: Tượng tròn, phù điêu, các dạng thức điêu khắc trang trí khác để tìm ta đặc trưng và giá trị nghệ thuật. Nhận định giá trị nghệ thuật điêu khắc ở chùa Hội Khánh - Bình Dương và tác phẩm thể nghiệm
f. Kết quả thực hiện (tóm tắt):
Đây là Luận văn tốt nghiệp thạc sĩ của tác giả Châu Trâm Anh thực hiện vào 2021 với mục tiêu định giá trị nghệ thuật điêu khắc ở chùa Hội Khánh - Bình Dương đối với tôn giáo, văn hóa xã hội và nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Cụ thể: Nghiên cứu khái quát về nghệ thuật điêu khắc, lịch sử hình thành Phật giáo và chùa Hội Khánh - Bình Dương, nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc chùa Hội Khánh - Bình Dương…, làm tiền đề để nghiên cứu, phân tích. Qua đó, giới thiệu, phân tích những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc tiêu biểu ở chùa Hội Khánh - Bình Dương theo các hệ thống: Tượng tròn, phù điêu, các dạng thức điêu khắc trang trí khác để tìm ta đặc trưng và giá trị nghệ thuật. Nhận định giá trị nghệ thuật điêu khắc ở chùa Hội Khánh - Bình Dương và tác phẩm thể nghiệm.
Để thực hiện được mục tiêu đề ra, tác giả đã sử dụng các phương pháp phân tích mỹ thuật học, đây là phương pháp chủ đạo để phân tích, đánh giá về giá trị nghệ thuật của các thể loại điêu khắc của chùa Hội Khánh - Bình dương để khẳng định giá trị thẩm mĩ và những ứng dụng của loại hình nghệ thuật này trong cuộc sống, sáng tạo nghệ thuật; Phương pháp tiếp cận liên ngành: Tác giả vận dụng kiến thức liên ngành của văn hóa, kiến trúc, lịch sử, mĩ học, nghệ thuật…, để phân tích các yếu tố thị giác của nghệ thuật điêu khắc Hội Khánh - Bình dương trong tổng thể chung về văn hóa, tín ngưỡng, kiến trúc...
Tác giả cũng sử dụng các phương pháp nghiên cứu thông dụng khác như phương pháp nghiên cứu lịch sử nhằm thu thập những thông tin về biến động lịch sử văn hóa xã hội để xác định nguyên nhân và sự hình thành chùa của chùa Hội Khánh - Bình Dương. Phương pháp nghiên cứu khảo sát điền dã giúp tiếp cận, nghiên cứu trực tiếp đối tượng nghiên cứu, tìm hiểu sâu về ý nghĩa nội dung cũng như hình hức thể hiện của các thể loại điêu khắc trong chùa Hội Khánh. Các phương pháp so sánh, phân tích, đối chiếu để xác định đúng phong cách các thể loại điêu khắc của chùa Hội Khánh, mối liên hệ giữa các tính chất đặc trưng của phong cách đó với đời sống tinh thần, vật chất của xã hội, qua đó đánh giá đúng giá trị nghệ thuật nói chung và giá trị nghệ thuật điêu khắc nói riêng của chùa. Ngoài ra, luận văn còn sử dụng tri thức của các ngành như khảo cổ học, dân tộc học để luận giải nhằm làm rõ thêm bối cảnh lịch sử quá trình hình thành vùng đất Bình Dương.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, chùa có hệ thống tượng tròn đặc sắc với gần 100 pho tượng cổ. Trong đó nổi bật lên là bộ tượng Thập bát La Hán, Thập điện Diêm Vương, cùng bộ bao lam khắc gỗ quý hình tượng các vị La Hán được tạo tác rất chi tiết và tỉ mỉ, thể hiện trình độ tay nghề cao của các nghệ nhân đất Bình Dương xưa. Mỗi tượng một dáng vẻ khác nhau. Cái đẹp của các tượng này là nghệ nhân đã thể hiện được nét mặt rất Việt Nam và xử lí một cách thành công thần thái tươi vui hoan hỉ của các vị La Hán. Một số tượng có nhát đục khá mạnh dạn, khoét lõm ở má, ở miệng, đã tạo nên những nếp nhăn rất sinh động tài tình. Giá trị mỹ thuật của các tượng này cao hơn hẳn so với các tượng cùng đề tài có cùng niên đại.
Nhìn chung, các pho tượng ở đây đều đạt giá trị cao về chủ đề tư tưởng biểu hiện, tính hiện thực của phong cách chạm khắc gỗ của người thợ Thủ cuối thế kỉ XVIII. Nghệ thuật điêu khắc trang trí trong chùa Hội Khánh ảnh hưởng nhiều bởi nghệ thuật tạo hình triều Nguyễn.
Biểu hiện cho lối ứng xử thẩm mĩ tinh tế của những nghệ nhân đất Thủ xưa. Trang trí trong kiến trúc chùa không chỉ biểu hiện về mặt tâm linh, mĩ cảm mà còn cho thấy tính phổ biến, đồng điệu về thị giác. Trên các bao lam, hệ thống phù điêu trong chùa đều có những nguyên tắc trang trí riêng, nhưng không hề tách biệt, đối lập. Kết cấu tạo hình, hình khối, thể diện, mảng trong kiến trúc đã làm cho trang trí có sự liên hệ liên tục và đạt tính biểu cảm cao. Các mảng phù điêu trong trang trí kiến trúc chùa Hội Khánh mang phong cách nghệ thuật dân gian, các mảng đề tài sử dụng trang trí ở đây vẫn là rồng, phượng, lân, dơi, hoa sen, hoa mai, hoa cúc... nhưng vẫn sinh động và không kém phần bắt mắt.
Điều đáng chú ý ở đây là những đồ án trang trí được lặp đi lặp lại nhiều lần để thỏa mãn sự đăng đối trong kiến trúc. Kĩ thuật chạm khắc được tập trung vào các đường cong, chạm nổi khối vào các chi tiết cần nhấn mạnh, nhằm diễn tả tính chất thực của đề tài, điều đó biểu hiện sự thống nhất cao giữa nội dung và hình thức làm nổi bật lên tính hiện thực.
Thông qua đề tài đã làm rõ nét đặc trưng, đa dạng, tính bản địa và khẳng định giá trị nghệ thuật điêu khắc ở chùa Hội Khánh - Bình Dương. Đây là tài liệu nghiên cứu cho chuyên ngành và tài liệu tham khảo trong giảng dạy của chuyên ngành điêu khắc tại các cơ sở đào tạo văn hóa và mỹ thuật.
g. Năm tốt nghiệp: 2021