Các vấn đề tồn tại trong phát triển nông thôn và nông nghiệp đô thị vừa qua; Những giải pháp giữ vững diện tích vườn cây ăn trái ven sông Sài Gòn gắn với việc phát triển du lịch sinh thái sắp tới. Định hướng phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn”.
Trong những năm qua, mặc dù diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố ngày càng bị thu hẹp nhưng do nhờ ứng dụng khoa học công nghệ và thâm canh trong sản xuất nên giá trị sản xuất nông nghiệp của thành phố có tăng trưởng ổn định, cơ cấu kinh tế nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch theo đúng định hướng, cơ cấu cây trồng vật nuôi đang từng bước chuyển hướng sang nền nông nghiệp hàng hóa phục vụ đô thị, đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao, một số ngành nghề mới ở nông thôn xuất hiện như trồng nấm, rau thủy canh, trồng hoa và cây cảnh, nuôi nhím, trăn, cá sấu, chim yến… góp phần tăng thu nhập cho nông dân và giải quyết việc làm cho khu vực nông thôn.
Hiện nay, trên thành phố Thuận An có khoảng trên 150 hộ đã và đang áp dụng canh tác theo mô hình nông nghiệp đô thị như: Trồng hoa mai : 50 hộ (9,7 ha); Hoa lan các loại : 24 hộ (2,67 ha), Kiểng các loại: 37 hộ (6,76 ha), Cá kiểng: 19 hộ (7 hộ nuôi mô hình ao: 1000 m2), 12 hộ nuôi mô hình hồ cá: 240 hồ cá bình quân 20 hồ/hộ nuôi; Cá sấu, trăn: Công ty Ngọc Sơn (phường Bình Chuẩn) 5000 m2 ; Nấm : 2 hộ (1.200 m2. Ngoài ra một số hộ trồng rau theo phương pháp thuỷ canh mô hình trồng rau thủy canh tại phường Bình Nhâm với quy mô 3000 m2 áp dụng các mô hình trồng rau mầm, trồng nấm ăn, trồng hoa trong nhà lưới hay nuôi baba trên cạn, nuôi lươn, ếch, trùn quế, nuôi côn trùng làm mồi nuôi chim, nuôi cá kiểng,… Đó chính là những dạng hình phù hợp với nền nông nghiệp đô thị, góp nhiều kinh nghiệm để hướng dẫn nông dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có kết quả và thích ứng với điều kiện sản xuất mới, diện tích nhỏ nhưng giá trị sản xuất cao khi đô thị phát triển nhanh.
Tuy nhiên bên cạnh những thành tựu đạt được còn một số các vấn đề tồn tại trong phát triển nông thôn và nông nghiệp đô thị vừa qua:
- Đất đai canh tác ngày càng manh mún, cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp ở một số phường còn chưa hoàn thiện, dẫn đến hạn chế trong quá trình cơ giới hóa và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp.
- Liên kết trong sản xuất nông nghiệp từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ còn hạn chế. Một số hàng hóa vẫn khó cạnh tranh trên thị trường.
- Ô nhiễm môi trường đất, nước do quá trình đô thị hóa ngày càng ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp và đời sống.
- Nghiên cứu và chuyển giao thiết bị khoa học và công nghệ mới ở lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn còn rất hạn chế. Đầu tư cho nghiên cứu công nghệ sản xuất nông nghiệp sạch, các mô hình nông nghiệp đô thị sinh thái, các mô hình nông nghiệp đô thị sinh thái du lịch còn ở mức rất thấp.
Định hướng phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn.
Mô hình Nông nghiệp đô thị đã và đang cho hiệu quả kinh tế cao, tạo thu nhập cho nông dân trên diện tích đất không lớn. Để xây dựng và phát triển mô hình Nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố Thuận An trong thời gian tới, chúng tôi đề xuất nghiên cứu, thực hiện các định hướng về phát triển nông nghiệp đô thị sau:
1- Trước hết phải thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp, thực hiện chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng - vật nuôi dù trên diện tích đất rất nhỏ để mở ra hướng phát triển cho Nông nghiệp đô thị.
2- Thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân nông thôn, những hộ ít đất dễ dàng tiếp cận với các thông tin về kỹ thuật canh tác, tạo thu nhập trong điều kiện ít đất.
3- Tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm làm ăn của các mô hình nông nghiệp đô thị có hiệu quả kinh tế, có hình thức hợp tác liên kết để các địa phương bạn giúp hướng dẫn kỹ thuật, cách làm thông qua các chương trình hướng nghiệp cho nông dân.
4- Liên kết nông dân vào các Tổ hợp tác để sản xuất và tiêu thụ nông sản đặc thù, qua đó hình thành mối liên kết 5 nhà: Nhà nước, Nhà nông, Nhà khoa học, Nhà buôn, Nhà băng, có phân định rõ trách nhiệm từng “nhà”. Trong mối liên kết 5 nhà, vai trò của hệ thống khuyến nông sẽ là cầu nối.
5- Xây dựng mô hình và chuyển giao kỹ thuật, công nghệ sản xuất các nông sản phẩm có giá trị gia tăng cao trên diện tích nhỏ thông qua hợp đồng thực hiện các Đề tài, Dự án sản xuất thử nghiệm giữa các Trường, Viện nghiên cứu với địa phương. Giải pháp này cũng đồng thời giúp cho nông dân ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.
6- Đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả ở nông thôn, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn. Hình thành mối liên kết giữa nông hộ với hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, doanh nghiệp, tổ chức khoa học.
7 - Nâng cao năng suất và sản lượng rau xanh và sạch trên diện tích còn lại. Giữ vững diện tích vườn cây ăn trái truyền thống gắn với nhãn hiệu tập thể “ Măng cụt Lái Thiêu”. Xây dựng các mô hình mẫu về vườn cây ăn quả sạch, chất lượng và hiệu quả, chuyển giao cho nông hộ. Nạo vét hệ thống kênh rạch, phát triển mạnh giao thông trong vườn cây ăn trái. Tiếp tục triển khai thực hiện dự án nâng cao năng suất vườn cây ăn trái và chính sách hỗ trợ.
8- Tăng cường bảo vệ môi trường chống ô nhiễm đất, nước, không khí và nông sản phát triển các ngành nghề công nghiệp nông thôn phải đi đôi với các giải pháp xử lý chất thải, nước thải, khí thải. Kiên quyết xử lý các trường hợp gây ô nhiễm môi trường trong sản xuất, sinh hoạt. Tiếp tục triển khai quy trình công nghệ sinh học vào cây ăn trái, rau màu.
9- Tiếp tục thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp, hình thành nền nông nghiệp đô thị xanh, sạch và bền vững. Kết hợp phát triển sản xuất với phát triển du lịch sinh thái, tạo cảnh quan xanh sạch đẹp phục vụ nhu cầu giải trí, nghỉ dưỡng và du lịch của dân cư các đô thị trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và khách du lịch vãng lai trong và ngoài nước.
10- Tổ chức nhiều mô hình trình diễn cây trồng vật nuôi theo hướng phát triển nông nghiệp đô thị để thay đổi dần thói quen sản xuất các loại cây trồng vật nuôi truyền thống của nông dân.
Những giải pháp giữ vững diện tích vườn cây ăn trái ven sông Sài Gòn gắn với việc phát triển du lịch sinh thái sắp tới.
Thành phố Thuận An có 6 xã, phường nằm ven sông Sài Gòn với chiều dài hơn 10 km từ phường Vĩnh Phú đến An Sơn, với một hệ thống kênh rạch dài hơn 56.000 m, với diện tích vườn cây ăn trái là 1.006 ha. Từ lâu, đã nổi tiếng là nơi có khu vui chơi, nghỉ ngơi, giải trí sau những ngày làm việc, học tập căng thẳng trong tuần, và khá nhiều loại trái cây đặc sản, nhiều hương vị đã làm cho du khách nhớ mãi vườn trái cây Lái thiêu.
Trước tình hình trên, Tỉnh, Thành phố đều đã có chủ trương cho nghiên cứu tìm biện pháp để cải tạo, nâng cao năng suất, chất lượng vườn cây, các dự án như :
“Thiết kế quy hoạch khu du lịch vườn cây ăn trái Lái Thiêu theo hướng phát triển bền vững” và chính sách quyết định 45/QĐ-UBND hỗ trợ phân bón phục hồi vườn cây giai đoạn 2013 – 2016 với số lượng nông dân tham gia có 1957 hộ tham gia, diện tích 530,72 ha và ngày 20/12/2016 UBND tỉnh tiếp tục ban hành Quyết định số 63/2016/QĐ-UBND quy định một số chính sách hỗ trợ giữ và phát triển vườn cây ăn quả đặc sản tỉnh Bình Dương giai đoạn 2017 – 2021 có 1634 hộ với 400,1 ha. Đảng bộ thành phố Thuận An ban hành Chương trình hành động số 07-Ctr/TU về “Đầu tư đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng gắn với cải tạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả vườn cây ăn trái đặc sản để phát triển du lịch các xã, phường ven sông Sài Gòn giai đoạn 2015 – 2020”. Đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ gắn liền với du lịch để giữ được vườn cây và tăng thu nhập cho nông dân.
Trên cơ sở kết quả đạt được, tôi xin đề xuất những giải pháp sau:
Giải pháp triển du lịch sinh thái gắn với vườn cây
1. Giải pháp phát triển vườn cây kết hợp với du lịch sinh thái
- Đầu tư, xây dựng và khai thác hiệu quả vườn cây có thể kết hợp với du lịch sinh thái như làng sinh vật cảnh, cây hoa kiểng, vườn cây ăn quả sinh thái đẹp…
- Tập trung đầu tư cải tạo, hoàn thiện và khai thác hiệu quả các địa điểm sản xuất nông nghiệp kết hợp với du lịch sinh thái như làng sinh vật cảnh Vĩnh Phú – Hưng Định; cụm du lịch sinh thái nhà vườn An Sơn – An Thạnh, cụm du lịch sinh thái Cầu Ngang (Hưng Định); khu du lịch sinh thái gắn liền với vườn cây ăn trái (An Sơn).
2. Giải pháp phát triển vùng du lịch sinh thái:
- Phát triển du lịch sinh thái phải trên cơ sở bảo tồn, giữ gìn cảnh quan môi trường tự nhiên và bản sắc văn hoá địa phương, quy hoạch xây dựng lại các cụm du lịch, bến bãi công cộng quy định nơi ra vào và neo đậu các ghe thuyền chở du khách tránh tình trạng sạt lỡ dọc theo các bờ rạch.
- Xây dựng các khu du lịch gắn với các sinh cảnh dọc theo sông Sài Gòn nhằm thu hút du khách đến các khu du lịch sinh thái.
- Chú ý đến quy hoạch quỹ đất dọc sông Sài Gòn, duy trì vườn trái cây Lái Thiêu làm nền cho thu hút du lịch, nghỉ dưỡng, hội nghị hội thảo. Nhà ở khu vực theo kiểu xen kẽ sinh thái, nhà truyền thống nhằm thu hút khách về tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng để tăng giá trị của thương hiệu “Vườn cây Lái Thiêu”, “ Măng cụt Lái Thiêu” theo định hướng của tỉnh Bình Dương giai đoạn đầu 2016 - 2020 phát triển từ Phú Thọ, Chánh Nghĩa, khu vực cảng Bà Lụa, An Sơn, Tân An, An Tây; giai đoạn sau 2021 - 2025 tiếp tục phát triển đến Hồ Dầu Tiếng.
- Đào tạo, tập huấn cho người dân nghiệp vụ và cách xây dựng các cơ sở kinh doanh du lịch theo chuẩn quốc gia. Đối với các cơ sở lưu trú chưa có qui định dẫn cụ thể, ví dụ homestay cần phối hợp với Sở văn hóa thể thao du lịch và các doanh nghiệp du lịch có kinh nghiệm để xây dựng tiêu chí chung phù hợp với các hộ dân trong các khu nhà vườn du lịch để đảm bảo sự thống nhất trong tiêu chuẩn dịch vụ tối thiểu dành cho homestay.
- Xây dựng các sản phẩm du lịch trọn gói chung. Bên cạnh các chương trình – sản phẩm du lịch của từng nhà vườn và doanh nghiệp du lịch. Xây dựng hệ thống thông tin chỉ dẫn du lịch tại các tuyến điểm du lịch trên địa bàn quận. Bảng nội qui khu du lịch sinh thái nhà vườn; Hệ thống bảng chỉ đường du lịch tại các khu nhà vườn du lịch; Điểm tham quan; Nhà vệ sinh công cộng; Thùng rác công cộng; Bản đồ du lịch của các khu du lịch,...
- Đối với khu vực vườn cây ăn trái ở An Sơn, An Thạnh, Hưng Định, Bình Nhâm, do có tính chất nằm tập trung trong một khu vực nên nên phải có giải pháp vận động người dân cùng hợp tác xây dựng mô hình du lịch cộng đồng. Nguyên tắc của cộng đồng là sự tham gia tự giác của các nhà vườn theo khả năng của mình; Khi tham gia phải tuân thủ các qui định chung của cộng đồng. Qui định chung này cần được Chính quyền phê duyệt và giám sát việc thực hiện;....
- Đẩy mạnh công tác xã hội hoá du lịch, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển các sản phẩm và dịch vụ du lịch. Xây dựng và phát triển các mô hình phục vụ nhu cầu của du khách về nghĩ dưỡng vườn cây sông nước, thể thao giải trí, tham quan di tích văn hoá lịch sử, du lịch sinh thái, du lịch làng nghề sơn mài ... Thành phố khuyến khích các doanh nghiệp mạnh dạn đột phá trong đầu tư xây dựng những khách sạn, cơ sở lưu trú, dịch vụ vui chơi giải trí cao cấp để thu hút du khách có nhu cầu cao về chất lượng phục vụ.
Giải pháp nâng cao chất lượng vườn cây ăn trái
- Tiếp tục thực hiện cải tạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả vườn cây gắn với đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng.
- Tiếp tục đầu tư khai thông, nạo vét các công trình thủy lợi và kiên cố hóa kênh mương để phù hợp với sự phát triển của một địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh. Hoàn chỉnh hệ thống cống đập, tổ chức thực hiện tốt việc nạo vét hệ thống kênh rạch trong các khu đê bao khép kín, để chủ động tưới tiêu, rửa phèn, ngăn mặn, giữ ngọt để thuận lợi cho việc phát triển kinh tế vườn. Kết hợp thủy lợi với xây dựng giao thông nông thôn phục vụ cho việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa nông sản đến thị trường. Đây là công tác quan trọng đối với việc duy trì và phát triển vườn cây ăn trái trong những năm sắp tới.
- Đẩy mạnh công tác tập huấn chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật cho nông dân như: bón phân hợp lý; tăng cường sử dụng phân hữu cơ; sử dụng pheromol, ong ký sinh, vi sinh vật đối kháng, thuốc vi sinh để sản xuất trái cây an toàn vệ sinh thực phẩm; xây dựng mô hình sản xuất trái cây theo tiêu chuẩn GAP; xử lý ra hoa rãi vụ, nghịch mùa.
- Tổ chức phát động phong trào thu hút tập hợp nông dân các xã, phường ven sông Sài Gòn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào vườn cây và tham gia đăng ký xây dựng phát triển thương hiệu “Măng cụt Lái Thiêu” để tăng giá trị sản phẩm trái cây đặc sản Thuận An và giữ vững top 50 loại trái cây nổi tiếng nhất của Việt Nam trái cây do Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam (Vietkings) bầu chọn tháng 8/2012.
- Đầu tư kết cấu hạ tầng rất quan trọng để thúc đẩy giao lưu hàng hóa, xây dựng và phát triển tuyến du lịch sinh thái vườn cho từng xã, phường ven sông Sài Gòn thu hút khách du lịch. Đầu tư kết cấu hạ tầng phải phù hợp cảnh quan môi trường du lịch sinh thái sông nước miệt vườn đến các vùng cây ăn trái đặc sản, các làng nghề truyền thống địa phương, góp phần phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch làm tăng giá trị tài nguyên và môi trường sinh thái cho các khu vực khai thác du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế đầu tư khai thác phát triển đa dạng sản phẩm du lịch.
- Phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch, Sở Nông nghiệp - PTNT tỉnh và các ban ngành chức năng: Cần quy hoạch phát triển du lịch vườn cây Lái Thiêu mang tính đồng bộ và tập trung quy hoạch chi tiết khu du lịch Cầu Ngang là trung tâm khu du lịch sinh thái. Đề nghị tỉnh đẩy mạnh mời gọi đầu tư phát triển du lịch sinh thái vườn theo quy hoạch để hạn chế phát triển còn mang tính tự phát, nhằm xây dựng khu du lịch vườn cây ăn trái mang đậm nét văn hóa miệt vườn miền Đông Nam bộ và nhân dân an tâm đầu tư phát triển các dịch vụ du lịch.
Làm được những vấn đề trên sẽ kích thích sản xuất nông nghiệp đô thị, giữ vững vườn cây gắn với dịch vụ du lịch sinh thái phát triển, từng bước nâng cao đời sống nhân dân trong vùng. Khi đời sống nông dân được ổn định, dân trí sẽ nâng cao đem lại ổn định về chính trị, trật tự an toàn xã hội, giảm đi các tệ nạn xã hội, mở ra điều kiện cơ bản để thực hiện việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp Thành phố.
Công Thạch