Cơ chế phát triển sạch - những điều cần biết
Cơ chế phát triển sạch hay gọi tắt là cơ chế CDM, viết tắt của cụm từ Clean Development Mechanism là cơ chế hợp tác giữa các nước phát triển với các nước đang phát triển trong khuôn khổ Nghị định Thư Kyoto thuộc công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu. Việc thực hiện cơ chế CDM chính là việc thực hiện giảm thiểu phát thải khí nhà kính định lượng và bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất khỏi tác động của con người.
Cơ chế phát triển sạch là cơ chế hợp tác quy định tại điều 12 trong khuôn khổ Nghị định thư Kyoto - Nhật Bản tháng 12 năm 1997. Nghị định thư đã thiết lập một khuôn khổ pháp lý mang tính toàn cầu nhằm kiềm chế và kiểm soát xu hướng gia tăng phát thải khí nhà kính. Theo đó các nước phát triển sẽ hỗ trợ, khuyến khích các nước đang phát triển thực hiện các dự án thân thiện với môi trường, nhằm mục tiêu phát triển bền vững. Năm 2002, Việt Nam cũng đã phê chuẩn Nghị định thư này, điều đó có nghĩa là Việt Nam cam kết về giảm phát thải khí nhà kính trong đó có việc thực hiện cơ chế phát triển sạch.
Cơ chế phát triển sạch hay gọi tắt là cơ chế CDM, viết tắt của cụm từ Clean Development Mechanism là cơ chế hợp tác giữa các nước phát triển với các nước đang phát triển trong khuôn khổ Nghị định Thư Kyoto thuộc công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu. Việc thực hiện cơ chế CDM chính là việc thực hiện giảm thiểu phát thải khí nhà kính định lượng và bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất khỏi tác động của con người.
Nhà đầu tư thực hiện các dự án theo cơ chế phát triển sạch tại Việt Nam được hưởng nhiều ưu đãi về các chính sách thuế và tiền thuê đất; đồng thời được xem xét trợ giá đối với các sản phẩm thuộc dự án. Một điều quan trọng nữa đó chính là các dự án thuộc cơ chế phát triển sạch, sẽ được tổ chức quốc tế cấp tín chỉ về lượng khí thải mà dự án cắt giảm được hay còn gọi là các tín chỉ CERs. Những tín chỉ này có thể bán lại cho thị trường hoặc các nước có cam kết thực hiện cơ chế phát triển sạch nhưng vì lý do nào đó họ không cắt giảm được lượng khí thải ông Nguyễn Khắc Hiếu, Phó Cục trưởng - Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi Khí hậu - Bộ Tài Nguyên và Môi trường chia sẻ.
Như vậy, cơ chế phát triển sạch thực sự có nhiều ưu điểm, nhất là trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu và tiết kiệm được chi phí cho doanh nghiệp. Mặc dù Việt Nam đã triển khai cơ chế này khá lâu nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn còn khá xa lạ và mơ hồ về những ưu đãi khi thực hiện cơ chế này. Điều đó dẫn đến có nhiều dự án rất phù hợp với việc áp dụng cơ chế phát triển sạch nhưng doanh nghiệp lại không áp dụng.
Tại Bình Dương, có những nhà máy áp dụng rất nhiều biện pháp để sử dụng năng lượng hiệu quả. Từ việc thay thế các bóng đèn tiết kiệm điện đến việc sử dụng hơi nước làm lạnh nhà xưởng… Những giải pháp này đã giúp cắt giảm đáng kể lượng khí thải ra môi trường. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng không đăng ký thực hiện theo cơ chế phát triển sạch. Không chỉ những doanh nghiệp này mà đa số các doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực có tiềm năng như chế biến mủ cao su, chăn nuôi, giấy và tái chế giấy…vẫn không áp dụng cơ chế phát triển sạch để mang lại lợi ích cho doanh nghiệp mình.
Theo thống kê của Sở Tài Nguyên và Môi trường Bình Dương, tính đến nay trên địa bàn tỉnh chỉ có 03 doanh nghiệp thực hiện cơ chế phát triển sạch. Đây là con số quá nhỏ bé so với lượng doanh nghiệp đang đóng trên địa bàn.
Ông Nguyễn Khắc Hiếu, Phó Cục trưởng - Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi Khí hậu - Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Việt Nam được đánh giá là nước rất có tiềm năng trong vấn đề giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Chính vì vậy việc tăng cường các biện pháp để khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, cũng như các nhà đầu tư trong nước với việc giảm thiểu phát thải khí nhà kính thông qua các dự án theo cơ chế phát triển sạch là một việc làm rất cần thiết.
Bên cạnh đó, các nhà quản lý cũng phải tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng, các doanh nghiệp về lợi ích của các dự án giảm thiểu phát thải khí nhà kính và thích ứng biến đổi khí hậu. Có như vậy, cơ chế phát triển sạch mới trở thành động lực cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp khi thực hiện dự án tại Việt Nam.
Huỳnh Thanh