Tăng trưởng xanh và phát triển bền vững
Tăng trưởng xanh là nội dung của chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020. Chiến lược này tập trung vào 03 nội dung chính bao gồm xanh hóa sản xuất, giảm cường độ phát thải khí nhà kính và tăng tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo; xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững. Để đạt được các mục tiêu trong chiến lược này, Việt Nam cũng đã ban hành các chính sách và công cụ thực hiện sản xuất sạch hơn, sản xuất và tiêu dùng bền vững, phát triển nông nghiệp thông minh…
Thời gian gần đây chúng ta nghe nhiều đến cụm từ “Tăng trưởng xanh”. Đây là một chiến lược thúc đẩy quá trình tái cấu trúc và hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên thiên nhiên; nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, thông qua tăng cường đầu tư vào đổi mới công nghệ. Chiến lược này cũng góp phần quan trọng trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nghèo và đảm bảo phát triển kinh tế bền vững. Tại Việt Nam, tăng trưởng xanh đã được xác định là chiến lược quốc gia, là xu hướng tất yếu để phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Tăng trưởng xanh là nội dung của chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020. Chiến lược này tập trung vào 03 nội dung chính bao gồm xanh hóa sản xuất, giảm cường độ phát thải khí nhà kính và tăng tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo; xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững. Để đạt được các mục tiêu trong chiến lược này, Việt Nam cũng đã ban hành các chính sách và công cụ thực hiện sản xuất sạch hơn, sản xuất và tiêu dùng bền vững, phát triển nông nghiệp thông minh…
Ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: Để đạt được các mục tiêu tăng trưởng xanh, Việt Nam đang thực hiện một chiến lược "Công nghiệp hóa sạch" thông qua rà soát, điều chỉnh những quy hoạch ngành hiện có, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên. Bên cạnh đó là các chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp xanh, nông nghiệp xanh với cơ cấu ngành nghề, công nghệ, thiết bị bảo đảm nguyên tắc thân thiện với môi trường. Theo đó, đến năm 2020 giá trị sản phẩm công nghệ cao, công nghệ xanh trong GDP phải đạt từ 42 - 45%; 80% các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường, 50% áp dụng công nghệ xanh.
Cũng như các nước đang phát triển khác, Việt Nam đang gặp những trở ngại về vấn đề tăng trưởng xanh. Hiện nay, những doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam thường có trình độ công nghệ thấp. Việc sử dụng lãng phí các nguồn tài nguyên thiên nhiên và phát thải gây ô nhiễm môi trường và hệ sinh thái đang là một thách thức đối với các nhà quản lý, GS.TS.Nguyễn Hữu Ninh, Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Môi trường và Phát triển phân tích.
Để giải quyết trở ngại này cần có lộ trình và sự giúp đỡ của các nước phát triển trong chuyển giao công nghệ mới; đầu tư về khoa học kỹ thuật nhằm sử dụng hiệu quả và tiết kiệm các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Trong những năm gần đây, Bình Dương cũng đã triển khai nhiều giải pháp để thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh. Trong đó, việc thu hút đầu tư có chọn lọc các ngành nghề có hàm lượng công nghệ cao được chú trọng. Bên cạnh đó, tỉnh cũng khuyến khích và có nhiều chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ, triển khai các giải pháp để sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; ứng dụng sản xuất sạch hơn...
Một trong những nội dung quan trọng của tăng trưởng xanh là phải giảm được cường độ phát thải khí nhà kính, thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch và năng lượng tái tạo. Thực tế trong khả năng của mình, nhiều doanh nghiệp cũng đã triển khai các giải pháp để giảm thiểu khí thải, sử dụng năng lương tiết kiệm.
Trong vấn đề tăng trưởng xanh thì xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững cũng là một yếu tố quan trọng. Đó là việc kết hợp nếp sống đẹp truyền thống với những phương tiện văn minh hiện đại để tạo nên đời sống tiện nghi, chất lượng cao mang đậm bản sắc dân tộc và thân thiện với môi trường. Nói cách khác, đó là việc thay đổi trong hành vi nhận thức của cộng đồng về các hoạt động sinh hoạt, tiêu dùng làm sao để tiết kiệm năng lượng, tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường.
Một trong những rào cản của việc xanh hóa lối sống và tiêu dùng hiện nay đó chính là vấn đề nhận thức và điều kiện kinh tế nên thói quen tiêu dùng bền vững vẫn chưa thật đi sâu vào đời sống. Cho đến nay, các chương trình cấp nhãn xanh, nhãn tiết kiệm năng lượng hay nhãn sinh thái cho ngành du lịch đã triển khai nhưng vẫn chưa mang lại nhiều hiệu quả. Bởi người tiêu dùng vẫn chưa thực sự quan tâm nhiều khi có nhu cầu lựa chọn sản phẩm.
Tăng trưởng xanh không còn là một xu hướng mà trở thành lựa chọn sống còn không chỉ riêng từng quốc gia mà là của cả thế giới. Mô hình tăng trưởng xanh hướng đến sự phát triển bền vững đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận và đang phấn đấu thực hiện. Trong tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam, việc lựa chọn mô hình tăng trưởng xanh cũng đang là một tất yếu vấn đề còn lại là sự quyết tâm thực hiện của các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
Trần Nam