Hiện đại hóa công tác quan trắc tài nguyên và môi trường
Các thiết bị quan trắc nước thải tự động có thể đo nhanh các thông số COD, TSS, pH và lưu lượng của nước thải. Hình ảnh từ các camera và các số liệu đo đạc được sẽ truyền về Trạm điều hành hệ thống quan trắc nước thải tự động. Do đó, các nguồn thải lớn cơ bản đã được kiểm soát.
Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Dương là nơi tập trung nhiều khu công nghiệp với các ngành sản xuất đa dạng. Điều này đòi hỏi công tác bảo vệ môi trường tại các khu, cụm công nghiệp phải được chú trọng. Tính đến nay, 100% khu công nghiệp đều đã lập hồ sơ về môi trường, có 26 khu công nghiệp đi vào hoạt động đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm sao kiểm soát được chất lượng nước thải đầu ra của các khu cụm công nghiệp này.
Tháng 7/2011, tỉnh Bình Dương đã đưa vào hoạt động hệ thống quan trắc nước thải tự động hiện đại với tổng vốn đầu tư gần 29 tỷ đồng; 06 khu công nghiệp có tỷ lệ lắp đầy 100% đều được lắp đặt thiết bị quan trắc nước thải tự động. Nguồn thải tại 06 khu công nghiệp này cùng 15 nguồn nước thải có lưu lượng lớn khác cũng được lắp hệ thống camera quan sát 24/24 giờ quá trình vận hành hệ thống xử lý nước thải của các doanh nghiệp. Ông Nguyễn Hồng Nguyên, phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương cho biết: Đến nay,Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường Bình Dương đã kết nối thêm 31 Trạm quan trắc nước thải tự động của Dự án đầu tư hệ thống quan trắc nước thải tự động giai đoạn 2, nâng tổng số Trạm quan trắc lên 57 Trạm.
Các thiết bị quan trắc nước thải tự động có thể đo nhanh các thông số COD, TSS, pH và lưu lượng của nước thải. Hình ảnh từ các camera và các số liệu đo đạc được sẽ truyền về Trạm điều hành hệ thống quan trắc nước thải tự động. Do đó, các nguồn thải lớn cơ bản đã được kiểm soát.
Không chỉ kiểm soát chất lượng nước thải, Bình Dương cũng thực hiện nhiều giải pháp để kiểm soát chất lượng nguồn nước mặt. Đây là trạm quan trắc nước mặt tự động sông Sài Gòn, đặt tại trạm bơm nước thô Thủ Dầu Một. Trạm quan trắc này cũng sẽ tự động đo các chỉ tiêu ô nhiễm các vị trí dùng làm nguồn nước cấp cho các nhà máy nước Thủ Dầu Một. Khi có những thay đổi bất thường về các chỉ tiêu trong nước, thì các cán bộ quan trắc tài nguyên môi trường tại trạm điều hành trung tâm cũng sẽ dễ dàng biết được. Rõ ràng, dự án không những góp phần nâng cao trình độ, năng lực quản lý trong công tác bảo vệ môi trường, mà còn giúp cho hoạt động quan trắc được thực hiện một cách hiện đại, khoa học.
Hiện nay, quan trắc chất lượng nước mặt bằng thiết bị quan trắc tự động đang được thực hiện liên tục tại các điểm sông Sài Gòn tại Trạm bơm nước thô Thủ Dầu Một - phường Chánh Mỹ, thành phố Thủ Dầu Một; sông Đồng Nai tại Trạm bơm nước thô Tân Hiệp - phường Uyên Hưng, thị xã Tân Uyên và sông Thị Tính tại Công ty TNHH Vĩnh Nguyên - xã An Điền, thị xã Bến Cát. Các điểm này cũng chính là 03 vị trí quan trắc mà Quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên môi trường tỉnh Bình Dương đến năm 2020 đã phê duyệt. Các dữ liệu về chất lượng môi trường nước mặt luôn luôn được cập nhật, giúp cho các nhà quản lý nắm bắt, đánh giá được các diễn biến về chất lượng môi trường nước mặt nhanh chóng để đưa ra các giải pháp xử lý kịp thời, nhằm giảm thiểu tối đa mức độ ô nhiễm môi trường nước mặt, ông Phạm Lê Sơn, cán bộ quan trắc - Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường Bình Dương cho biết thêm.
Các trạm quan trắc tự động nước dưới đất cũng được xây dựng tại những khu vực có công nghiệp phát triển, dân cư đông như khu công nghiệp Sóng Thần 1, phường Vĩnh Phú và An Phú, thị xã Thuận An... Những trạm quan trắc tự động này sẽ thực hiện quan trắc 24/24 các thông số về mực nước, nhiệt độ nước, độ mặn… Từ đó, giúp các nhà quản lý kịp thời phát hiện những diễn biến xấu về chất lượng nước ngầm để đề ra những giải pháp xử lý phù hợp.
Có thể nói, việc đưa vào vận hành các trạm quan trắc tự động nước dưới đất là một trong những nỗ lực vượt bật trong việc bảo vệ nguồn tài nguyên quan trọng này. Bởi trước đây, khi chưa có hệ thống quan trắc tự động nước dưới đất, các quan trắc viên chỉ có thể quan trắc tại một thời điểm nên không thể đưa ra những đánh giá chính xác về diễn biến của nước dưới đất tại từng khu vực. Với hệ thống hiện tại thì vừa tiết kiệm được nhân lực, phương tiện, mà các số liệu chuyển về hệ thống trung tâm cũng chính xác và kịp thời hơn rất nhiều.
Trong sản xuất công nghiệp, ngoài nước thải thì quá trình sản xuất còn phát sinh khí thải và bụi. Bình Dương là 01 trong 06 tỉnh thành đầu tiên của cả nước được hướng dẫn và đào tạo phương pháp lấy mẫu khí thải theo đúng tiêu chuẩn quốc tế. Việc quan trắc tuân thủ khí thải phục vụ cho công tác kiểm soát ô nhiễm đã được Bình Dương thực hiện từ năm 2007 đến nay. Việc kiểm soát ô nhiễm khí thải lại khó khăn hơn kiểm soát ô nhiễm từ nước thải nhiều lần. Bởi việc xác định các thành phần ô nhiễm, cũng như công tác phân tích xác định nguồn ô nhiễm rất phức tạp, ông Trần Dung Quốc, phó trưởng phòng Quan trắc hiện trường - Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường Bình Dương chia sẻ.
Để kiểm soát hiệu quả các nguồn ô nhiễm từ khí thải công nghiệp, Bình Dương đang chuẩn bị các điều kiện vật chất để hướng đến việc quan trắc tự động khí thải tại các nguồn thải lớn. Điều này sẽ góp phần quan trọng trong việc hiện đại hóa công tác quản lý cũng như thực hiện việc kiểm soát ô nhiễm một cách hiệu quả.
Cùng với xu hướng phát triển và với những yêu cầu trong giai đoạn mới đối với hoạt động quan trắc môi trường thời gian tới Bình Dương tiếp tục triển khai mở rộng nhiều dự án tự động hóa hoạt động quan trắc môi trường. Bên cạnh đó là việc ứng dụng công nghệ mới, hiện đại trong hoạt động quan trắc, truyền dữ liệu, phân tích, xử lý số liệu... Điều này không chỉ giúp cho công tác quản lý về nhà nước về tài nguyên môi trường được thực hiện chặt chẽ khoa học mà còn góp phần xây dựng tỉnh Bình Dương phát triển hiện đại và thân thiện với môi trường.
Thanh Thảo