Nguy hiểm từ bao bì thuốc bảo vệ thực vật
Thực tế thì có nhiều nông dân cũng đã ý thực được những nguy cơ từ việc bỏ các loại bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật không đúng quy định. Nhưng nếu thu gom thì họ cũng không biết phải đem bỏ ở đâu. Bởi đây là loại rác thải nguy hại không thể để chung với các loại rác sinh hoạt thông thường. Trên những cánh đồng rộng lớn như thế này lại không có những hố thu gom rác.
Những vỏ chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật, phân bón sau khi sử dụng sẽ trở thành các loại rác thải nguy hại. Những loại rác thải này phải được thu gom và tiêu hủy đúng quy định. Bởi nếu vứt bừa bãi thì chúng không chỉ gây nguy hiểm cho môi trường đất, nước ngầm và nước mặt mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người nông dân.
Dọc các cánh đồng trồng hoa màu của các hộ nông dân ở phường Tân Hiệp - thị xã Tân Uyên là mướt xanh của những luống khoai môn, dưa leo. Để có được những luống rau xanh tốt, các nông dân ở đây phải sử dụng nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ dịch hại. Điều đáng nói là hầu hết các vỏ chai lọ thuốc bảo vệ thực vật, bao bì phân bón sau khi sử dụng đều được bỏ lại tại cánh đồng trồng rau màu này. Có nông dân sau khi sử dụng xong, các loại rác được gom lại một chỗ, nhưng có khi chúng cũng bị vứt bừa bãi trên những luống đất trồng rau màu.
Thực tế thì có nhiều nông dân cũng đã ý thực được những nguy cơ từ việc bỏ các loại bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật không đúng quy định. Nhưng nếu thu gom thì họ cũng không biết phải đem bỏ ở đâu. Bởi đây là loại rác thải nguy hại không thể để chung với các loại rác sinh hoạt thông thường. Trên những cánh đồng rộng lớn như thế này lại không có những hố thu gom rác. Chúng tôi phải chọn giải pháp đốt hoặc chôn lấp, nhưng xem ra chẳng có giải pháp nào là an toàn, anh Phạm Văn Sơn, nông dân phường Tân Hiệp - thị xã Tân Uyên, Bình Dương phân trần.
Như vậy, vấn đề đặt ra là làm sao phải xây dựng được các hố thu gom các loại rác thải nguy hại này và định kỳ thu gom và vận chuyển về khu vực xử lý theo quy định. Bởi nếu chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của nông dân mà không kiện toàn xây dựng hệ thống thu gom thì cũng khó hạn chế được tình trạng vứt bừa bãi các loại rác thải nguy hại này xuống khu vực sản xuất, trồng trọt.
Để hạn chế tình trạng nông dân vứt bỏ vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi ngoài đồng ruộng, Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh Bình Dương đã triển khai dự án: “Xây dựng các mô hình quản lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng đảm bảo vệ sinh an toàn môi trường trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2014 - 2016”. Đây được xem là một động thái tích cực của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng môi trường nông thôn sạch đẹp, thân thiện với môi trường.
Tính đến nay đã có hơn 10 xã được triển khai mô hình này. Mỗi xã trong vùng dự án sẽ được xây dựng khoảng 12 hố thu gom, một nhà trung chuyển rác thải có diện tích khoảng 15 mét vuông. Các loại rác này sẽ được thu gom hàng tháng về hố trung chuyển. Mỗi quý, xe của xí nghiệp xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương sẽ đến thu gom và vận chuyển về khu xử lý.
Việc triển khai dự án xây dựng các hố thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại các xã trên địa bàn tỉnh Bình Dương bước đầu đã tạo cho nông dân thói quen bỏ rác thải nông nghiệp đúng nơi quy định. Nhưng để thực hiện một cách hiệu quả và đồng bộ thì công tác tuyên truyền vẫn giữ vai trò hết sức quan trọng. Chính vì vậy, Hội Nông dân các cấp cần phải tuyên truyền vận động hội viên, nông dân hiểu và tự giác thực hiện,bà Đinh Thị Hường, Phó Trưởng phòng Bảo vệ Thực vật - Chi cục Bảo vệ Thực vật Bình Dương đề xuất.
Theo dự kiến đến năm 2016, Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh Bình Dương sẽ tổ chức lắp đặt 360 hố thu gom rác thải nông nghiệp tập trung trên đồng ruộng và 30 nhà chứa rác thải nông nghiệp tại các vùng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Chắc chắn khi đó môi trường nông thôn Bình Dương, đặc biệt là khu vực sản xuất nông nghiệp sẽ không còn có những mối nguy hiểm đe dọa từ các loại rác thải nông nghiệp nguy hại này. Vấn đề còn lại là, khi dự án kết thúc các địa phương phải làm sao duy trì được việc vận hành thu gom và xử lý các loại rác thải nông nghiệp đã được thu gom, “Tránh tình trạng đánh trống bỏ dùi”.
Có thể nói, việc triển khai dự án: “Xây dựng các mô hình quản lý phân bón, thuốc Bảo vệ thực vật sau khi sử dụng đảm bảo vệ sinh an toàn môi trường trên địa bàn tỉnh Bình Dương” không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong việc làm sạch môi trường sản xuất nông nghiệp mà còn góp phần giúp các xã nông thôn Bình Dương hoàn thiện tiêu chí môi trường. Đây là một trong những tiêu chí xây dựng nông thôn mới mà các xã trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực thực hiện.
Thanh Hải