Công tác Quản lý chất lượng và phát triển thương hiệu “Măng cụt Lái Thiêu” ở các xã, phường ven sông Sài Gòn
Trong nhiều năm qua trái cây măng cụt Lái Thiêu đã được nhiều người biết đến và là nằm trong danh sách top 50 trái cây ăn trái đặc sản Việt Nam. Hiện nay, diện tích măng cụt trên địa bàn thị xã Thuận An có 661 ha (trong đó 650,63 ha đang trong giai đoạn cho thụ hoạch) chiếm trên 53,36 % diện tích vườn cây ăn trái của thị xã.
Trong năm 2012, Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam (Vietkings) chủ trì kết hợp với Viện Nghiên cứu Cây ăn quả Miền Nam, Hiệp hội trái cây Việt Nam, Cục Sở hữu Trí tuệ bầu chọn “Măng cụt Lái Thiêu” nằm trong Top 50 trái cây nổi tiếng nhất Việt Nam.
Từ thực tiễn đó, UBND thị xã đã triển khai dự án Xây dựng nhãn hiệu tập thể “Măng cụt Lái Thiêu” phối hợp cùng với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh. Dự án thực hiện từ năm 2011 đến tháng 9/2014.
Ngày 07 tháng 08 năm 2013, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể Măng cụt Lái Thiêu do Hội Nông dân thị xã đại diện quản lý.
Ngày 19/6/2014, Phòng Kinh tế phối hợp Hội nông dân thị xã tổ chức công bố nhãn hiệu tập thể măng cụt Lái Thiêu có 100 nông dân tham dự cùng với lãnh đạo của các Sở ngành tỉnh: Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Văn hoá thể thao - Du lịch, Công Thương và các phòng ban chuyên môn của thị xã Thuận An.
Tháng 5, 6 Ban Quản lý và Ban kiểm soát tổ chức kiểm tra thẩm định 19 hộ gia đình trong tổ hợp tác có đơn yêu cầu cấp quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể măng cụt Lái Thiêu và cấp tem để dán trên trái măng cụt đạt chuẩn theo quy định. Kết quả, Hội nông dân đã cấp 19.900 tem cho 7 hộ, cấp 12 giấy Chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể “Măng cụt Lái Thiêu”.
Ngoài ra, để tuyên truyền phát đã phát 200 cuốn cẩm nang, 5.800 tờ rơi cho các hội viên nông dân, khách tham quan, ban ngành, đoàn thể trong các Lễ hội mùa trái chín hàng năm. Tổ chức hỗ trợ bao bì đóng gói được 10.000 thùng (2 loại: 5.000 thùng loại 10 kg; 5.000 thùng loại 20 kg). Cụ thể: An Sơn 2.400 thùng, An Thạnh: 4.600 thùng, Hưng Định: 1000 thùng, Bình Nhâm: 2.000 thùng.
Các giải pháp giữ và phá triển vườn cây
Công tác tổ chức và quản lý:
Để đi vào quản lý và tổ chức dán tem trên trái măng cụt có hiệu quả. UBND thị xã ban hành Quyết định số 482/QĐ-UBND ngày 10/01/2012 của UBND thị xã Thuận An về việc ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể “Măng cụt Lái Thiêu” giao cho Hội Nông dân chủ sở hữu quản lý nhãn hiệu tập thể “Măng cụt Lái Thiêu”. Hội Nông dân Thuận An ban hành:
+ Quyết định số 12-QĐ/HNDTX ngày 17/12/2013 về việc thành lập Ban quản lý nhãn hiệu tập thể thuộc dự án: Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Măng cụt Lái Thiêu” thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương với 7 thành viên trong đó đồng chí Chủ tịch Hội Nông dân trưởng ban và một số đồng chí lãnh đạo của Phòng Kinh tế, chủ tịch Hội Nông dân các xã, phường An Sơn, An Thạnh, Hưng Định, Bình Nhâm.
+ Quyết định số 13-QĐ/HNDTX ngày 17/12/2013 về việc thành lập ban kiểm soát nhãn hiệu tập thể với 5 thành viên, trong đó đồng chí Phó chủ tịch Hội nông dân thị xã làm trưởng ban, các đồng chí còn lại là Chủ tịch, Phó chủ tịch Hội nông dân các xã, phường là Phó ban, thành viên.
+ Quyết định số 07-QĐ/HNDTX ngày 19/3/2019 của về Quy chế cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể và sử dụng tem mang nhãn hiệu tập thể “Măng cụt Lái Thiêu”.
Tổ chức thành lập 4 tổ hợp tác quản lý và sản xuất trái cây Măng cụt Lái Thiêu và 1 câu lạc bộ vườn cây chất lượng cao với 120 thành viên.
Công tác triển khai nâng cao chất lượng và thương hiệu nhãn hiệu tập thể Măng cụt Lái Thiêu
Đẩy mạnh tiếp thị, quảng bá cho măng cụt và mở ra triển vọng mới trong việc tạo dựng thương hiệu măng cụt Lái Thiêu trồng ở địa phương, góp phần nâng cao giá trị kinh tế của sản phẩm măng cụt, bảo tồn măng cụt có chất lượng đặc trưng riêng của địa phương. Đồng thời đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đảm bảo quyền và lợi chính đáng của các hộ sản xuất kinh doanh măng cụt trên địa bàn.
Thị ủy ban hành Chương trình hành động số 07-CTr/TU ngày 15/4/2016 thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ XI về đầu tư phát triển nông nghiệp đô thị; giữ vững và nâng cao chất lượng vườn cây ăn trái gắn phát triển du lịch giai đoạn 2015 – 2020.
UBND thị xã ban hành các văn bản:
+ Kế hoạch số 1216/KH-UBND ngày 22/7/2016 nhằm cụ thể hóa các Chương trình hành động 07-Ctr/TU ngày 15/4/2016 của Thị ủy.
Ngày 30/12/2016 UBND thị xã Thuận An ban hành Quyết định số 8500/QĐ-UBND phê duyệt dự án phát triển cây ăn quả đặc sản gắn với quản lý, sử dụng nhãn hiệu tập thể “Măng cụt Lái Thiêu” của thị xã Thuận An. Hiện nay, đang phối hợp các xã, phường và Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp bền vững với các nội dung: Mô hình thâm canh tổng hợp cây Măng cụt; thành lập Hợp tác xã nhằm sử dụng nhãn hiệu “Măng cụt Lái Thiêu”; Mô hình sản xuất măng cụt chứng nhận VietGAP; sổ tay quy trình VietGAP măng cụt; đào tạo nông dân và chuyển giao kỹ thuật. Đang triển khai chọn điểm ở các xã An Sơn, phường An Thạnh, Hưng Định, Bình Nhâm.
Tháng 9/2018, Hội Nông dân phối hợp cùng với Phòng Kinh tế, Trung tâm nông nghiệp bền vững Đồng Nai, UBND xã An Sơn tổ chức công bố phát giấy Chứng nhận VietGAP cho 7 hộ, với diện tích 7,75 ha.
Triển khai thực hiện Quyết định số 45/2012/QĐ-UB ngày 16/10/2012 cho giai đoạn 2013 - 2016 và Quyết định số 63/QĐ-UBND ngày 20/12/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về chính sách hỗ trợ giữ và phát triển vườn cây ăn trái đặc sản giai đoạn năm 2017 - 2021, đến nay đến nay có 1.691 hộ với diện tích 417,96 ha.
Ngày 09/5/2018, UBND thị xã ban hành Kế hoạch số 1211/KH-UBND hỗ trợ phát triển thương hiệu “Măng cụt Lái Thiêu”.
Ngày 12/6/2018, UBND thị xã ban hành Kế hoạch số 1618/KH-UBND tổ chức Hội thi vườn sinh thái đẹp lần I - 2018 trên địa bàn thị xã Thuận An.
Tổ chức 2 chuyến học tập mô hình ở Chợ Lách về VietGAP trên trên măng cụt và mô hình quản lý phát triển nhãn hiệu tập thể trên trái bưởi của công ty Hương Miền Tây ở tỉnh Bến Tre.
Qua đó, các nhà vườn đã dần dần có ý thức cần phải liên kết lại với nhau thông qua việc tổ chức các câu lạc bộ hay tổ kinh tế tập thể để có cùng một quy trình sản xuất cho chất lượng cây ăn trái đồng đều nhằm cung ứng trái cây có chất lượng tốt, sản lượng ổn định và uy tín trên thị trường.
Các giải pháp trong giai đoạn 2020 - 2025
Tiếp tục đầu tư khai thông, nạo vét các công trình thủy lợi, tổ chức thực hiện tốt việc nạo vét hệ thống kênh rạch trong các khu đê bao khép kín, để chủ động tưới tiêu, rửa phèn, ngăn mặn, để thuận lợi cho việc phát triển kinh tế vườn. Kết hợp thủy lợi với xây dựng giao thông nông thôn phục vụ cho việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa nông sản đến thị trường. Tiếp tục thực hiện kế hoạch cải tạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả vườn cây để phát triển du lịch các xã, phường ven sông Sài Gòn.
Tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm: Liên hệ với các nhà phân phối lớn để bao tiêu sản phẩm. Các hợp đồng dài hạn sẽ là cơ sở giúp nông dân yên tâm sản xuất và ổn định cuộc sống.
Trong thời gian tới, cùng với nhiệm vụ triển khai sử dụng và quản lý nhãn hiệu, cần tăng cường công tác phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh, thị xã đẩy mạnh chuyển giao khoa học - kỹ thuật trong sản xuất cho nông dân; kết nối với doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất, đặc biệt chú ý đến chế biến sản phẩm sau thu hoạch để tạo ra giá trị cao nhất cho nông dân. Phối hợp với ngành chức năng đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại để quảng bá, giới thiệu sản phẩm măng cụt ra thị trường.
Tổ chức các nhà vườn đã liên kết lại với nhau thông qua việc tổ chức các câu lạc bộ hay tổ kinh tế tập thể, doanh nghiệp để có cùng một quy trình sản xuất cho chất lượng cây ăn trái đồng đều nhằm cung ứng trái cây có chất lượng tốt, sản lượng ổn định và uy tín trên thị trường. Đồng thời, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm: Hợp tác xã hay tổ hợp tác sẽ đại diện các hội viên liên hệ với các nhà phân phối lớn để bao tiêu sản phẩm.
- Tiếp tục thực hiện kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng gắn với cải tạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả vườn cây để phát triển du lịch các xã, phường ven sông Sài Gòn.
- Thường xuyên phối hợp giữa các cơ quan chức năng như: Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân tỉnh và Trung tâm xúc tiến Thương mại và Đầu tư để hướng dẫn nông dân thực hiện sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và quảng bá hình ảnh, thương hiệu trái cây.
- Đẩy mạnh công tác tập huấn chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật cho nông dân như: bón phân hợp lý; tăng cường sử dụng phân hữu cơ; sử dụng pheromol, ong ký sinh, vi sinh vật đối kháng, thuốc vi sinh để sản xuất trái cây an toàn vệ sinh thực phẩm; xử lý ra hoa rãi vụ, nghịch mùa.
- Thực hiện đồng bộ bốn khâu sản xuất, thu mua, chế biến - bảo quản và tiêu thụ với chương trình liên kết bốn nhà. Trong đó vai trò của nhà nước là cầu nói để liên kết các nhà còn lại. Có chính sách hỗ trợ vốn cho nhà nông và doanh nghiệp, phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn.
- Nâng cao công nghệ sau thu hoạch và bảo quản nông sản. Nâng cao chất lượng hàng nông sản theo hướng sản xuất sạch an toàn vệ sinh thực phẩm, hạn chế sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu hóa học thay bằng phân bón hữu cơ, vi sinh.
- Tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm: Hội Nông dân sẽ đại diện các hội viên liên hệ với các nhà phân phối lớn để bao tiêu sản phẩm. Các hợp đồng dài hạn sẽ là cơ sở giúp hội viên yên tâm sản xuất và ổn định cuộc sống.
Tóm lại, để xây dựng một thương hiệu trái cây có uy tín, hoạt động kinh doanh có hiệu quả trong và ngoài nước cần phải được đầu tư, quy hoạch đồng bộ và sự tham gia của nhiều ngành trong đó vai trò quan trọng chính là người nông dân nhà vườn./.
Công Thạch