Đại Học Thủ Dầu Một: Triển khai ứng dụng kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ trên các lĩnh vực
Trong những năm vừa qua, các khoa, viện, trung tâm - Trường Đại học Thủ Dầu Một đã đẩy mạnh hoạt động hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, sản phẩm nghiên cứu với các đối tác phù hợp với chức năng và lĩnh vực nghiên cứu của mình. Các đơn vị chủ động ký kết hoặc đề xuất Nhà trường ký kết với các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp ở trong nước và nước ngoài trong việc hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Sau khi ký kết, hai bên cần xây dựng kế hoạch cụ thể để việc hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ thực chất và khả thi.
Kết quả nghiên cứu và chuyển giao của các Viện/ Trung tâm theo định hướng của Nhà trường đã tạo được niềm tin với doanh nghiệp và người tiêu dùng, và khẳng định định hướng đúng đắn của Trường trong hỗ trợ phát triển ứng dụng. Các đề tài của sinh viên và cán bộ giảng viên cũng được định hướng dần theo hướng khả thi trong ứng dụng để làm nguồn tài nguyên chuyển giao cho trường sau này. Các kết quả nghiên cứu đề tài cấp Trường của cán bộ giảng viên được ứng dụng làm tài liệu giảng dạy, tham khảo phục vụ công tác đào tạo hoặc chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học trong hoạt động khởi nghiệp.
Năm 2021, Trường Đại học Thủ Dầu Một tiếp tục triển khai ứng dụng 45 kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ của cán bộ giảng viên vào thực tiễn công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học và phát triển sản phẩm. Điển hình như:
Lĩnh vực khoa học tự nhiên, kết quả đề tài “Khảo sát hàm lượng Estrogen và Progesterone trong phân của cầy vòi hương (Paradoxurus hermaphroditus Pallas, 1777) trong điều kiện nuôi nhốt” đã ứng dụng vào mô hình nuôi cầy vòi hương để nâng cao năng suất sinh sản, giải quyết việc khan hiếm con giống, góp phần tăng thu nhập cho người chăn nuôi. Đồng thời, đề tài tạo tiền đề cơ sở cho các nghiên cứu khác về công tác hỗ trợ sinh sản trên loài này và các loài động vật hoang dã khác trong điều kiện nuôi nhốt. Đề tài có ý nghĩa trong phát triển kinh kế nông hộ, đặc biệt trong việc bảo tồn và nâng cao năng suất trong nuôi động vật hoang dã.
Lĩnh vực khoa học nông nghiệp, kết quả đề tài “Nghiên cứu xử lý nước thải chăn nuôi heo sau hệ thống biogas bằng công nghệ sinh thái” đã được triển khai ứng dụng vào thực tiễn góp phần phát triển bền vững kinh tế nông nghiệp nông thôn. Tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Thực vật trong hệ thống có thể làm thức ăn cho gia súc, hoặc bán tăng thu nhập. Phát triển ngành chăn nuôi theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững. Ít tốn chi phí xây dựng và vận hành.
Lĩnh vực khoa học và kỹ thuật, kết quả đề tài “Thiết kế thi công mô hình thiết bị thực hành Điện tử số” được triển khai trong nghiên cứu, giảng dạy và học tập cho giảng viên và sinh viên ngành Điện - Điện tử ở Trường Đại học Thủ Dầu Một. Tạo điều kiện cho giảng viên nghiên cứu, trao đổi, học tập lẫn nhau, giúp nâng cao sự hiểu biết về lĩnh vực Điện tử số. Bên cạnh đó, làm chủ được công nghệ, thiết bị thực hành giúp cho giảng viên tự tin hơn, sáng tạo hơn trong thực tiễn. Mô hình thiết bị thực hành Điện tử số giúp sinh viên nâng cao kiến thức và kỹ năng về trong lĩnh vực Điện tử số. Từ đó, sinh viên tự tin ứng dụng và sáng tạo để cho ra các sản phẩm phục vụ tốt hơn các nhu cầu không giới hạn của con người.
Đề tài “Nghiên cứu ché tạo mốp cứng Polyurethane tỷ trọng thấp sử dụng tác nhân tạo bọt không gây phá hủy tầng ozone” đã chế tạo thành công vật liệu cách nhiệt mốp cứng PU tỷ trọng thấp với các tác nhân tạo bọt vật lý hydrocacbon không gây phá hủy tầng ozon và khả năng làm nóng trái đất nhằm thay thế HCFC 141b. Kết quả nghiên cứu là nguồn kiến thức mới, công cụ và phương tiện giảng dạy cho sinh viên.
Đề tài “Nghiên cứu điều chế vật liệu composite có nguồn gốc sinh học ứng dụng xử lý màu nước thải dệt nhuộm và kim loại nặng nước thải xi mạ đồng” tạo ra vật liệu mới và có giải pháp công nghệ mới, chuyển giao cho trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm - Trường Đại học Thủ Dầu Một tiếp tục nghiên cứu tạo ra sản phẩm. Thay đổi công nghệ bảo vệ môi trường.
Đề tài “Ứng dụng mô hình máy học hỗ trợ định danh nấm mối ở Bình Dương” là công trình có tác dụng nâng cao năng lực nghiên cứu của tác giả, hỗ trợ định danh nấm mối ở Bình Dương. Được dùng làm tài liệu thực tế phục vụ cho việc giảng dạy và học tập của giảng viên và sinh viên chương trình đào tạo Điện - Điện tử, Công nghệ thông tin.
Trong lĩnh vực khoa học xã hội, đề tài “Người Khmer ở xã An Bình, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương” đã nêu được nguồn gốc di dân và phân bố dân cư của cộng đồng Khmer ở An Bình. Nhận diện và phân tích đời sống kinh tế, văn hóa - giáo dục, xã hội của cộng đồng. Trình bày chính sách của tỉnh và vốn của cộng đồng đối với sự phát triển theo hướng bền vững.
Kết quả đề tài “Dạy mở rộng vốn từ trong môn luyện từ và câu ở tiểu học (Một số trường tiểu học ở Thủ Dầu Một)” có giá trị về mặt lý luận, góp phần nâng cao chất lượng dạy học phân môn luyện từ và câu cho GV Tiểu học. Sử dụng làm tài liệu nghiên cứu, tham khảo hữu ích cho giảng viên tiểu học trên địa bàn Thủ Dầu Một, cho sinh viên ngành sư phạm Ngữ văn và sinh viên ngành giáo dục tiểu học. Cung cấp luận cứ cho phòng Giáo dục TP. Thủ Dầu Một và Trường ĐH Thủ Dầu Một xây dựng chương trình đào tạo bồi dưỡng giáo viên tiểu học...
Tóm lại, các đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ tại trường Đại học Thủ Dầu Một được triển khai trên tất cả lĩnh vực, kết quả nghiên cứu được ứng dụng rộng rãi phục vụ cho công tác nghiên cứu, học tập và giảng dạy tại trường và các đơn vị có liên quan.