Đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất chất lượng góp phần phát triển kinh tế xã hội tỉnh Bình Dương
Trong năm 2021, tỉnh đã thu hút được 72.456 tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh, gồm 4.535 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh mới, với tổng số vốn là 31.298 tỷ đồng (tính đến ngày 15/11/2021), giảm 24% về số doanh nghiệp và giảm 24,3% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2020; 879 doanh nghiệp điều chỉnh tăng vốn, với tổng số vốn điều chỉnh tăng là 45.219 tỷ đồng. số doanh nghiệp giải thể là 416 doanh nghiệp, giảm 4,4% so với cùng kỳ. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 53.147 doanh nghiệp đăng ký hoạt động với số vốn đăng ký là 515.268 tỷ đồng.
Về thu hút đầu tư nước ngoài, thu hút được 2 tỷ 069 triệu đô la Mỹ, gồm 64 dự án mới với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 591 triệu đô la Mỹ (bằng 54% cùng kỳ năm 2020), 24 lượt dự án điều chỉnh vốn đầu tư với vốn đăng ký tăng thêm 808,2 triệu đô la Mỹ (bằng 241% so với cùng kỳ năm 2020) và 161 dự án đăng ký đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần với vốn đăng ký 669,5 triệu đô la Mỹ (bằng 83% so với cùng kỳ năm 2020).
Lũy kế đến ngày 15/11/2021, toàn tỉnh có 4.011 dự án có vốn đầu tư nước ngoài được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký là 37 tỷ 022 triệu đô la Mỹ. trong 56 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư nước ngoài tại Bình Dương, Đài Loan có 853 dự án với tổng số vốn đăng ký là 6 tỷ 212 triệu đô la Mỹ, Nhật Bản có 329 dự án với tổng số vốn là 5 tỷ 772 triệu đô la Mỹ, Singapore có 270 dự án với tổng số vốn đăng ký là 4 tỷ 846 triệu đô la Mỹ, Samoa có 140 dự án với tổng số vốn đăng ký là 3 tỷ 428 triệu đô la Mỹ, Hàn Quốc có 763 dự án với tổng số vốn đăng ký là 3 tỷ 259 triệu đô la Mỹ.
Có thể nói, năm 2021 là một năm khó khăn của cả thế giới khi đối mặt với nhiều bất ổn về chính trị, thiên tai, dịch bệnh mà đặc biệt là dịch covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ nền kinh tế và chưa có dấu hiệu dừng lại. Vì vậy, trong thời gian tới Bình Dương cần phát huy tối đa những thành tựu về kinh tế xã hội qua 24 năm tái lập tỉnh, cùng với đó là sự đoàn kết, thống nhất trong lãnh đạo, điều hành chính là nền tảng, động lực quan trọng để các ngành, các cấp cùng toàn thể nhân dân thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đặt ra.
Trong đó, cần tập trung mọi nguồn lực để phòng, chống dịch covid-19, duy trì trạng thái bình thường mới đảm bảo an toàn, hiệu quả. Phục hồi tăng trưởng kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ; chú trọng nâng cao chất lượng tăng trưởng trên nền tảng chuyển đổi số, kinh tế số. Tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển đô thị - dịch vụ làm tiền đề để xây dựng Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại.
Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, tăng trưởng sức chống chịu của nền kinh tế. Công nghiệp tiếp tục là ngành chủ lực, khẩn trương phục hồi và phấn đấu giữ vững tốc độ tăng trưởng khá, ổn định, tạo động lực cho phát triển đô thị, dịch vụ, thương mại trên địa bàn…
Tiếp tục thực hiện lộ trình chuyển đổi công năng các khu, cụm công nghiệp phía Nam theo hướng phát triển công nghiệp công nghệ cao, sử dụng ít lao động, phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị, dịch vụ; khuyến khích các doanh nghiệp phía Bắc gắn với xây dựng nông thôn mới, ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến, gắn với phát triển các vùng nguyên liệu.
Đẩy mạnh cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp; đánh giá, rút kinh nghiệm, chú trọng nhân rộng phát huy hiệu quả các mô hình canh tác nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công trình cao, đạt năng suất và giá trị gia tăng cao; chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật, các quy trình sản xuất tiên tiến để nâng cao hiệu quả sản xuất. Kêu gọi doanh nghiệp đầu tư và chuyển giao các mô hình canh tác tiên tiến, ứng dụng công nghệ cao cho các trang trại, nông hộ, đặc biệt là các khu nông nghiệp công nghệ cao.
Đánh giá tình hình thực hiện và hiệu quả của các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và có tiềm năng tăng trưởng cao. Tiếp tục tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp về trình tự, thủ tục, thao tác đăng ký doanh nghiệp trực tuyến. Triển khai các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng, thủ tục đơn giản; vận hành hiệu quả Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Bình Dương.
Lồng ghéo các nhiệm vụ hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ Đề án thành phố thông minh Bình Dương gắn với xây dựng Vùng Đổi mới sáng tạo tỉnh.
Trong năm tới, tiếp tục chú trọng đầu tư nâng cấp, phát triển hạ tầng giao thông, chỉnh trang đô thị, cấp thoát nước công cộng, giáo dục, y tế. Tập trung huy động các nguồn vốn trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực trên nhiều hình thức đa dạng phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế xã hội tỉnh.
Ngọc Trang