Di tích thành Xương Giang (Bắc Giang) qua hai lần khai quật
b. Chủ nhiệm đề tài: Nguyễn Bình Công
c. Tên cơ quan đi học: bảo tàng tỉnh Bình Dương
d. Tên Viện - trường thực hiện luận văn: Học viện khoa học xã hội Việt Nam
e. Mục tiêu nghiên cứu:
Hệ thống hóa toàn bộ tư liệu và các kết quả điều tra khảo sát, khai quật khảo cổ học từ trước đến nay về di tích thành Xương Giang. Trên cơ sở đó, chỉ ra đặc trưng di tích, di vật, cấu trúc mặt bằng của di tích thành Xương Giang. Đồng thời, đánh giá giá trị lịch sử - văn hóa di tích thành Xương Giang trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.
f. Kết quả thực hiện (tóm tắt):
Đây là Luận văn tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành khảo cổ học của tác giả Nguyễn Bình Công thực hiện với mục tiêu hệ thống hóa toàn bộ tư liệu và các kết quả điều tra khảo sát, khai quật khảo cổ học từ trước đến nay về di tích thành Xương Giang. Trên cơ sở đó, chỉ ra đặc trưng di tích, di vật, cấu trúc mặt bằng của di tích thành Xương Giang. Đồng thời, đánh giá giá trị lịch sử - văn hóa di tích thành Xương Giang trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.
Luận văn sử dụng các phương pháp nghiên cứu khảo cổ học truyền thống như: thống kê, phân loại hình học, mô tả, đo vẽ, chụp ảnh di tích, di vật điển hình, phân tích so sánh di tích, di vật khảo cổ học, phương pháp phân tích địa tầng... Đồng thời, áp dụng các phương pháp so sánh, đối chiếu, phân tích tổng hợp những đặc trưng về kỹ thuật, nghệ thuật trang trí trên các loại hình di vật, cấu trúc mặt bằng. Bên cạnh các phương pháp khảo cổ học truyền thống, luận văn còn kết hợp các phương pháp nghiên cứu đa ngành, liên ngành như: Sử học, dân tộc học, địa lý học, nhân chủng học, động vật học…
Di tích lịch sử địa điểm chiến thắng Xương Giang tại thành Xương Giang, phường Xương Giang, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang đã được xếp hạng Di tích cấp Quốc gia, nhưng hiện nay thành Xương Giang chỉ còn là phế tích và vẫn tiếp tục bị xâm hại. Hy vọng với Luật Di sản văn hóa cùng đường lối, chính sách đúng đắn của các ban, ngành, đoàn thể từ trung ương tới địa phương, di tích thành Xương Giang sẽ là một điểm sáng trong việc bảo tồn bài bản, khoa học. Đồng thời, phát huy tối đa các giá trị lịch sử và văn hóa tương xứng với tầm vóc của chiến thắng Xương Giang 1427.
Số lượng di vật phát hiện được qua hai cuộc khai quật khá lớn, mà nhiều nhất trong số đó là các hiện vật thuộc nhóm vật liệu kiến trúc có niên đại thế kỷ XV. Trong đó có những viên gạch ốp được trang trí tinh xảo, có kích thước lớn, bên cạnh đó là những viên ngói âm, ngói dương, ngói ống mà phần diềm ngói cũng như đầu ngói cũng được trang trí hoa văn cách điệu phong phú. Cùng với đó, các nhà khảo cổ học cũng đã làm xuất lộ hệ thống trụ móng kiến trúc có bước gian rộng từ 4,1m - 4,9m.
Luận văn đã đóng góp những tư liệu quan trọng về mặt khoa học, về hệ thống di tích, di vật ở di tích thành Xương Giang, từng bước phục dựng lại quy mô cũng như cấu trúc thành Xương Giang trong lịch sử, góp phần bổ sung tư liệu mới cho ngành Khảo cổ học, Văn hóa học và Lịch sử.
Kết quả nghiên cứu của luận văn cung cấp và góp thêm tư liệu khẳng định thành Xương Giang là một di tích lịch sử quan trọng, là nơi ghi dấu tích tiêu biểu và sống động nhất hiện còn về cuộc khởi nghĩa oanh liệt 10 năm chiến thắng quân Minh của dân tộc. Giai đoạn 1407 - 1427 là thời kỳ nhà Minh ra sức đồng hóa người Việt và ngược lại người Việt kiên cường chống trả để bảo vệ nền văn hóa bản địa. Tuy nhiên, những chứng tích vật chất về thời kỳ này còn khan hiếm và không rõ ràng. Trong khi đó, thành Xương Giang là dấu tích rõ ràng của giai đoạn lịch sử này. Vì vậy, di tích thành Xương Giang là khu di tích tiêu biểu lưu giữ các chứng tích văn hóa vật chất của một giai đoạn lịch sử đặc biệt và đầy biến động trong lịch sử Việt Nam.
Ngoài ra, việc nghiên cứu một cách đầy đủ về di tích thành Xương Giang góp phần định hướng cho người dân cũng như giáo dục các thế hệ trẻ về truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Từ những kết quả nghiên cứu đó, luận văn đưa ra một số kiến nghị về bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử - văn hóa phục vụ cho nghiên cứu khoa học và phát triển du lịch trong tương lai.
g. Năm tốt nghiệp: 2019