Doanh nhân Lý Ngọc Minh: Lửa “thử vàng” - gian nan “thử công nghệ”
Đối với doanh nghiệp thì việc đưa khoa học và công nghệ (KH&CN) vào sản xuất là điều tất yếu, nhất là trong thời đại KH&CN phát triển như hiện nay. Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp sản xuất gốm sứ thì việc thay đổi công nghệ sản xuất không phải là điều đơn giản, bởi lẽ do ngành gốm sứ có đặc thù riêng. Với nỗ lực mang sản phẩm đến người tiêu dùng và xuất khẩu với giá “tốt nhất” nhưng chất lượng cao nhất, công ty TNHH Minh Long I đã “nỗ lực” không ngừng trong việc đưa công nghệ vào sản xuất, trong đó thành công lớn nhất là áp dụng công nghệ đốt một lần lửa.
“Kiếm” công nghệ
Ông Lý Ngọc Minh, Tổng Giám đốc công ty TNHH Minh Long I cho biết, Minh Long I được thành lập vào năm 1970 nhưng thật sự chỉ thay đổi lớn khoảng 20 năm trở lại đây. Cũng như các doanh nghiệp sản xuất gốm sứ tại Bình Dương, việc thay thế cách sản xuất truyền thống sang cách sản xuất mới, hiệu quả, giảm chi phí là điều trăn trở.
“Cách đây hơn 13 năm, tại thời điểm giá nhiên liệu gas trên thị trường ngày càng tăng cao, có lúc đến 1.500 USD/tấn, tăng gần 5 lần giá so với buổi đầu. Bên cạnh đó, theo quy định Nhà nước phải điều chỉnh lương cho người lao động. Những khó khăn như vậy đã đẩy chi phí sản xuất tăng lên. Do đó, Ban Giám đốc đã phải tìm hướng sản xuất để giảm chi phí nguyên liệu đốt, nhưng sản phẩm phải chất lượng và đồng thời phải đảm bảo thu nhập cho người lao động”, ông Minh chia sẻ.
Trước nguy cơ đóng cửa sản xuất do chi phí sản xuất tăng cao, cũng như không thể quay về sản xuất theo quy trình cũ như các doanh nghiệp trong nước và các nước trong khu vực. Ông Minh đã cũng với các kỹ sư Minh Long I “rong ruổi” hàng năm trời sang các nước có nền sản xuất gốm sứ tiên tiến như Nhật Bản, Pháp, Đức… để tìm kiếm công nghệ mới cho sản xuất gốm sứ.
Với kinh nghiệm nhiều năm trong sản xuất gốm sứ, ông Minh nhận thấy công nghệ đốt một lần lửa phù hợp với Minh Long I, nhưng thuyết phục lãnh đạo công ty như thế nào là điều khó. Nhớ về thời điểm đó, ông Minh trầm tư chia sẻ, việc khó khăn tại thời điểm lúc bấy giờ là việc thuyết phục Ban Giám đốc và cán bộ cấp cao của công ty để đi đến quyết định thực hiện công nghệ đốt một lần lửa. Bởi lẽ, ngay cả các hãng gốm sứ danh tiếng của Đức như Schonwald, Rosenthal, Villeroy & Boch đã nghiên cứu và lần lượt bỏ cuộc trong việc áp dụng công nghệ đốt một lần lửa, vì nó quá tốn kém và không dễ đạt được. “Tuy nhiên với sự “quyết tâm” sử dụng công nghệ này, Minh Long I đã tạo ra bước ngoặt mới”, ông Minh nhấn mạnh.
Thành công từ sự kiên trì
Nói về thành công với công nghệ đốt một lần lửa, ông Minh cho biết, Minh Long I sở dĩ làm được điều này, không phải Minh Long giỏi hơn các nước khác, mà với hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong việc sản xuất đòi hỏi Minh Long phải quyết tâm thực hiện. Như người xưa có câu “Tri nan hành dịch - biết khó thì dễ làm”, để có được thành công như hôm nay, thì Minh Long I rất thận trọng và chịu khó vừa làm vừa học. Nếu dễ thì người ta, ai cũng làm được hết rồi.
“Minh Long cũng mất nhiều năm và thất bại hàng trăm lần mới nghiên cứu thành công việc nung một lần lửa phù hợp với quy trình sản xuất của công ty. Một điều cần nhắc đến nữa, với giải pháp đốt một lần lửa phải đầu tư rất lớn vào trang thiết bị để sản xuất gốm sứ theo tiêu chuẩn chất lượng của Đức (chất lượng cao nhất của Châu Âu) nhưng thị trường ở Việt Nam khó chấp nhận vì giá sản phẩm cao. Nếu không cải tiến công nghệ này thì công ty sẽ có nguy cơ đóng cửa”, ông Minh nói.
Ông Minh cũng chia sẻ thêm, việc thành công đốt một lần lửa còn phải kể đến việc làm sạch nguyên liệu, môi trường xử lý nguyên liệu, gia công nguyên liệu để tăng liên kết, tạo dẻo giảm kích thước cỡ hạt từ 37mm xuống còn 22mm; nghiên cứu sự tương thích giữa men và đất để đảm bảo men không bong tróc… Bên cạnh đó, công ty cũng đã đầu tư hàng triệu USD để đổi mới công nghệ sản xuất, trang bị hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại như máy áp lực, máy rót tự động, máy tạo hình dập bột áp lực cao; máy sấy sản phẩm, máy phay khuôn…được nhập khẩu từ các nước Đức, Pháp, Nhật, Ý...
Hải Sư