Giải pháp góp phần chuyển đổi số trong giảng dạy Lý luận chính trị hiện nay
Thạc sỹ Nguyễn Văn Giáp
Trường chính trị tỉnh Bình Dương
Tóm tắt: Chuyển đổi số trong giảng dạy lý luận chính trị là xu hướng tất yếu nhằm nâng cao hiệu quả truyền đạt tri thức, phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục và bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0; để thực điều đó, cần thực hiện nhiều giải pháp khác nhau; từ đó, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập.
Từ khoá: Chuyển đổi số, giải pháp
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Giảng dạy lý luận chính trị, một lĩnh vực trọng yếu trong nền giáo dục quốc dân, đóng vai trò cốt lõi trong việc định hình thế giới quan, phương pháp luận và định hướng tư tưởng. Trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn quốc, hoạt động giảng dạy lý luận chính trị cũng cần được đổi mới theo xu thế ứng dụng công nghệ.
Những năm gần đây, công nghệ thông tin đã từng bước được đưa vào giảng dạy lý luận chính trị thông qua việc xây dựng các hệ sinh thái học liệu điện tử, tổ chức lớp học trực tuyến, và sử dụng nền tảng công nghệ để nâng cao hiệu quả truyền đạt nội dung. Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024, của Bộ Chính trị đã khẳng định: phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực then chốt để phát triển đất nước trong thời đại mới. Đây cũng chính là nền tảng định hướng quá trình chuyển đổi số trong giáo dục nói chung và giảng dạy lý luận chính trị nói riêng.
2. NỘI DUNG
2.1. Thực trạng chuyển đổi số trong giảng dạy lý luận chính trị hiện nay
Trong những năm gần đây, việc ứng dụng chuyển đổi số trong giảng dạy lý luận chính trị được thực hiện rộng rãi và đạt được nhiều kết quả tích cực. Một số trường cao đẳng, đại học, trường chính trị, học viện…, đã triển khai giảng dạy trên nền tảng số, kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến (blended learning); đồng thời, phát triển kho bài giảng E-learning, hệ thống ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm, và học liệu mở. Việc sử dụng các công cụ số như Google Meet, Zoom, Moodle, và các ứng dụng hỗ trợ tương tác như Kahoot, Quizizz, Padlet… đã góp phần làm tăng tính trực quan và sinh động cho môn học lý luận chính trị, vốn được xem là khô khan và khó tiếp cận.
Tuy nhiên, quá trình này vẫn bộc lộ nhiều hạn chế: cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin chưa đồng bộ giữa các cơ sở đào tạo, giảng viên thiếu kỹ năng thiết kế bài giảng số, học liệu chưa phong phú và chưa được số hóa toàn diện; phương pháp kiểm tra, đánh giá chưa được cập nhật để phù hợp với môi trường số.
2.2. Một số giải góp phần thực hiện chuyển đổi số hiệu quả
Một là, Nâng cao nhận thức và tạo động lực đổi mới trong đội ngũ giảng viên
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về vai trò và ý nghĩa của chuyển đổi số trong giáo dục lý luận chính trị. Điều này sẽ giúp đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý và các phòng chức năng trong nhà trường nhận thức rõ tầm quan trọng và tính cấp thiết của chuyển đổi số trong giảng dạy lý luận chính trị; từ đó, chủ động tham gia xây dựng và thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể. Việc phổ biến quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển khoa học, công nghệ và giáo dục trong thời kỳ số hóa là điều kiện tiên quyết để tạo ra sự thay đổi về tư duy trong giảng dạy lý luận chính trị.
Hai là, Xây dựng hệ sinh thái học liệu số hóa chuyên biệt
Các cơ sở đào tạo cần chú trọng đầu tư vào hệ thống học liệu điện tử, bao gồm bài giảng số, video minh họa, giáo trình điện tử, các bài tập tình huống và sơ đồ tư duy. Những dữ liệu nay này cần được chuẩn hóa, cập nhật thường xuyên và đảm bảo tính dễ tiếp cận để phù hợp với nhiều đối tượng người học khác nhau.
Học liệu số không chỉ giúp học viên tiếp thu kiến thức linh hoạt hơn mà còn góp phần đổi mới cách dạy, cách học theo hướng tích cực, chủ động và sáng tạo.

(Hệ thống dữ liệu số)
Thứ ba, Đào tạo, phát triển đội ngũ giảng viên có năng lực thích ứng với môi trường số
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là đào tào, bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn và kỹ năng công nghệ thông tin cho giảng viên nhằm đáp ứng yêu cầu giảng dạy trong môi trường số. Cần xây dựng bộ tiêu chí thống nhất về năng lực số đối với giảng viên, học viên và cán bộ quản lý.
Việc tổ chức các khóa đào tạo từ xa, các lớp bồi dưỡng trực tuyến sẽ tạo điều kiện thuận lợi để học viên nâng cao trình độ một cách linh hoạt, tiết kiệm thời gian và chi phí.
Song song với đó, cần đổi mới phương pháp giảng dạy thông qua ứng dụng công nghệ: tổ chức lớp học ảo, sử dụng các mô hình mô phỏng, bài giảng số hóa, kết hợp với các hoạt động xã hội, ngoại khóa để tăng tính thực tiễn và hấp dẫn của môn học.

(Lớp học thực tế ảo)
Bốn là, Đầu từ nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ chuyển đổi số
Việc xây dựng và hiện đại hóa hạ tầng số là yếu tố then chốt để phục vụ hiệu quả hoạt động đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị. Cơ sở hạ tầng công nghệ cần đáp ứng yêu cầu kết nối nhanh, xử lý dữ liệu lớn, và đảm bảo tính bảo mật, ổn định cho các hoạt động dạy - học.
Các nền tảng công nghệ số cũng cần được phát triển theo hướng linh hoạt, dễ sử dụng, tạo điều kiện để quá trình chuyển đổi số diễn ra một cách tự nhiên, hiệu quả và mang lại giá trị thiết thực cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên. Cần ưu tiên xây dựng hệ cơ sở dữ liệu thống nhất tại tất cả các cơ sở đào tạo lý luận chính trị, bao gồm: chương trình, tư liệu, thư viện, thông tin giảng viên…; đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quản lý, điều hành, tổ chức các hoạt động chuyên môn.
Việc ứng dụng các công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) cần được triển khai rộng rãi để chia sẻ dữ liệu, định danh người dùng và tối ưu hóa hoạt động quản lý trong môi trường số hóa toàn diện.
3. KẾT LUẬN
Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu và cũng là yêu cầu cấp bách đặt ra đối với giáo dục lý luận chính trị trong bối cảnh hiện nay. Việc triển khai các giải pháp phù hợp sẽ giúp nâng cao chất lượng giảng dạy, đổi mới phương pháp tiếp cận, từ đó lan tỏa mạnh mẽ các giá trị tư tưởng và lý luận vào đời sống xã hội.
Để quá trình này đạt được hiệu quả, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp quản lý, nhà trường, giảng viên và học viên. Chuyển đổi số trong giảng dạy lý luận chính trị không chỉ là nhiệm vụ kỹ thuật mà còn là sự đổi mới toàn diện về tư duy, cách tiếp cận và phương thức tổ chức giáo dục trong thời đại số.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (2024): Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024, của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
2. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2020): “Kế hoạch chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”.
3. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (2022): “Tài liệu bồi dưỡng giảng viên lý luận chính trị về chuyển đổi số”, Nxb.Lý luận Chính trị, Hà Nội.