Giải pháp sáng tạo kỹ thuật: Ứng dụng vào thực tiễn mang lại hiệu quả cao trên địa bàn tỉnh Bình Dương
Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bình Dương là hình thức tập hợp vận động quần chúng phát huy tinh thần lao động sáng tạo và giải quyết một số vấn đề bức xúc về kinh tế - kỹ thuật tỉnh nhà, mang liệu hiệu quả kinh tế xã hội cao như các giải pháp trong cải tiến sản xuất, nâng cao chất lượng dạy và học, chăm sóc sức khỏe nhân dân, chế tạo thiết bị với giá thành hợp lý và tính năng không thua thiết bị ngoại nhập, một số giải pháp đưa ra góp phần giải quyết vấn đề môi trường hiện tại… thông qua hội thi tôn vinh những sáng kiến nhỏ nhưng mang lại hiệu quả lớn.
Vào đầu năm 2019, Ban tổ chức Hội thi đã tổng kết và bình chọn ra một số giải pháp sáng tạo kỹ thuật và được ứng dụng vào thực tiễn mang lại hiệu quả cao trên địa bàn tỉnh như:
Giải pháp làm giảm thất thoát nước ở Công ty Cổ phần nước - Môi trường Bình Dương (BIWASE) của tác giả Nguyễn Văn Thiền. Giải pháp này đạt giải nhất của cuộc thi trong lĩnh vực Nông lâm ngư nghiệp, tài nguyên và môi trường. Với giải pháp này, trong 5 năm qua, BIWASE đã nỗ lực giảm tỷ lệ thất thoát theo quy định của Chính phủ, trung bình mỗi năm công ty thu được khoản tiết kiệm từ công tác giảm thất thoát là 147 tỷ đồng. Với số tiền tiết kiệm được, công ty cũng dành tương đương 50% để sử dụng tái đầu tư lại cho công tác giảm thất thoát nước. Số tiền còn lại tích lũy và đầu tư cấp nước sạch về vùng nông thôn của tỉnh như: Xã An Tây, Phú An, An Điền và Lai Hưng (thị xã Bến Cát); xã Long Nguyên, Hưng Hòa, Tân Hưng (huyện Bàu Bàng); xã Tân Bình, Tân Lập, Tân Thành, Tân Định và Đất Cuốc (huyện Bắc Tân Uyên); xã Hội Nghĩa (thị xã Tân Uyên) …
Giải pháp Nghiên cứu chế tạo hệ thống nội soi di động sử dụng năng lượng tái tạo ứng dụng trong Y tế của nhóm tác giả Trần Tuấn Anh, Nguyễn Phan Hồng Ân, Trần Hoàng Anh. Giải pháp này đạt giải nhất của cuộc thi trong lĩnh vực Y - Dược. Đây là giải pháp có tính ứng dụng thực tế khá rộng rãi và hiệu quả cao. Trong các cơ sở đào tạo thực hành Y khoa, giải pháp được ứng dụng để soi tai, khám và quan sát được màng nhĩ (cấu tạo hình thể), soi họng, thanh quản, thực quản, soi mũi quan sát cấu tạo bên trong của mũi…; trong lĩnh vực y tế, giải pháp ứng dụng trong chuyên ngành tai - mũi - họng, răng - hàm - mặt, sản khoa, ngoại khoa, cấp cứu…; trong lĩnh vực nhân đạo, từ thiện, công tác xã hội, do được cấu tạo nhỏ gọn, trọng lượng nhẹ nên rất thích hợp trong các chuyến công tác xa đến các đồng bào dân tộc miền núi, hải đảo, nơi có điều kiện y tế kém phát triển. Đặc biệt có thể sử dụng ở những vùng thiếu hoặc điện lưới chưa đến do có tính năng sử dụng năng lượng tái tạo từ mặt trời.
Giải pháp Nghiên cứu chế tạo máy phân loại hạt nông sản bằng công nghệ xử lý hình ảnh của nhóm tác giả Trịnh Thanh Sơn, Trần Huy Hùng. Giải pháp đạt giải nhất cuộc thi trong lĩnh vực cơ khí tự động hóa, xây dựng, giao thông. Trong lĩnh vực phân loại hạt nông sản tại Việt Nam, giải pháp này là hoàn toàn mới, do người Việt Nam làm chủ phần mềm và công nghệ. Hiện tại, nhu cầu về máy phân loại hạt nông sản đang rất cao. Đặc biệt là trong điều kiện các loại máy nhập ngoại quá đắt đỏ, chuyển giao khó khăn. Do đó, việc tự làm chủ công nghệ chế tạo và chuyển giao dễ dàng sẽ thuận lợi trong áp dụng, đáp ứng yêu cầu thực tế. Giải pháp có khả năng ứng dụng rộng rãi trong điều kiện của các hộ sản xuất hạt nông sản, các xưởng chế biến… với khả năng tài chính hạn chế không thể trang bị các máy, dây chuyền có giá trị hàng tỷ đồng. Có thể sản xuất đủ các loại máy phân loại hạt với năng suất theo yêu cầu, phù hợp với tất cả quy mô, với giá thành chỉ từ 60 triệu đồng. Có thể nói, việc ứng dụng giải pháp này sẽ tiết kiệm được ít nhất 80% chi phí mua máy phân loại hạt trên thị trường.
Giải pháp Cải tiến thiết kế và chế tạo máy băm chất thải rắn công nghiệp công suất 10-20 tấn/giờ của nhóm tác giả Mai Văn Hoàng, Nguyễn Văn Bắc. Giải pháp đạt giải nhất cuộc thi trong lĩnh vực cơ khí tự động hóa, xây dựng, giao thông. Đây là giải pháp có tính áp dụng thực tế rộng rãi và hiệu quả. Máy băm chất thải rắn công nghiệp được cải tiến thiết kế, sản xuất chế tạo và đi vào hoạt động từ tháng 12/2018 tại BIWASE trong lĩnh vực xử lý, tái chế chất thải. Giải pháp này giúp tăng công suất đốt của các lò, giảm thiểu sức lao động của người công nhân, khắc phục các lỗi và hư hỏng thường gặp trong quá trình vận hành máy băm, như nâng cao tuổi thọ dao băm, tránh tình trạng kẹt rác, hạn chế thấp nhất tình trạng gãy trục dao… từ đó đem lại hiệu quả kinh tế cao, giải quyết được khối lượng lớn rác thải phải xử lý hàng ngày, giải phóng sức lao động cho người công nhân, giảm thiểu tai nạn lao động và tạo môi trường lao động an toàn hơn.
Ngọc Trang