Hẩu trong văn hóa của người Hoa Phúc Kiến ở Bình Dương
b. Chủ nhiệm đề tài: Nguyễn Thị Hiền
c. Tên cơ quan đi học: bảo tàng tỉnh Bình Dương
d. Tên Viện - trường thực hiện luận văn: Đại Học Văn Hóa Thành Phố Hồ Chí Minh
e. Mục tiêu nghiên cứu:
Tìm hiểu nguồn gốc, hình thức, diễn tiến của múa Hẩu. Phân tích, đánh giá đặc trưng, chức năng và giá trị của múa Hẩu nhằm tìm ra quy luật phát triển của nó. Đồng thời xác định vai trò, vị trí và tầm quan trọng của Hẩu trong đời sống văn hóa của cộng đồng người Hoa Phúc Kiến
f. Kết quả thực hiện (tóm tắt):
Ngày nay, sự giao lưu và tiếp biến văn hóa đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ và tác động trên mọi khía cạnh. Vì thế, múa Hẩu cũng chịu nhiều biến đổi. Một số nơi đã làm mất đi nét đặc trưng vốn có của nó. Bên cạnh đó, những người lớn tuổi am hiểu về văn hóa Hẩu, nghệ thuật múa cũng như quy trình chế tác Hẩu hiện nay không còn nhiều, lớp hậu bối kế cận ngày càng ít quan tâm, học hỏi.
Luận văn tốt nghiệp thạc sĩ của tác giả Nguyễn Thị Hiền thực hiện vào năm 2017 với mục tiêu tìm hiểu nguồn gốc, hình thức, diễn tiến của múa Hẩu; phân tích, đánh giá đặc trưng, chức năng và giá trị của múa Hẩu nhằm tìm ra quy luật phát triển của nó; đồng thời xác định vai trò, vị trí và tầm quan trọng của Hẩu trong đời sống văn hóa của cộng đồng người Hoa Phúc Kiến.
Để đạt được mục tiêu, tác giả đã sử dụng các phương pháp nghiên cứu như thu thập dữ liệu, phỏng vấn kết hợp với phân tích tổng hợp và so sánh để đưa ra được những số liệu, quy trình làm Hẩu, nghi thức thực hành nghi lễ, nghệ thuật múa cũng như tín ngưỡng liên quan tới Hẩu.
Đây là luận văn nghiên cứu một cách tương đối có hệ thống về các vấn đề liên quan đến “lốt Hẩu” của người Hoa Phúc Kiến ở Bình Dương. Kết quả nghiên cứu khẳng định giá trị văn hóa gắn liền với Hẩu trong đời sống của cộng đồng người Hoa Phúc Kiến ở Bình Dương.
Đặc biệt, nghiên cứu múa Hẩu còn góp phần hiểu thêm văn hóa người Hoa ở Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng. Những đánh giá, kết luận của đề tài sẽ là cơ sở khoa học nhằm giúp các cơ quan chức năng đề đạt những giải pháp bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của người Hoa ở Bình Dương.
Thông qua đề tài, nghiên cứu nghi lễ múa Hẩu có thể thấy được vai trò, vị trí và mối quan hệ của nó trong đời sống văn hóa, xã hội của người Hoa Phúc Kiến ở Bình Dương. Điều này cho thấy các thế hệ người Hoa Phúc Kiến đã dày công gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của mình như khối lượng phù sa bồi đắp cho dòng chảy văn hóa ngày càng thêm màu mỡ.
Có thể nói, múa Hẩu đang có những bước phát triển ổn định về cả số lượng, lực lượng nghệ nhân và không gian biểu diễn. Tuy nhiên, cũng cần phải có những biện pháp trước mắt cũng như lâu dài để phát triển những mặt tốt đẹp, lành mạnh của múa Hẩu. Thông qua đề tài, tác giả đã đề xuất một số khuyến nghị, đề xuất như phát triển các công tác truyền dạy trong cộng đồng; tiến hành các cuộc tọa đàm trao đổi ý kiến, các cuộc hội thảo khoa học; xây dựng hệ thống những quy chuẩn chung cho múa Hẩu; nâng cao công tác giáo dục giữ gìn văn hóa truyền thống trong cộng đồng người Hoa; có những chương trình quảng bá nhằm giới thiệu cho nhân dân trong khu vực, khách du lịch biết về loại hình múa lốt đặc trưng này trong các dịp lễ hội; phối hợp với các cấp chính quyền, sở ban ngành.
Kết quả nghiên cứu của luận văn có thể dùng làm tài liệu tham khảo cho công tác nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn tại địa phương và là một tài liệu tham khảo, học tập bổ ích.
g. Năm tốt nghiệp: 2017