Hiệu quả cao từ các mô hình trang trại công nghệ cao tại huyện Bàu Bàng
Những năm qua, bên cạnh việc phát triển Công nghiệp - Dịch vụ, huyện Bàu Bàng luôn xác định nông nghiệp giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của nhân dân địa phương. Trong giai đoạn 2014 - 2015, cơ cấu kinh tế nông nghiệp của huyện cũng đã có sự chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa có giá trị và chất lượng cao, giảm tỷ trọng ngành trồng trọt, tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi. Kinh tế hợp tác, kinh tế trang trại từng bước phát triển về số lượng và chất lượng, xuất hiện nhiều mô hình ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi ... từ đó đem lại hiệu quả kinh tế cao
Đa dạng các mô hình ứng dụng công nghệ cao
Hiện nay, cây trồng chủ lực và mang nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ nông dân của huyện vẫn là cây cao su, theo số liệu thống kê toàn huyện hiện có trên 24.500 ha, chiếm hơn 2/3 diện tích đất tự nhiên toàn huyện trong đó cao su tiểu điền là 15.330 ha còn lại là cao su Nhà nước. Hưởng ứng chủ trương của huyện Bàu Bàng về phát triển kinh tế trang trại theo hướng tập trung với phương thức công nghiệp và bán công nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong xây dựng chuồng trại, quản lý giống, quản lý dịch bệnh và bảo vệ môi trường trong chăn nuôi. Nhiều chủ trang trại và hộ dân trên địa bàn huyện đã mạnh dạn đầu tư chuồng trại với thiết bị hiện đại như máng ăn, máng uống tự động, đầu tư công nghệ sau thu hoạch, hệ thống nhà lưới thủy canh, hệ thống tưới phun sương tự động…. để sản xuất chăn nuôi, trồng trọt theo hướng ứng dụng công nghệ cao.
Tính đến cuối năm 2015, toàn huyện Bàu Bàng có 124 trang trại chăn nuôi heo, 99 trang trại nuôi gà và 44 trang trại trồng trọt; trong đó ứng dụng kỹ thuật cao trong sản xuất có 36 trang trại chăn nuôi heo, 34 trang trại chăn nuôi gà và 09 trang trại trồng cây ăn trái. Tiêu biểu như mô hình trồng ớt lấy hạt giống trong chậu ứng dụng công nghệ nhà màn tự động và hệ thống tưới nước nhỏ giọt theo công nghệ Israel của gia đình anh Huỳnh Đoàn Thông tại ấp Bàu Bàng, xã Lai Uyên. Với công nghệ tưới nhỏ giọt, tiết kiệm nước từ 30 đến 60% nước so với phương pháp tưới truyền thống, từ hệ thống có thể mang nước, phân bón đến đúng địa chỉ với liều lượng vừa đủ thông qua hệ thống van, đường ống, máy bơm và hiện đại hơn là kết nối với hệ thống máy tính kiểm soát, hệ thống có thể cảm ứng được độ ẩm của đất và điều khiển quá trình tưới.
Hay như mô hình nuôi gà trại lạnh của gia đình Cựu chiến binh Trần Minh Dũng (ấp Bưng Thuốc, xã Long Nguyên) mạnh dạn bỏ vốn hơn 02 tỷ đồng xây dựng trang trại gà theo công nghệ trại lạnh hiện đại nuôi theo hình thức gia công cho Công ty CP. Với diện tích 2000m2 tổng đàn mỗi đợt 15.000 con, nuôi khoảng 45 đến 50 ngày là xuất chuồng, mỗi năm nuôi 04 đợt, trừ hết chi phí thu lãi trên 700 triệu đồng/ năm.
Ông Lê Khắc Tri, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Bàu Bàng đánh giá, thực hiện chủ trương của UBND huyện trong việc phát triển nông nghiệp, ngoài khai thác cây cao su nhiều hộ gia đình còn tăng gia sản xuất, chuyển đổi sang các mô hình kinh tế khác như trồng cây ăn trái, xây dựng trang trại chăn nuôi, trồng trọt ứng dụng công nghệ cao… Bước đầu đã đem lại hiệu quả cao, tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ đời sống nhân dân trong vùng, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững; từng bước hình thành các mô hình sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô lớn gắn với thị trường tiêu thụ như trang trại bưởi Thanh Thủy, trang trại quýt đường Chín Phấn, trang trại heo lạnh Phạm Văn Tạo, trang trại gà lạnh Trần Minh Dũng...
Những trang trại “tỷ đồng”
Để đạt hiệu quả, năng suất cao nhất là sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp sạch (VietGAP) nhiều chủ trang trại, hộ gia đình đã đầu tư hơn cả tỷ đồng cho việc đầu tư trang thiết bị, xây dựng chuồng trại theo quy trình khép kín, hệ thống cho ăn, nước uống và kiểm soát nhiệt độ tự động… Với sự đầu tư đó, nhiều trang trại đã cho nguồn thu hàng năm hàng tỷ đồng như trang trại bưởi Thanh Thuỷ (bà Nguyễn Thị Thanh Thuỷ, xã Long Nguyên), trang trại quýt đường Chín Phấn (ông Lê Văn Phấn, xã Trừ Văn Thố), trang trại heo lạnh Phạm Văn Tạo (xã Lai Uyên)…
Anh Phạm Văn Tạo chia sẻ, năm 1998 vợ chồng anh gom góp dành dụm được một số vốn nên bàn bạc xây dựng chuồng nuôi 100 heo nái, từ 100 heo nái cho lãi ban đầu gia đình anh đã gom góp, vay mượn thêm tiền mạnh dạn đầu tư mở rộng chuồng trại và ứng dụng công nghệ trại hở vào chăn nuôi heo thịt và heo giống, ứng dụng công nghệ trại lạnh trong chăn nuôi heo nái và heo con. Nhờ tính chịu khó, tìm tòi, ham học hỏi trong chăn nuôi của hai vợ chồng anh đến nay anh đã gầy dựng một cơ ngơi vững chắc, không những chú trọng kỹ thuật chăm sóc mà anh còn phối hợp với công ty Vissan xây dựng thương hiệu sản phẩm thịt thương phẩm cho trang trại chăn nuôi của gia đình. Hiện nay mỗi năm gia đình anh xuất ra thị trường khoảng 40.000 con heo thịt cho chất lượng thịt đảm bảo yêu cầu. Mỗi năm trừ hết chi phí gia đình anh có lãi vài tỷ đồng.
Với mô hình nuôi cá sấu và gà trắng gia công của gia đình anh Nguyễn Thanh Hùng (xã Long Nguyên) cũng cho thu nhập bình quân mỗi năm hơn 1 tỷ đồng. “Năm 2012 qua tìm hiểu thị trường anh quyết định đầu tư nuôi loài cá này, cá sấu là loài có sức đề kháng tốt nên ít khi bị bệnh, nuôi 1,5 năm trọng lượng mỗi con đạt từ 20 - 25 kg, với giá bán ra thị trường dao động từ 160 - 200 ngàn đồng/1kg, trừ chi phí mỗi đợt cũng lãi hơn 500 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình cũng đầu tư thêm 02 trang trại lạnh nuôi gà trắng gia công cho công ty CP, mỗi lứa cho thu nhập gần 400 triệu đồng”, anh Hùng cho biết.
Ngoài ra, còn nhiều mô hình mang lại hiệu kinh tế cao khác như mô hình trồng tre lục trúc lấy măng của anh Nhị Văn Xum (xã Trừ Văn Thố), mô hình nuôi rắn, gà hậu bị của anh Nguyễn Văn Lâm (xã Hưng Hòa)… đem lại thu nhập mỗi năm không dưới 1 tỷ đồng/năm.▲
Tính đến hết năm 2015, cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa có giá trị và chất lượng cao, giảm tỷ trọng ngành trồng trọt, tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi với tỷ trọng trồng trọt 38% - chăn nuôi 61,1% - dịch vụ nông nghiệp 0,9%. Phần lớn các trang trại chăn nuôi chủ yếu nuôi gia công cho các công ty như CP, Emivest, Japfa, 3F Việt… được đảm bảo bao tiêu sản phẩm đầu ra.
|
Thiên Bình