Sử dụng túi nylon - giảm thiểu hay thay thế ?
Những chiếc túi nylon mà chúng ta vừa xem là những vật dụng đang gắn bó với mọi người hàng ngày. Chính sự tiện lợi của nó đã làm cho người ta cố tình quên đi tác hại của những chiếc túi này đối với môi trường. Đã có rất nhiều chiến dịch tuyên tuyền giảm thiểu sử dụng túi nylon, thậm chí là nhiều giải pháp để thay thế chiếc túi này bằng các loại bao bì khác thân thiện với môi trường. Câu hỏi đặt ra là việc giảm thiểu sử dụng túi nylon cần phải được thực hiện như thế nào? làm sao để thay đổi được thói quen sử dụng túi nylon của người dân.
Đây là hoạt động tại chợ Thủ Dầu Một - ngôi chợ lớn nhất ở Bình Dương, hầu hết người đi chợ đều không mang theo một vật dụng gì. Bởi vì, tất cả những món hàng họ mua đều được người bán đựng bằng những túi nylon vừa rẻ tiền vừa tiện dụng. Dường như những hoạt động tuyên truyền giảm thiểu sử dụng túi nylon và việc đánh thuế môi trường đối với loại túi này vẫn không làm thay đổi thói quen của người sử dụng ở khu chợ này.
Không chỉ khó phân hủy mà các túi nilon chứa 02 chất PE và PP, khi đốt sẽ tạo thành khí cacbonnic, mêtan và khí dioxin cực độc. Nếu sử dụng túi nylon đựng đồ ăn nóng ở nhiệt độ từ 70 - 80 độ C, những chất độc hại trong túi nylon sẽ thôi nhiễm vào thức ăn. Khi chứa thực phẩm đã được chế biến trong những túi nylon nhuộm màu, các kim loại nặng như chì, cadimi sẽ gây hại cho bộ não, là nguyên nhân chính gây bệnh ung thư.
Dù biết rõ điều này nhưng đại đa số người tiêu dùng vẫn sử dụng túi nilon trong đời sống sinh hoạt hàng ngày.
“Tôi có nghe nói về những chiếc túi sử dụng nhiều lần hay các loại túi dễ phân hủy gì đó nhưng thật sự thì không biết mua chúng ở đâu”, ông Nguyễn Đức Thanh ở xã Bình Mỹ - huyện Củ Chi - Thành phố Hồ Chí Minh cho biết.
“Tôi chỉ thấy những chiếc túi sử dụng nhiều lần ở những đợt tuyên truyền phát miễn phí của các cơ quan chức năng, chứ cũng ít thấy bày bán phổ biến trên thị trường”, bà Trần Thu Hồng - Phường Phú Cường - Tp. TDM - Bình Dương cho biết thêm
Những ý kiến vừa rồi cho thấy dường như người dân vẫn còn khá xa lạ với những chiếc túi thân thiện với môi trường hoặc những chiếc túi sử dụng nhiều lần.
Để giảm thiểu túi nylon thải ra môi trường, giải pháp không chỉ dừng lại ở việc đánh thuế cao vào sản phẩm này mà chính là thị trường cần có sản phẩm thay thế.
Hiện nay, thị trường đã xuất hiện những loại túi tự phân hủy sinh học nhưng hầu như ở những chợ truyền thống người bán hàng đều không sử dụng các loại túi này. Và nó cũng là một cái tên xa lạ đối với các tiểu thương ở đây.
Rõ ràng những loại túi thân thiện với môi trường thì chưa thật sự gần gũi với người dân. Để chủ trương hạn chế hướng tới triệt tiêu túi nylon đi vào cuộc sống, các cơ quan chức năng cần có biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư phát triển những sản phẩm thân thiện với môi trường để giảm giá thành, đồng thời sớm ban hành những hướng dẫn cụ thể đối với các quy định tại Luật Thuế bảo vệ môi trường, tránh tình trạng thiếu thống nhất trong áp dụng Luật, góp phần gìn giữ, bảo vệ môi trường sống.
Thế giới đang đối mặt với thách thức về biến đổi khí hậu, nguồn tài nguyên bị khai thác cạn kiệt và môi trường ô nhiễm nặng nề. Chỉ một hành động nhỏ như bỏ túi nylon, sử dụng túi sinh thái với chất liệu an toàn, dễ phân hủy cũng là cách để mỗi người dân góp phần giữ gìn trái đất và giữ gìn chính cuộc sống của con người.▲
Thanh Nam