Tác động của EL NINO tới thời tiết
Hiện tượng El Nino
El Nino là kết quả tương tác giữa khí quyển và đại dương mà thể hiện chủ yếu là hoàn lưu khí quyển với nhiệt độ nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo Thái Bình Dương, sự thay đổi của một phía sẽ gây ra phản ứng của phía kia. El Nino không phải là một hiện tượng mang tính cục bộ ở vùng biển ngoài khơi Nam Mỹ, mà là một phần hệ thống tương tác có quy mô lớn, phức tạp giữa khí quyển và đại dương.
El Nino là một phần của bộ máy khí hậu ở vùng nhiệt đới có liên quan đến nhiều hiện tượng thời tiết thế giới, sự xuất hiện của hiện tượng El Nino biểu hiện sự dao động trong cơ chế của khí hậu toàn cầu. Đối với nước ta, El Nino sẽ giảm thiểu mưa, tăng nhiệt độ, gây nên hạn hán làm mùa màng bị thiệt hại nặng nề.
Nhất là vụ lúa mùa Đông Xuân và các nông sản như cà phê. Lượng nước mưa ít hơn sẽ gây nên nạn thiếu nước ngọt để uống ở những thành phố lớn cũng như sự xâm mặn ở những vùng ven biển. Nạn thiếu nước uống được ghi nhận tại Hà Nội vào mùa hè 1998. Cũng như mực nước đã xuống thấp tại các đập Hòa Bình, Trị An và Thác Bà làm giảm thiểu thủy điện.
Vì thiếu mưa và nước ngọt nên nạn xâm nhập mặn sẽ gia tăng ở vùng đồng bằng Sông Cửu Long. Sự xâm nhập mặn sẽ trở nên trầm trọng hơn nếu El Nino gây hạn hán không những ở đồng bằng Sông Cửu Long mà ngay ở các vùng thượng lưu. Lưu lượng sông Cửu Long sẽ bị giảm thiểu trong mùa mưa cũng như mùa khô và điều này sẻ ảnh hưởng nhiều đến mức sản xuất lúa gạo cũng như sự xâm nhập mặn. Một hậu quả khác của ít mưa và nhiệt độ cao là nạn cháy rừng. Các khu rừng ở miền Trung và miền Bắc sẽ bị đe dọa nghiêm trọng, nhất là vào mùa khô. El Nino có thể có một ảnh hưởng tương đối tốt, đó là làm giảm số cơn bão hàng năm tàn phá các vùng duyên hải, nhất là ở miền Trung.
Theo số liệu thống kê các trận bão từ năm 1951 đến nay thì trung bình một năm El Nino có 05 trận bão và một năm La Nina có đến 08 trận. Các trận bão lụt tuy có giảm về số lượng nhưng cường độ có thể tăng. Vào ngày 01/11/1997, trận bão Linda với tốc độ gió lên đến 150 km/giờ đã làm thiệt mạng 4.500 người, hư hại 200.000 căn nhà và 325.000ha ruộng.
Đa số những người thiệt mạng là ngư phủ ở vùng Cà Mau bị mất tích vì thiếu thông tin về dự báo thời tiết và không được báo trước (đa số người dân chủ quan, chưa hiểu, biết cách phòng tránh khi có thiên tai bão lũ xảy ra). Trong những năm El Nino, các trận bão thường xảy ra vào đầu mùa mưa và gần bờ biển hơn mọi năm.
Do ảnh hưởng của El Nino kéo dài, trong suốt năm 2015 và tháng đầu năm 2016, người dân trên cả nước đã phải hứng chịu nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa, bão, giông, lốc, rét đậm, rét hại, triều cường…
Ảnh hưởng của El nino tới khu vực tỉnh Bình Dương
Tại khu vực tỉnh Bình Dương, dưới tác động của El nino nên trong suốt thời gian từ tháng 01 đến tháng 4 trên toàn khu vực không xuất hiện một đợt mưa trái mùa nào và tổng lượng mưa ở các tháng đầu năm đều thiếu hụt so với TBNN.
Nền nhiệt độ trung bình trên khu vực tỉnh Bình Dương đều ở mức cao hơn TBNN từ 0,5 - 0,70C. Dưới tác động của ElNino nên cho đến ngày 31/3/2016 mực nước cao nhất tại Trạm Phước Hòa ở mức rất thấp (Hmax = 18,27m xuất hiện ngày 21/3/2016) và mức báo động I là 29,00m. Mực nước thấp nhất Hmin= 17,30m xuất hiện ngày 09/3/2016.
Tuyết Nguyễn