Hoạt động đăng ký, lưu giữ kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ và luận văn luận án sau đại học trên địa bàn tỉnh Bình Dương năm 2024
Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ (KH&CN) tỉnh Bình Dương (Trung tâm) thuộc Sở Khoa học và Công nghệ là tổ chức thực hiện chức năng đầu mối thông tin khoa học và công nghệ của tỉnh được Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương giao nhiệm vụ thực hiện đăng ký và lưu giữ kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ, thu thập, xử lý và cập nhật thông tin về các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đang tiến hành, kết quả ứng dụng của các nhiệm vụ khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Trong năm 2024, hoạt động đăng ký, lưu giữ các nhiệm vụ KH&CN và luận văn, luận án sau đại học trên địa bàn tỉnh Bình Dương của Trung tâm đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Các công tác này đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng KH&CN vào thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, cũng như phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Hoạt động đăng ký kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ và luận văn - luận án sau đại học
Trong năm 2024, các nhiệm vụ KH&CN tại tỉnh Bình Dương đã được triển khai mạnh mẽ từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở, với sự đa dạng về lĩnh vực nghiên cứu. Cụ thể, có 6 nhiệm vụ cấp tỉnh và 32 nhiệm vụ cấp cơ sở được đăng ký lưu giữ tại Trung tâm, các nhiệm vụ chủ yếu nhằm giải quyết các vấn đề thực tiễn của tỉnh, như cải tiến quy trình sản xuất công nghiệp, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, phát triển nông sản an toàn và ứng dụng công nghệ cao trong bảo vệ môi trường. Các nhiệm vụ này đều được thẩm định kỹ lưỡng để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả. Trong đó, một số nhiệm vụ KH&CN nổi bật trong năm 2024 như:
- Trong lĩnh vực nông nghiệp, đề tài cấp tỉnh “Nghiên cứu xây dựng quy trình tưới tiết kiệm nước có hiệu quả cao cho một số cây ăn quả chủ lực (bưởi, cam, quýt) trên địa bàn tỉnh Bình Dương” của TS. Nguyễn An Đệ đã xây dựng được quy trình tưới tiết kiệm nước có hiệu quả cao cho một số loại cây ăn quả chủ lực (bưởi, cam, quýt) trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
- Trong lĩnh vực Khoa học Kỹ Thuật và công nghệ, đề tài cấp cơ sở “Xây dựng hệ thống phần mềm Quản lý các nhóm nghiên cứu và hợp tác nghiên cứu; Quản lý Kết quả nghiên cứu khoa học; Quản lý Đề tài nghiên cứu khoa học của người học cho Trường Đại học Thủ Dầu Một” của ThS. Nguyễn Thị Tường Vi được thực hiện nhằm hỗ trợ cho người học (sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh) trong tiến trình thực hiện đề tài NCKH cũng như hỗ trợ công tác quản lý cho nhà trường về hoạt động khoa học của người học tại trường; Ứng dụng Công nghệ thông tin vào việc quản lý kết quả của các đề tài nghiên cứu khoa học trong toàn trường; Hỗ trợ việc quản lý các Nhóm nghiên cứu và hợp tác nghiên cứu. Từ đó, góp phần tạo môi trường làm việc hiện đại đáp ứng xu thế công nghiệp 4.0 và Đại học thông minh.
- Trong lĩnh vực Khoa học Tự nhiên, ThS. Lưu Huỳnh Vạn Long với đề tài “Nghiên cứu thành phần hóa học và hoạt tính sinh học của tinh dầu lá một số giống ổi (Psidium sp.)” đã phân tích thành phần hóa học của tinh dầu lá 6 giống ổi (Psidium sp.) trồng tại Tiền Giang, Việt Nam. Kết quả nghiên cứu cũng đã tiến hành thử nghiệm hoạt tính kháng oxy hóa DPPH và khả năng gây độc tính tế bào ung thư MCF-7 của các tinh dầu lá ổi và thử nghiệm hoạt tính diệt diệt bọ gậy, động vật thân mềm (nhuyễn thể) của các tinh dầu lá ổi.
- Trong lĩnh vực Khoa học Nhân văn, đề tài “Sự nghiệp học thuật và sáng tác văn học của Phan Văn Hùm: Đặc điểm và giá trị” của TS. Trần Thị Mỹ Hiền được thực hiện với mục tiêu nghiên cứu sự nghiệp sáng tác và học thuật của Phan Văn Hùm, cụ thể là phân tích, đánh giá các sáng tác, bài viết, công trình nghiên cứu - phê bình văn học, nghiên cứu triết học, tư tưởng và một số lĩnh vực khác nhằm ghi nhận những đóng góp của Phan Văn Hùm trong các lĩnh vực này.
- Đến với lĩnh vực tôn giáo, TS. Lương Thy Cân Và CN. Trần Đức Thịnh với đề tài cấp tỉnh “Thực trạng và giải pháp đối với tăng, ni cư trú và hoạt động tôn giáo ngoài tự viện trên địa bàn tỉnh Bình Dương” đã đánh giá được thực trạng tăng, ni cư trú và hoạt động tôn giáo ngoài tự viện trên địa bàn tỉnh Bình Dương, từ đó đề xuất hệ thống giải pháp và một số kiến nghị nhằm quản lý chặt chẽ tăng, ni cư trú và hoạt động tôn giáo ngoài tự viện. Kết quả nghiên cứu đã phản ánh được ảnh hưởng của quá trình phát triển, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa đến tôn giáo. Từ kết quả nghiên cứu đề tài, nhóm nghiên cứu cũng đã đề xuất một số kiến nghị, giải pháp quản lý tăng, ni cư trú và hoạt động tôn giáo ngoài tự viện trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Về hoạt động đăng ký thực hiện luận văn - luận án trên địa bàn tỉnh được triển khai hầu hết ở các cơ quan, đơn vị. Cán bộ công chức viên chức đã đề xuất các đề tài luận văn luận án thuộc lĩnh vực mình quản lý góp phần nâng cao năng lực, trình độ quản lý cho cán bộ công chức viên chức tại đơn vị cũng như các cơ quan, đơn vị có liên quan. Năm 2024, Trung tâm đã tiếp nhận 02 luận án và 43 luận văn đăng ký lưu giữ tại Trung tâm, các nhiệm vụ trải dài trên nhiều chuyên ngành khác nhau, điển hình một số kết quả luận văn luận án sau đại học như:
- Với chuyên ngành về hệ thống thông tin: đề tài “Nghiên cứu xử lý dữ liệu thiếu trong tính toán chỉ số chất lượng không khí (AQI) của hệ thống quan trắc không khí tự động” của tác giả Phạm Lê Sơn đã tập trung vào việc xử lý dữ liệu của hệ thống quan trắc không khí xung quanh tự động với mục tiêu chính là xử lý và giải quyết vấn đề thiếu dữ liệu đo đạc trong quá trình quan trắc tự động, phục vụ cho việc tính toán chỉ số chất lượng không khí (AQI). Nghiên cứu trình bày mô hình có thể xử lý dữ liệu thiếu bằng các mô hình Hồi quy tuyến tính và mô hình K -Nearest Neighbor để hoàn chỉnh chuỗi dữ liệu và dự báo kết quả AQI từ những kết quả quan trắc không khí tự động. Qua đó, nâng cao độ chính xác của dữ liệu, cung cấp dữ liệu về quan trắc môi trường đáng tin cậy hơn, hỗ trợ hiệu quả trong quản lý môi trường. Đây cũng là cơ sở đề xuất áp dụng trong việc xử lý dữ liệu về quan trắc môi trường không khí xung quanh tự động trên địa bàn tỉnh Bình Dương
- Chuyên ngành Văn học Việt Nam: luận văn “Đặc điểm truyện ngắn Lê Vũ Trường Giang” của tác giả Đặng Tuấn Duy đã phân tích và đánh giá đặc điểm nội dung và nghệ thuật truyện ngắn Lê Vũ Trường Giang. Qua đó, định vụ được tên tuổi của Lê Vũ Trường Giang trong nền văn học Việt Nam đương đại.
- Chuyên ngành Quản lý Y tế: tác giả Phạm Thị Ngọc Vân, công tác tại Trung tâm Y tế Tân Uyên đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu tình hình, một số yếu tố liên quan và kết quả can thiệp kiểm soát acid uric mức độ nhẹ ở bệnh nhân nam tăng huyết áp đến khám bệnh tại Trung tâm Y tế Tân Uyên, tỉnh Bình Dương năm 2023-2024” đã xác định được tỷ lệ và mức độ tăng acid uric ở bệnh nhân nam trên 18 tuổi tăng huyết áp đến khám bệnh tại Trung tâm Y tế Tân Uyên, tỉnh Bình Dương năm 2023-2024. Bên cạnh đó, tác giả cũng đã mô tả một số yếu tố liên quan đến tăng acid uric ở bệnh nhân nam trên 18 tuổi tăng huyết áp đến khám bệnh tại Trung tâm Y tế Tân Uyên, tỉnh Bình Dương năm 2023-2024. Từ đó, đánh giá kết quả can thiệp kiểm soát acid uric mức độ nhẹ ở bệnh nhân nam trên 18 tuổi tăng huyết áp đến khám bệnh tại Trung tâm Y tế Tân Uyên, tỉnh Bình Dương năm 2023 - 2024
Nhiều chủ đề trong luận văn luận án sau đại học đã được các tác giả khai thác triệt để, làm rõ những vấn đề thực tiễn đang diễn ra tại các đơn vị trên địa bàn tỉnh hoặc đưa ra các dự báo cần thiết cho các hoạt động quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, những luận văn luận án này đã góp phần xây dựng cơ sở dữ liệu nghiên cứu cơ bản cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu khoa học và công nghệ tỉnh Bình Dương.
Hoạt động lưu giữ kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN và luận văn luận án sau đại học
Công tác lưu giữ kết quả thực hiện các nhiệm vụ KH&CN và luận văn, luận án sau đại học tại tỉnh Bình Dương được thực hiện một cách chặt chẽ và khoa học. Các kết quả nghiên cứu, sản phẩm khoa học đều được Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ lưu trữ một cách có hệ thống, đảm bảo bảo vệ quyền lợi tác giả đồng thời dễ dàng cho các tổ chức, cá nhân tham khảo và ứng dụng. Việc lưu giữ này không chỉ giúp các nhà nghiên cứu, các tổ chức và doanh nghiệp tiếp cận và áp dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn, mà còn góp phần xây dựng một cơ sở dữ liệu khoa học vững chắc.
Việc lưu trữ này cũng cung cấp tài liệu quý giá cho giảng viên, sinh viên và nghiên cứu sinh, hỗ trợ quá trình học tập và nghiên cứu, đồng thời thúc đẩy việc chia sẻ thông tin giữa các cá nhân và tổ chức trong cộng đồng khoa học.
Kết luận
Kết quả công tác đăng ký và lưu giữ nhiệm vụ KH&CN, luận văn, luận án sau đại học trong năm 2024 tại Bình Dương cho thấy những tín hiệu tích cực. Các nhiệm vụ KH&CN được triển khai thực hiện hiệu quả, đóng góp vào việc giải quyết các vấn đề thực tiễn trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Số lượng luận văn, luận án được hoàn thành và lưu giữ ngày càng tăng, góp phần tạo ra nguồn tài nguyên tri thức phong phú cho cộng đồng. Các luận văn, luận án cũng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, giúp tăng cường năng lực nghiên cứu, sáng tạo và phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng cao cho tỉnh.
Những kết quả này không chỉ giúp cải thiện công tác quản lý, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động này, đồng thời nâng cao hiệu quả của hệ thống thông tin khoa học và công nghệ, nhằm phục vụ tốt hơn cho công tác phát triển KH&CN của tỉnh nhà.
Phòng Nghiệp vụ
Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN