Hoạt động đăng ký nhiệm vụ khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Bình Dương năm 2020
Hoạt động thu thập, đăng ký, lưu giữ và công bố nhiệm vụ khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Bình Dương năm 2020 được triển khai theo Quyết định số 54/2015/QĐ-UBND ngày 21/12/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương. Kết quả, có 28 nhiệm vụ khoa học và công nghệ được đăng ký trong các lĩnh vực.
Công tác quản lý đô thị ở Bình Dương, đây là nhiệm vụ KH&CN cấp trường của TS.Trương Hoàng Trương bước đầu nhận diện những nội dung nổi bậc nhất là cơ sở cho việc đánh giá, nghiên cứu về chủ đề quản lý đô thị ở Bình Dương trong tương lai. Mục tiêu đề tài xác định những vấn đề lý luận cơ bản về đô thị và công tác quản lý đô thị, các chủ trương, chính sách của Nhà nước về công tác quản lý đô thị; nhu cầu công tác quản lý đô thị của tỉnh Bình Dương hiện nay; tình hình công tác quản lý trên địa bàn tỉnh Bình Dương và đề xuất giải pháp, kiến nghị phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương. Đề tài đã đánh giá thực trạng công tác quản lý đô thị tại Bình Dương trên các lĩnh vực của đô thị từ tổ chức quản lý đô thị, các thành phần trong công tác quản lý đô thị từ quản lý quy hoạch - kiến trúc, quản lý môi trường đô thị đến các vấn đề quản lý cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội đô thị. Đề tài cũng phân tích vấn đề quan lý đô thị từ góc độ người dân về công tác này, theo đó nêu ra điểm hạn chế, bất cập cần hoàn thiện ở nhiều hạng mục của công tác quản lý đô thị. Do đó, công tác quản lý đô thị ở Bình Dương được đánh giá từ nhiều góc độ nhằm phản ảnh thực tế khách quan trong công tác quản lý đô thị.
Tác động của đô thị hóa trong lĩnh vực xã hội ở Bình Dương, đây là nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở của PGS.TS. Trần Thị Kim Xuyến nhằm khảo sát về sự tác động về mặt xã hội của quá trình đô thị hóa đến lối sống, chất lượng sống và con người Bình Dương được thực hiện nhằm hiểu rõ hơn những đặc trưng trong lối sống và nếp nghĩ của người dân thông qua các dạng hoạt động sống, những vấn đề về phúc lợi và an sinh xã hội, cũng như nhu cầu của họ trong quá trình đô thị hóa, góp phần đưa khía cạnh xã hội - nhân văn vào phát triển và quả lý đô thị, chỉ ra những hình thức hội nhập cộng đồng và các đóng góp của cộng đồng vào quá trình quy hoạch và hay cải tạo đô thị. Đề tài đã đánh giá hiệu quả của việc thực thi chính sách phúc lợi xã hội cũng là một trong những yếu tố xác định được sự tác động về mặt xã hội của quá trình phát triển đô thị ở Bình Dương ở các lĩnh vực: lĩnh vực giáo dục, lĩnh vực y tế, lĩnh vực nhà ở, lĩnh vực bảo hiểm xã hội, mặt an sinh xã hội… từ đó, tác giả cũng đưa ra một số khuyến nghị liên quan đến chủ đề nghiên cứu.
Tác động của đô thị hóa trong lĩnh vực văn hóa ở Bình Dương, đây là nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở của PGS.TS. Tôn Nữ Quỳnh Trân thực hiện nhằm làm rõ con đường đô thị hóa của tỉnh Bình Dương, nắm bắt quy luật của sự phát triển này, tìm hiểu những thay đổi trong lĩnh vực văn hóa do đô thị hóa tác động vào nhằm đưa ra những nhận định và biện pháp, kiến nghị vừa để giữ gìn những giá trị truyền thống vừa làm phong phú đời sống văn hóa tại đây. Qua nghiên cứu cho thấy, đô thị hóa vừa đem những điều tích cực cho đời sống văn hóa của người dân, nhưng đồng thời vẫn có những nguy cơ như mất đi văn hóa truyền thống. Tiếp biến văn hóa là kết quả hiển nhiên trong quá trình giao lưu, hội nhập. Trong quá trình đó, như một lẽ tất nhiên, bên cạnh những mặt tích cực là “những mặt trái, mất không ít”. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để nâng cao bản lĩnh hội nhập, nhằm phát huy tốt nhất sự bồi đắp, làm giàu văn hóa dân tộc và khắc chế tối đa những hệ lụy, tiêu cực.
Bối cảnh đô thị hóa Bình Dương, nhiệm vụ do PGS TS Nguyễn Văn Hiệp và PGS TS Tôn Nữ Quỳnh Trân đồng chủ nhiệm, đặt ra mục tiêu làm rõ con đường đô thị hóa của tỉnh Bình Dương, nắm bắt quy luật của sự phát triển này, tìm hiểu bối cảnh mà trong đó đô thị hóa Bình Dương hình thành và phát triển. Phân tích những khó khăn và thuận lợi của bối cảnh Bình Dương từ thời điểm xuất phát đô thị hóa sau tái lập. Đồng thời, phân tích những thành quả chủ yếu làm nền tảng cho phát triển đô thị hóa Bình Dương.
Tình hình đô thị hóa Bình Dương giai đoạn 1997 - 2017, nhiệm vụ do TS Trương Hoàng Trương và ThS Lê Văn Năm đồng chủ nhiệm với mục tiêu làm rõ con đường đô thị hóa của tỉnh Bình Dương, nắm bắt quy luật của sự phát triển này, tìm ra những vấn đề nảy sinh do tác động của hiện tượng này về các lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa và cảnh quan thiên nhiên.
Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật phát triển sản xuất vườn hiệu quả và phù hợp theo hướng nông nghiệp đô thị tại huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương, dự án cho TS. Bùi Xuân Khôi làm chủ đã triển khai với mục tiêu nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng năng suất, chất lượng và an toàn thực phẩm thông qua việc chuyển giao công nghệ tiên tiến cho cư dân sản xuất vườn rau ở vùng ven và vùng nằm trong tiến trình đô thị hóa ở huyện Bàu Bàng. Sau thời gian Dự án triển khai thực hiện đã cho thấy hiệu quả kinh tế mô hình cao hơn rõ rệt so với sản xuất ngoài trời và trong nhà lưới hở. Sản phẩm rau của dự án sẽ cung cấp nguồn rau đạt chất lượng và an toàn tại chỗ cho người dân địa phương góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Đây là khu vực đông dân cư, có nhiều khu công nghiệp. Diện tích cũng như sản lượng rau của huyện Bàu bàng chỉ cung cấp được phần nhỏ nhu cầu rau sạch của người tiêu dùng do đó việc duy trì cũng như mở rộng diện tích rau VietGAP sẽ rất khả thi.
Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng xây dựng mô hình thâm canh các loại cây có múi (bưởi da xanh, cam xoàn, cam sành, quýt đường) đạt tiêu chuẩn VietGap và liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm ở xã Minh Hòa và Minh Thạnh, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương, đây là dự án ứng dụng khoa học và công nghệ của KS. Lê Thị Chung, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp bền vững triển khai với mục tiêu nhằm nâng cao nhận thức của nhà vườn trong việc thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) và tạo ra vùng sản xuất cây có múi đạt chất lượng. Theo báo cáo cho thấy, việc áp dụng quy trình sản xuất theo VietGAP làm tăng chi phí đầu tư do đầu tư thêm công lao động, xây dựng cơ sở hạ tầng (kho phân thuốc, nhà vệ sinh, khu pha thuốc BVTV, các biển cảnh báo nguy hiểm, văn phòng phẩm), phân tích mẫu đất, nước và sản phẩm, đánh giá chứng nhận VietGAP so với vườn sản xuất không thực hiện VietGAP.
Xây dựng hệ thống viễn y thử nghiệm việc chăm sóc sức khỏe từ xa tại tỉnh Bình Dương do GS.TS Võ Văn Tới triển khai nhằm tái thiết kế để sản xuất chế tạo thử nghiệm 110 máy đo Viễn Áp và xây dựng hệ thống công nghệ thông tin CTIS cùng với các phần mềm ứng dụng di động, và phối hợp với các bác sĩ tại Ban BVCS tỉnh Bình Dương triển khai thử nghiệm trong 12 tháng với các bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp với máy Viễn Áp (nhóm Can thiệp) so với các bệnh nhân không sử dụng máy Viễn Áp.
Quản lý nhà nước về an ninh, trật tự đối với các khu công nghiệp tại tỉnh Bình Dương do PGS TS Phan Quang Thịnh và ThS Trương Tấn Dũng thực hiện với mục đích làm rõ những vấn đề liên quan đến quản lý nhà nước về an ninh trật tự đối với các khu công nghiệp tại tỉnh Bình Dương. Nghiên cứu, làm rõ thực trạng quản lý nhà nước về an ninh trật tự đối với các khu công nghiệp tại tỉnh Bình Dương. Đưa ra dự báo và đề xuất luận giải các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh trật tự đối với các khu công nghiệp tại tỉnh Bình Dương thời gian tới.
Công tác đảm bảo an ninh công nhân trên địa bàn tỉnh Bình Dương, nhiệm vụ do TS. Nguyễn Trần Hiếu và CN. Phạm Quốc Dũng đồng chủ nhiệm, trên cơ sở nghiên cứu làm rõ thực trạng công tác đảm bảo an ninh công nhân trên địa bàn tỉnh Bình Dương, tác giả đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới.
Phân tích hiệu năng bảo mật thông tin lớp vật lý trong mạng vô tuyến nhận thức, đây là đề tài khoa học và công nghệ cấp cơ sở của ThS. Đỗ Đắc Thiểm, Trường Đại học Thủ Dầu Một thực hiện với nghiên cứu đề xuất một mô hình mạng vô tuyến nhận thức sau đó phân tích hiệu năng bảo mật thông tin lớp vật lý của hệ thống. Các kết quả nghiên cứu cho ta các số liệu tường minh biểu diễn ảnh hưởng của hiệu năng bảo mật thông tin lớp vật lý của hệ thống trên các kênh truyền fading Nakagami-m theo các thông số kỹ thuật quan trọng như: tỷ số công suất phát sơ cấp trên phương sai nhiễu, tỷ số công suất phát tối đa thứ cấp trên phương sai nhiễu, hệ số thu thập năng lượng, mức độ yêu cầu bảo mật. Từ đó, cho ta cái nhìn thấu đáo về SOP của EHCRNs, đó là: nhiễu sơ cấp và mức độ nghiêm trọng fading có tác động bất lợi hiệu năng bảo mật; với một lựa chọn phù hợp về tỷ lệ thời gian ta thể đạt được hiệu năng cực đại.
Ứng dụng mô hình máy học hỗ trợ định danh nấm mối ở Bình Dương, đây là nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp trường của Thạc sĩ Dương Thị Kim Chi, Khoa Kỹ thuật công nghệ, trường Đại học Thủ Dầu Một với mục tiêu là nghiên cứu đề xuất một mô hình phân loại nấm mối ở Bình Dương bằng phương pháp máy học thực hiện vào năm 2019. Đề tài cung cấp số liệu tường minh về lưu trữ gene ITS của các loài nấm mối trên thế giới cũng như cách sử dụng chúng cho mục đích phân loại nấm mối. Mô hình định danh loài nấm mối được khảo sát, cài đặt và đánh giá cẩn thận về độ chính xác cũng như về hiệu năng.
Nghiên cứu thu nhận và ứng dụng Fibrin giàu tiểu cầu (PRF-Platelete rich fibrin) trong điều trị nha chu, nhiệm vụ do PGS TS Trần Lê Bảo Hà và PGS TS Phan Anh Vũ Thụy đồng chủ nhiệm nhằm xây dựng quy trình tối ưu thu nhận PRF trong điều kiện có thể áp dụng rộng rãi cho các đơn vị điều trị lâm sàng. Xác định được sự ảnh hưởng của PRF lên sự di cư, tăng sinh, biệt hóa của các tế bào có liên quan đến điều trị nha chu. Xác định được khả năng hỗ trợ tăng sinh mạch máu của PRF trong cơ thể và đánh giá được vai trò của PRF trong hỗ trợ điều trị khiếm khuyết xương ổ răng trong viêm nha chu.
Nghiên cứu ứng dụng mạng nơ ron nhân tạo đánh giá chất lượng nước - Trường hợp nghiên cứu tỉnh Bình Dương, đây là nhiệm vụ cấp trường do ThS Nguyễn Hiền Thân thực hiện nhằm thu thập số liệu và cơ sở dữ liệu phục vụ tính toán chất lượng nước. Xây dựng mô hình đánh giá chất lượng nước mặt bằng phương pháp mạng trí tuệ nhân tạo. Đánh giá, so sánh chất lượng nước tỉnh Bình Dương giai đoạn 2007 - 2018 bằng phương pháp mạng nơ ron nhân tạo với các phương pháp đánh giá khác. Từ đó đề xuất các giải pháp quản lý và bảo vệ chất lượng nước tỉnh Bình Dương.
Phân tích ý kiến người dùng bằng các phương pháp học sâu, đây là nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở của TS. Bùi Thanh Hùng, trường Đại học Thủ Dầu Một thực hiện với mục tiêu tập trung nghiên cứu giải quyết bài toán thu thập và phân tích ý kiến người dùng áp dụng cho tiếng Việt. Đề tài thu thập dữ liệu bình luận về các món ăn, quán ăn, nhà hàng từ foody.vn. Sau đó xử lý dữ liệu, xây dựng mô hình phân tích ý kiến người dùng bằng 3 phương pháp học sâu, từ đó đề xuất mô hình tối ưu nhất. Qua nghiên cứu, đề tài cũng đã xây dựng trang web trực quan các mô hình để đưa ra kết quả phân tích ý kiến người dùng. Bên cạnh đó, trang web cũng cung cấp số liệu thống kê hiệu suất các mô hình. Bên cạnh việc phân tích ý kiến người dùng bản được ứng dụng trong hàng loạt các vấn đề như: Quản trị thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu sản phẩm, quản trị quan hệ khách hàng, khảo sát ý kiến xã hội học, phân tích trạng thái tâm lý con người... Đề tài cũng áp dụng hiệu quả trong việc điều hành của chính phủ, chính quyền địa phương thông qua các trang mạng xã hội, trang web do chính phủ, chính quyền xây dựng.
Nghiên cứu, đánh giá chất lượng đất và đề xuất phát triển các loại hình nông nghiệp, nông nghiệp đô thị phù hợp với điều kiện tại xã Bạch Đằng và xã Thạnh Hội, thị xã Tân Uyên, Bình Dương, do TS. Nguyễn Trọng Uyên thực hiện nhằm nghiên cứu đánh giá chất lượng đất làm cơ sở đề xuất phát triển các loại hình nông nghiệp, nông nghiệp đô thị phù hợp với điều kiện đất đai và phát triển kinh tế xã hội tại xã Bạch Đằng và xã Thạnh Hội, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.
Tiếp cận tài chính toàn diện trên địa bàn tỉnh Bình Dương, nhiệm vụ của TS. Nguyễn Hồng Thu đề xuất nghiên cứu hướng đến đề xuất các giải pháp tăng cường và phát triển tài chính toàn diện đến cộng đồng dân cư trong tỉnh, góp phần phát triển bền vững kinh tế xã hội của tỉnh nói riêng và các nước nói chung trước xu hướng phát triển và hội nhập. Dựa trên kết quả đánh giá thực trạng tiếp cận tài chính trong giai đoạn 2015 - 2019 và định hướng của tỉnh Bình Dương đến năm 2025, đề tài đã đưa ra những giải pháp nhằm thúc đẩy tiếp cận tài chính góc độ cá nhân trên địa bàn tỉnh: Đối với các chủ thể cung cấp dịch vụ tài chính chính thức, Đối với các chính quyền địa phương và đối với Đối với các cơ quan quản lý cấp Trung ương.
Xây dựng nhãn hiệu tập thể Măng cụt Dầu Tiếng, dự án được Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Bình Dương triển khai với mục tiêu xây dựng thiết lập cơ chế bảo hộ, quản lý, khai thác và phát triển nhãn hiệu tập thể măng cụt Dầu Tiếng cho người dân trồng măng cụt nhằm nâng cao giá trị, danh tiếng sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể, đảm bảo việc xúc tiến thương mại góp phần nâng cao giá trị kinh tế xã hội, văn hóa của địa phương, bảo tồn giống măng cụt ngon, truyền thống của địa phương. Tạo quy trình canh tác chuẩn cho việc trồng và sản xuất các sản phẩm từ trái măng cụt với thương hiệu măng cụt Dầu Tiếng, có chất lượng, tiêu chuẩn đóng gói đặc trưng.
Nghiên cứu điều chế than hoạt tính từ chế phẩm vỏ hạt macca bước đầu khảo sát khả năng xử lý màu nhuộm Metyl Blue, nhiệm vụ do TS. Đào Minh Trung - trường đại học Thủ Dầu Một cùng với cộng sự của mình đã triển khai với mục tiêu tìm giải pháp xử lý màu nhuộm trong nước bằng vật liệu thân thiện môi trường. Cụ thể: điều chế các vật liệu sinh học từ phế phẩm Mắc-ca bằng các tác nhân hóa học. Khảo sát khả năng xử lý màu trong nước thải dệt nhuộm giả định của vật liệu có nguồn gốc sinh học góp phần cải thiện chất lượng môi trường nước.
Xây dựng mô hình quản lý tổng hợp cây hồ tiêu tại huyện Phú Giáo tỉnh Bình Dương, Nhiệm vụ do Ths Nguyễn Văn An triển khai nhằm xây dựng mô hình tổng hợp ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật phục vụ sản xuất hồ tiêu góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất hướng đến sản xuất hồ tiêu an toàn và bền vững tại huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương. Nhiệm vụ với mục tiêu cụ thể nhằm đánh giá tình hình sản xuất hồ tiêu ở quy mô nông hộ tại Phú Giáo và các giải pháp đề xuất về sản xuất hồ tiêu bền vững; tuyển chọn 1- 2 giống hồ tiêu sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất cao, phù hợp với điều kiện canh tác huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương; xây dựng 01 quy trình kỹ thuật canh tác tổng hợp trên cây hồ tiêu; xây dựng mô hình quản lý tổng hợp sản xuất hồ tiêu theo tiêu chuẩn GAP nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất hồ tiêu 10-15% so với sản xuất đại trà thông qua giảm chi phí sản xuất và nâng cao năng suất trên 02 loại vườn tiêu giai đoạn kinh doanh và kiến thiết cơ bản; kết hợp xây dựng nhãn hiệu tập thể hồ tiêu Phú Giáo, Bình Dương.
Nghiên cứu sự biểu hiện gen chống chịu chì (Pb) của cây phát tài trong điều kiện nhiễm độc chì, đây là nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở của Ths. Hồ Bích Liên, trường Đại học Thủ Dầu Một thực hiện với mục tiêu xác định mức độ biểu hiện gen chống oxy hóa của cây phát tài trong điều kiện nhiễm độc chì; xác định tiềm năng tích lũy và phân bố chì trong các cơ quan rễ, thân và lá của cây phát tài. Qua nghiên cứu cho thấy, các gen chống oxy hoá là SOD, GPX và GST đều tăng cường biểu hiện so với đối chứng ở cả ba bộ phận rễ, thân và lá cây Phát tài sau khi xử lý Pb(NO3)2 từ 2 đến 24 giờ. Sự thay đổi biểu hiện các gen khác nhau giữa các bộ phận của cây trong cùng điều kiện xử lý là khác nhau. Gen GPX và GST đều tăng cao ở mẫu rễ hơn ở thân và lá, còn gen SOD thì mức độ biểu hiện nhiều ở mẫu thân, vậy có sự khác nhau của từng gen chống oxy hoá trong việc đáp ứng với Pb ở các bộ phận cây phát tài trong cùng một điều kiện xử lý.