Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016 - 2020
Ngày 09/12/2015, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương ban hành Quyết định số 3225/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016 - 2020.
Ngày 09/12/2015, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương ban hành Quyết định số 3225/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016 - 2020.
Nhằm hướng tới mục tiêu giảm khoảng cách giới và nâng cao vị thế của phụ nữ trong một số lĩnh vực, ngành, vùng, địa phương còn bất bình đẳng giới hoặc có nguy cơ bất bình đẳng giới cao, góp phần thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới tỉnh Bình Dương 2016 - 2020.
Theo đó, có 7 mục tiêu cụ thể được đề ra trong Kế hoạch: (1) tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị; (2) giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm; tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ người dân tộc thiểu số đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động; (3) nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, từng bước đảm bảo sự tham gia bình đẳng giữa nam và nữ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; (4) đảm bảo bình đẳng giới trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe; (5) đảm bảo bình đẳng giới trong lĩnh vực văn hóa và thông tin; (6) đảm bảo bình đẳng giới trong đời sống gia đình, từng bước xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới và (7) nâng cao năng lực trong quản lý nhà nước về bình đẳng giới.
Để thực hiện tốt các mục tiêu đề ra, Kế hoạch cũng đề ra các giải pháp thực hiện như: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đối với công tác bình đẳng giới. Thực hiện lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hoạt động của các sở, ban, ngành, đoàn thể trong xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tăng cường kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện pháp luật về bình đẳng giới.
Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về bình đẳng giới trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân; phát triển hệ thống dịch vụ có chất lượng từ tỉnh đến cơ sở nhằm hỗ trợ nữ và nam bình đẳng về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tăng cường xã hội hóa và phối hợp liên ngành trong việc tổ chức các hoạt động về bình đẳng giới; huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực tài chính cho công tác bình đẳng giới...
Tăng cường công tác nghiên cứu về bình đẳng giới trên các lĩnh vực. Thực hiện cơ sở dữ liệu về bình đẳng giới phục vụ công tác nghiên cứu và hoạch định chính sách về bình đẳng giới do Trung ương hướng dẫn. Với giải pháp này, Sở Khoa học và Công nghệ Bình Dương sẽ chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học về bình đẳng giới.
Hồng Vân