Hiện nay, việc xây dựng thành phố thông minh gắn liền với khoa học công nghệ đang trở thành xu thế của nhiều quốc gia như Seoul (Hàn Quốc), New York (Hoa Kỳ), Tokyo (Nhật Bản), Amsterdam (Hà Lan)… Trong đó, các ứng dụng công nghệ thông tin được sử dụng để tạo sự kết nối, mọi quy trình được điều khiển từ xa hoặc tự động hóa mà không cần đến sự can thiệp của con người. Với mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2020, tỉnh Bình Dương từng bước xây dựng một thành phố thông minh, tạo nên một tương lai phát triển bền vững.
Thành phố công nghệ, thành phố xanh
Dựa trên thống kê, hiện nay thế giới đang trở nên đô thị hóa hơn bao giờ hết, có 40% dân số sống ở các thành phố, nhưng vào năm 2050 con số dự kiến sẽ tăng lên trên 60% tương đương với 9 tỷ người. Khu vực thành phố cũng là nơi tiêu thụ phần lớn năng lượng toàn cầu và thải ra nhiều khí nhà kính nhất. Do đó việc phát triển thành phố trong tương lai có ảnh hưởng lớn tới môi trường. Giải pháp được nhiều quốc gia lựa chọn đó là giải pháp xây dựng thành phố thông minh, trong đó các công nghệ thông minh sẽ được áp dụng để thu nhận, phân tích thông tin để vận hành thành phố, tăng cường chất lượng cuộc sống của người dân, bảo vệ môi trường, an toàn cộng đồng, các dịch vụ đô thị một cách thông minh.
Những giải pháp kỹ thuật số, công nghệ và thông tin truyền thông được lựa chọn nhằm giúp vận hành và quản lý đô thị dễ dàng hơn. Với ý tưởng kết nối nhiều thiết bị lại với nhau có thể giải quyết nhiều vấn đề đặt ra khi xây dựng thành phố thông minh, trong đó mạng lưới vạn vật kết nối internet - IoT (Internet of things - một tập hợp các thiết bị có khả năng kết nối với nhau, với Internet và với thế giới bên ngoài để thực hiện một công việc nào đó) được nhiều thành phố trên thế giới chọn để triển khai. “IoT đã phát triển từ sự hội tụ của công nghệ không dây, công nghệ vi cơ điện tử và Internet, một ví dụ cụ thể, máy nướng bánh mì ngoài chức năng nướng bánh mì còn có thể kết nối với tủ lạnh, người dùng có thể điều khiển máy nướng bánh từ tủ lạnh thông qua một chiếc điện thoại di động hay thiết bị đeo nào đó có kết nối internet, không phân biệt không gian, thời gian và địa điểm”, ông Matteo Vezzosi, Giám đốc Kinh doanh cao cấp của Công ty NXP Semiconductors (Hà Lan) chia sẻ.
Thành phố thông minh không chỉ có các kết nối. Những năm gần đây, công trình xanh là một trong những loại hình được khuyến khích phát triển tại nhiều quốc gia trên thế giới. Theo đó, công trình đạt tiêu chuẩn mới trong xây dựng phải là những công trình đạt được hiệu quả cao trong sử dụng năng lượng và vật liệu, đồng thời hạn chế tác động xấu đến môi trường. Cấu trúc tòa nhà trong tương lai bao gồm sinh hoạt, tái tạo và thích ứng. Những tòa nhà mới được cung cấp bởi tài nguyên môi trường tự nhiên, khai thác nước mưa để sử dụng làm nguồn nước, lấy gió và ánh sáng để cung cấp năng lượng…
Cùng với đó, tiết kiệm năng lượng là một trong những tiêu chí hàng đầu của thành phố thông minh. Lưới điện thông minh kết hợp với hệ thống phân phối năng lượng mới, như bể cấp nhiên liệu hay sử dụng nguồn tài nguyên tái tạo (mặt trời, gió…). “Nhiều thành phố cũng đã thành công trong việc ứng dụng công nghệ cao trong quản lý và sử dụng điện như Masdar (Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất) và Paredes (Bồ Đào Nha) sử dụng năng lượng mặt trời để điều hòa không khí nhằm tác động tối thiểu đến môi trường. Việc sử dụng các giải pháp thông minh để giảm chi phí xã hội và tài nguyên tiêu thụ, quản lý hiệu quả năng lượng, giảm ô nhiễm và nạn kẹt xe, tăng cường an ninh, nâng cao chất lượng dịch vụ; đồng thời tạo ra tiềm năng và cơ hội cho các nhà đầu tư sẽ huy động được nhiều nguồn lực từ bên ngoài. Bằng cách này, nó sẽ giúp chi phí sinh hoạt của người dân rẻ hơn, cuộc sống bền vững và hiệu quả hơn”, ông Peter Portheine, Giám đốc Brainport Development (thành phố Eindhoven, Hà Lan) nhận định.
Internet of Things (IoT) - Nền tảng công nghệ thông tin cho thành phố thông minh
Hiện nay, các sáng kiến thành phố thông minh trên khắp thế giới đang tập trung ngày càng nhiều vào IoT, chính quyền của nhiều quốc gia cũng đang hướng đến xây dựng các thành phố bền vững kiểu mới bằng sáng kiến công nghệ này. Các chuyên gia nhận định rằng, nếu sử dụng các giải pháp IoT phi tiêu chuẩn thì chi phí cho việc triển khai các thành phố thông minh trên toàn cầu có thể lên tới con số 1,12 nghìn tỷ USD tới năm 2025. Trong khi đó, nếu sử dụng các giải pháp IoT đạt chuẩn thì con số chi phí này chỉ là 781 tỷ USD, tức là giúp các chính quyền và quốc gia tiết kiệm được 341 tỷ USD, tương đương 30% chi phí ban đầu.
Ông Matteo Vezzosi cho biết, với hệ thống IoT chúng ta có thể dụng vào các lĩnh vực như quản lý chất thải, quản lý đô thị, giao thông, phản hồi trong các tình huống khẩn cấp, mua sắm thông minh… Hãy lấy thiết bị thu hình giám sát làm ví dụ, nó có thể tự động truyền tải thông tin về tình trạng giao thông sang một hệ thống khác có khả năng đưa ra gợi ý ngay lập tức cho các tài xế trong khu vực cần chuyển sang tuyến đường khác. Các hệ thống giao thông khác như đường sắt, tàu điện ngầm hay đường hàng không… được kết nối sẵn trong một thành phố hay một khu vực, thậm chí trong một quốc gia cũng có thể điều chỉnh và nâng cao hiệu quả của chúng một cách phù hợp.
Khi triển khai IoT thì hạ tầng viễn thông đóng một vai trò quan trọng trong việc lưu trữ và truyền tải thông tin. Đối với tỉnh Bình Dương, hiện tại cơ sở hạ tầng viễn thông đã phát triển và về cơ bản sẽ đáp ứng được việc triển khai IoT. Tính đến nay trên địa bàn tỉnh có 08 doanh nghiệp viễn thông tham gia xây dựng hạ tầng và cung cấp dịch vụ viễn thông như Viễn thông Bình Dương, VNTT, Viettel… Bên cạnh đó, hệ thống cáp quang đã thay thế hệ thống cáp đồng và được triển khai tới tận các xã đáp ứng được các dịch vụ như internet tốc độ cao, truyền hình IpTV... và có hơn 1.928 vị trí cột ăng-ten thu phát sóng di động của Viettel, Mobifone, Vinaphone, Vietnammobile, Gmobile.
“Bình Dương có điều kiện xuất phát tốt để xây dựng thành phố thông minh. Đây không phải là mục tiêu viển vông mà dựa trên cơ sở nền tảng của Bình Dương là địa phương có kinh tế tăng trưởng khá cao trong cả nước, thu hút được nhiều tập đoàn đầu tư nước ngoài lớn và đầu tư cho các lĩnh vực, trong đó có hạ tầng viễn thông, thì việc Bình Dương xây dựng thành phố thông minh dựa trên IoT là thuận lợi, hợp lý", ông Peter Portheine nhận định.▲
Đối với tỉnh Bình Dương, hiện nay các đô thị mới của tỉnh được đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật theo đúng định hướng quy hoạch với tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 76%. Tuy nhiên cùng với sự phát triển đó, Bình Dương hiện đối mặt nhiều thách thức, như gia tăng dân số cơ học ngày càng mạnh mẽ, kèm theo đó là những vấn đề nảy sinh về tình hình an ninh trật tự, an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường và những bất cập về điều kiện chăm sóc y tế, học tập, nhà ở, việc làm… “Đây là những vấn đề nan giải và là nỗi bận tâm hàng đầu đối với các nhà hoạch định chính sách phát triển của tỉnh Bình Dương, việc tìm ra một hệ thống công nghệ thông minh được xem như một giải pháp nhằm giảm áp lực cho các vấn đề xã hội, môi trường…”, ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh nói.
|
Hoàng Đăng