Nghiên cứu đề xuất giải pháp kỹ thuật thủy lợi cho các mô hình nuôi tôm vùng sinh thái đặc thù ven biển bán đảo Cà Mau
b. Chủ nhiệm đề tài: Lê Thanh Tùng
c. Tên cơ quan cử đi học: Trung tâm Quan trắc - Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường
d. Tên Viện - trường thực hiện luận văn: Trường Đại học Thủy Lợi
e. Mục tiêu nghiên cứu:
Đánh giá hiện trạng nuôi trồng thủy sản, xác định các yêu cầu về chế độ nước cho nuôi tôm và nguyên tắc chung bố trí công trình thủy lợi phục vụ mô hình nuôi tôm vùng ven biển Bán đảo Cà Mau nhằm đề xuất được các giải pháp kỹ thuật thủy lợi nội đồng (cấp, thoát) góp phần quan trọng trong việc tư vấn, thiết kế quy hoạch công trình thủy lợi phục vụ nuôi trồng thuỷ sản trên các vùng sinh thái đặc thù ven biển Bán đảo Cà Mau.
f. Kết quả thực hiện (tóm tắt):
Nuôi trồng thủy sản là một đối tượng dùng nước khá đặc thù, yêu cầu và chế độ nước trong nuôi trồng thủy sản cũng khác nhiều so với sản xuất nông nghiệp, do vậy việc quy hoạch bố trí hệ thống cũng như tính toán thiết kế công trình đều có những điểm khác biệt. Việc tính toán thông số kỹ thuật cho mô hình chuyên tôm, tính toán thông số kỹ thuật cho mô hình tôm - lúa, tôm - rừng nhằm đề xuất các giải pháp hạ tầng kỹ thuật góp phần đáp ứng cho công tác quy hoạch, thiết kế hạ tầng cơ sở các vùng nuôi trồng thủy sản ven biển Bán đảo Cà Mau hiện nay là rất cần thiết. Đề tài luận văn “Nghiên cứu đề xuất giải pháp kỹ thuật thủy lợi cho các mô hình nuôi tôm vùng sinh thái đặc thù ven biển Bán đảo Cà Mau” do tác giả Lê Thanh Tùng thực hiện nhằm đánh giá hiện trạng nuôi trồng thủy sản, xác định các yêu cầu về chế độ nước cho nuôi tôm và nguyên tắc chung bố trí công trình thủy lợi phục vụ mô hình nuôi tôm vùng ven biển Bán đảo Cà Mau nhằm đề xuất được các giải pháp kỹ thuật thủy lợi nội đồng (cấp, thoát) góp phần quan trọng trong việc tư vấn, thiết kế quy hoạch công trình thủy lợi phục vụ nuôi trồng thuỷ sản trên các vùng sinh thái đặc thù ven biển Bán đảo Cà Mau.
Đề tài tập trung chính vào 2 mô hình Tôm thâm canh và Tôm - Lúa. Qua nghiên cứu cho thấy, Vùng thích nghi với trồng mô hình tôm thâm canh cả năm: Là vùng có nồng độ mặn lớn hơn 10 g/l trong cả mùa lũ (tính cho một con lũ trung bình năm 2012). Vùng thích nghi với trồng mô hình tôm lúa: Là vùng có nồng độ mặn lớn lơn 10 g/l trong cả mùa kiệt và có nồng độ mặn nhỏ hơn 4g/l trong mùa lũ (tính cho một con lũ trung bình năm 2012).
Đối với mô hình tôm thâm canh, việc lựa chọn địa điểm nuôi là một trong những khâu quan trọng, và cần đáp ứng được một số điều kiện sau: Nên chọn nơi giao thông thuận tiện; chủ động nguồn nước cấp, thoát. Không nên chọn địa điểm nuôi tôm ở những nơi có nhiều mùn bã hữu cơ, đất cát hay đất bị nhiễm phèn nặng. Không chọn nơi gần nguồn nước có nguy cơ ô nhiễm cao như: bệnh viện, nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt…
Đối với mô hình tôm lúa, quy trình nuôi tôm phổ biến hiện nay ở ĐBSCL là ít thay nước có ao lắng nên nhu cầu nước hằng ngày bình thường không cao lắm. Tuy nhiên ao lắng và lượng nước cần cung cấp phải đáp ứng nhu cầu thay nước trung bình khoảng 1/3 lượng nước trong ao nuôi. Do đặc thù vùng nghiên cứu có hệ thống kênh mương tự nhiên khá thẳng và chằng chịt, vì vậy một vấn đề thường gặp phải khi bố trí kênh cấp thoát tách rời là giải quyết chỗ giao nhau của hai loại kênh này. Để giải quyết vấn đề này cần đắp đập chặn tại các đầu kênh…
Sau thời gian triển khai, luận văn đã xác định các thông số cơ bản cho một số mô hình nuôi chuyên tôm và tôm - lúa ở BĐCM, từ đó tính toán nhu cầu nước và hệ số cấp thoát nước cho các mô hình chuyên tôm quảng canh, quảng canh cải tiến và mô hình tôm - lúa làm căn cứ để xác định quy mô công trình vùng nuôi trồng thủy sản. Định hướng đề xuất được các giải pháp kỹ thuật về thủy lợi cho mô hình nuôi chuyên tôm, tôm - lúa. Trong đó tập trung chủ yếu các giải pháp cung cấp đủ nước mặn theo yêu cầu và giải pháp cấp nước ngọt phù hợp cho nuôi tôm trên các vùng sinh thái đặc thù ven biển BĐCM. Kết quả nghiên cứu đề tài phù hợp với chiến lược phát triển thủy lợi ở BĐCM trong giai đoạn sắp tới là xây dựng một hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh, phục vụ đa mục tiêu trên các vùng sinh thái khác nhau nhằm phục vụ cho việc phát triển môi trường nuôi trồng thủy sản bền vững.
Kết quả nghiên cứu của đề tài đã đề xuất các giải pháp kỹ thuật phù hợp với điều kiện cụ thể trên các vùng sinh thái đặc thù phục vụ các mô hình nuôi chuyên tôm, mô hình tôm - lúa ở vùng ven biển ở Bán đảo Cà Mau. Đây là cơ sở khoa học giúp các nhà quản lý và người dân địa phương định hướng được giải pháp hiệu quả phục vụ phát triển các mô hình nuôi chuyên tôm, mô hình tôm - lúa ở vùng ven biển Bán đảo Cà Mau, từ đó có những quyết định, chính sách, kế hoạch, sự điều chỉnh hợp lý trong phát triển sản xuất nông nghiệp của địa phương
g. Năm tốt nghiệp: 2021