Nghiên cứu một số đặc điểm sinh thái và hoạt tính kháng khuẩn của loài Sư nhĩ (Leonotis nepetifolia (L.) R.Br.) ở tỉnh Bình Thuận
b. Chủ nhiệm đề tài: Nguyễn Thị Hương Giang
c. Tên cơ quan đi học: Trường THPT Bến Cát
d. Tên Viện - trường thực hiện luận văn: Trường Đại học Sư phạm Tp.Hồ Chí Minh
e. Mục tiêu nghiên cứu:
Xác định được đặc điểm hình thái và cấu tạo giải phẫu thích nghi của loài Sư nhĩ (Leonotis nepetifolia (L.) R.Br.) thuộc họ Hoa môi (Lamiaceae) mọc tự nhiên trên vùng đất cát ở tỉnh Bình Thuận. Xác định hoạt tính kháng khuẩn của loài này với một số chủng vi khuẩn thử nghiệm
f. Kết quả thực hiện (tóm tắt):
Luận văn thạc sĩ chuyên ngành sinh thái học của tác giả Nguyễn Thị Hương Giang thực hiện với mục tiêu xác định được đặc điểm hình thái và cấu tạo giải phẫu thích nghi của loài Sư nhĩ (Leonotis nepetifolia (L.) R.Br.) thuộc họ Hoa môi (Lamiaceae) mọc tự nhiên trên vùng đất cát ở tỉnh Bình Thuận. Xác định hoạt tính kháng khuẩn của loài này với một số chủng vi khuẩn thử nghiệm.
Cây Sư nhĩ hay còn gọi là Ích mẫu nam [Leonotis nepetifolia (L.) R.Br.], thuộc họ Hoa môi (Lamiaceae), là cây thân thảo cao khoảng 0,8 - 2 m. Cây phân bố ở Châu Phi, miền Nam Ấn Độ, các vùng nhiệt đới của Châu Mỹ . Ở nước ta, cây Sư nhĩ phân bố chủ yếu ở các vùng sinh thái nông nghiệp phía Nam, từ Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ trở vào, trong đó có tỉnh Bình Thuận. Với khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo, nhiều nắng gió và khô hạn, địa hình đất cát và cồn cát của tỉnh là nơi sinh trưởng và phát triển thích hợp của loài Sư nhĩ.
Theo nghiên cứu cho thấy, cây Sư nhĩ sống ở vùng Tuy Phong và Hòn Rơm có khí hậu khô hạn, lượng mưa trung bình năm thấp (743,6 mm - 866,8 mm), nhiều ánh sáng, nhiều gió và thể nền đất cát nghèo dinh dưỡng đã hình thành một số đặc điểm thích nghi để tồn tại: Cây có rễ đâm sâu, lan rộng để có thể hút chất dinh dưỡng tốt nhất; hạt nảy mầm vào đầu mùa mưa (tháng 5) và kết thúc sinh trưởng và phát triển vào cuối mùa mưa (tháng 12). Tuy kích thước lá lớn nhưng nhờ có hệ thống lông bảo vệ nhiều giúp tạo tra một tiểu khí hậu làm mát bề mặt lá, giảm sự thoát hơi nước. Mặt khác có các tế bào mô mềm ở gân lá, biểu bì có kích thước lớn dự trữ nước, cung cấp cho cây khi gặp điều kiện bất lợi. Thân sơ cấp có dạng gần hình vuông với 4 rãnh và có nhiều mô dày phát triển ở 4 góc làm tăng khả năng cơ học, đảm bảo sự cứng chắc của thân non.
Về cấu tạo giải phẫu lá, kết quả nghiên cứu của đề tài phù hợp với công trình của Ashish và cs. (2011) đã ghi nhận ở 2 mặt lá các lông che chở đa bào, thịt lá phân hóa thành mô giậu và mô khuyết, mô dày ở dưới biểu bì. Một công trình khác còn ghi nhận các hạt tinh bột, tinh thể CaCO3 trong lá, mô khuyết chiến phần lớn trong thịt lá; không đề cập đến lông tiết. Tuy nhiên, kết quả của luận văn nhận thấy trong thịt lá Sư nhĩ thì mô giậu và mô khuyết có độ dày gần như nhau và có các lông tiết ở 2 mặt lá. Về mật độ cây, đường kính thân cây và sinh khối của cây Sư nhĩ thì cây mọc ở Hòn Rơm lớn hơn cây mọc ở Tuy Phong. Điều này có thể do điều kiện lượng mưa ở Hòn Rơm lớn hơn so với ở Tuy Phong và tính chất của thể nền ở Hòn Rơm tốt hơn so với Tuy Phong nên cây Sư nhĩ ở Hòn Rơm sinh trưởng tốt hơn ở Tuy Phong.
Mặc dù các loại thuốc kháng sinh được sử dụng rộng rãi trong y học, việc tìm kiếm các chất kháng sinh từ thực vật vẫn tốt và an toàn hơn trong việc chống lại các bệnh nhiễm trùng khi găp vi sinh vật đa kháng thuốc. Nghiên cứu đặc tính kháng khuẩn của 5 chủng vi khuẩn kiểm định từ cao chiết ethanol thô, kết quả cho thấy lá và thân cây Sư nhĩ là bộ phận cho cao chiết có kháng khuẩn nhiều chủng nhất bao gồm cả 5 chủng vi khuẩn kiểm định; thân cây kháng 4 chủng; rễ cây kháng 2 chủng. Trong đó kháng vi khuẩn Bacillus cereus, Staphylococcus aureus, Pseudomonas aeruginosa và Escherichia coli tốt nhất là lá Sư nhĩ ở Hòn Rơm, riêng kháng Enterococcus faecalis tốt nhất là thân cây ở Tuy Phong.
Từ các kết quả trên có thể kết luận rằng cao chiết ethanol từ lá tiếp đó là thân và rễ có tiềm năng chống lại năm loại vi khuẩn là Bacillus cereus, Staphylococcus aureus, Pseudomonas aeruginosa, Escherichia coli và Enterococcus faecalis, từ đó có thể ứng dụng để điều trị các bệnh truyền nhiễm do các loại vi khuẩn này gây ra. Việc tìm ra hoạt tính kháng khuẩn của Sư nhĩ góp phần phát triển dược phẩm mới có nguồn gốc từ sản phẩm tự nhiên đóng góp cho nghành y học cổ truyền. Bên cạnh đó có thể dựa vào nghiên cứu này làm cơ sở để tìm ra những loài cây có hoạt tính sinh học khác để điều chế các loại thuốc mới hỗ trợ chống lại những bệnh nhiễm trùng do các loại vi khuẩn khác gây nên.
g. Năm tốt nghiệp: 2021