Những điểm mới trong quy định về bảo vệ môi trường tỉnh Bình Dương
Phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường là mục tiêu xuyên suốt trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Bình Dương. Để hệ thống và cụ thể hóa các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương vừa ban hành Quyết định số 13/2016/QĐ-UBND ngày 16/6/2016 quy định Bảo vệ môi trường (BVMT) thay thế Quyết định số 63/2012/QĐ-UBND ngày 18/12/2012.
Thời gian qua, mặc dù vấn đề môi trường đã được quan tâm nhiều hơn thông qua nhiều văn bản pháp lý được ban hành. Bên cạnh đó, lực lượng kiểm soát và quản lý về môi trường cũng được tăng cường về số lượng cũng như năng lực quản lý. Tuy nhiên, những vi phạm về môi trường vẫn diễn biến phức tạp.
Nhiều vấn đề môi trường bức xúc...
Với đặc thù phát triển công nghiệp ở các địa phương phía Nam của tỉnh, nhiều đơn vị đã đứng ra xây dựng nhà xưởng và cho các doanh nghiệp thuê lại. Qua thực tế hoạt động, đã xảy ra tình trạng các chủ đầu tư cho thuê nhà xưởng thực hiện không đúng quy định pháp luật về môi trường như các nhà xưởng không có hệ thống xử lý nước thải, hệ thống thu gom nước thải và chất thải rắn... Từ đó dẫn đến nhiều khiếu nại, phản ánh của cử tri về ô nhiễm môi trường.
Trong quá trình công nghiệp, đô thị hóa của tỉnh, ở những khu vực có tốc độ đô thị hóa cao như thành phố Thủ Dầu Một, thị xã Thuận An, thị xã Dĩ An đã phát sinh nhiều loại hình sản xuất, kinh doanh với các ngành nghề không phù hợp với định hướng quy hoạch của tỉnh. Điều này, đã phát sinh nhiều hệ lụy về môi trường, mất mỹ quan đô thị. Đặc biệt là tình trạng ô nhiễm môi trường của các cơ sở thu mua phế liệu và các cơ sở sản xuất kinh doanh nằm trong khu dân cư.
Nước thải chăn nuôi cũng là một vấn đề khá bức xúc trong thời gian qua. Trong quá trình chăn nuôi, mỗi trang trại xử lý nước thải theo phương pháp khác nhau sau đó thải ra môi trường. Tỉnh chưa có quy định cụ thể về chất lượng của loại nước thải này cũng như ngưỡng cho phép khi thải ra môi trường. Trong khi đó, việc tái sử dụng loại nước thải này cho nông nghiệp đang là nhu cầu của nhiều trang trại.
Để hệ thống và cụ thể hóa các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, và các bộ, ngành có liên quan, UBND tỉnh Bình Dương vừa ban hành Quy định Bảo vệ môi trường tỉnh tại Quyết định số 13/2016/QĐ-UBND và Quyết định này thay thế cho Quyết định số 63/2012/QĐ-UBND. Và Quy định BVMT tỉnh ban hành lần này không chỉ giúp các tổ chức, cá nhân thuận lợi hơn trong việc tra cứu mà còn có một số điểm mới quy định cụ thể của địa phương; giúp khắc phục những hạn chế trong vấn đề kiểm soát ô nhiễm thời gian qua...
Những điểm mới trong Quyết định số 13/2016/QĐ-UBND về BVMT
Để chấn chỉnh hoạt động xây dựng nhà xưởng cho thuê không đảm bảo các quy định về môi trường, tại Điều 36, của Quyết định số 13/2016/QĐ-UBND quy định Chủ đầu tư nhà xưởng cho thuê phải thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý về môi trường như lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch BVMT….
Mặt khác, để được cấp phép hoạt động, chủ đầu tư cũng phải đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật hệ thống thoát nước mưa, nước thải riêng biệt và được cơ quan Nhà nước kiểm tra, xác nhận trước khi cho thuê xưởng. Với những quy định cụ thể này đòi hỏi các chủ đầu tư xây dựng xưởng cho thuê và các doanh nghiệp thuê nhà xưởng phải thực hiện đúng quy định về BVMT, đảm bảo yêu cầu BVMT chung, ông Tào Mạnh Quân, Chi cục trưởng - Chi cục BVMT tỉnh Bình Dương cho biết.
Một điểm cần lưu ý nữa trong Quyết định số 13/2016/QĐ-UBND đó là quy định khoảng cách an toàn về BVMT từ các cơ sở, sản xuất kinh doanh, dịch vụ và khu dân cư, đô thị, nhà ở.
Trước đây nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh nằm ngay trong khu vực dân cư thì nay khoảng cách mới được quy định là 100m.
Quyết định cũng quy định thời hạn phải chấm dứt sản xuất hoặc thực hiện di dời đối với các trường hợp chưa được cơ quan thẩm quyền cấp chủ trương, cấp phép đăng ký kinh doanh, xây dựng, môi trường là 12 tháng.
Nếu thực hiện nghiêm quy định mới này chắc chắn sẽ góp phần rất lớn trong việc chỉnh trang đô thị và phù hợp với lộ trình tiến tới tỉnh Bình Dương thành đô thị loại I trước năm 2020.
Đối với việc tái sử dụng nước thải cho mục đích tưới tiêu nông nghiệp, Quyết định số 13/2016/QĐ-UBND cũng đã có những quy định khá cụ thể. Theo đó, các cơ sở chăn nuôi, chế biến mủ cao su thiên nhiên có vườn cây công nghiệp phù hợp nằm liền kề; có hệ thống trang thiết bị, mạng lưới phân phối nước tưới đáp ứng yêu cầu kỹ thuật thì có thể tái sử dụng nước thải sau xử lý để tưới cây công nghiệp.
Trên cơ sở quy định ban hành, hiện nay Sở Tài nguyên và Môi trường đang rà soát các cơ sở, trang trại chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh để triển khai, hướng dẫn thực hiện phù hợp theo quy định.
Trong quy định mới về BVMT của tỉnh Bình Dương thì việc kiểm soát nguồn thải đã được siết chặt.
Cụ thể, nguồn thải của các ngành nghề sản xuất ô nhiễm cao như: Xi mạ, dệt nhuộm, thuộc da..; có lưu lượng nước thải phát sinh từ 500m3/ngày đến dưới 1.000m3/ngày phải lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động. Trước đây doanh nghiệp có lưu lượng nước thải từ 1.000m3/ngày trở lên thì mới phải thực hiện. Như vậy, với quy định trên thì số lượng nguồn thải đang hoạt động trên địa bàn tỉnh thuộc đối tượng lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động sẽ tăng từ 58 doanh nghiệp như hiện nay lên gần 90 doanh nghiệp.
Thông qua đó, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ giám sát liên tục việc xả thải với tổng lưu lượng nước thải khoảng 180.000m3/ngày đêm, chiếm 80% lượng nước thải toàn tỉnh.
Với những quy định mới về BVMT cùng với những giải pháp đồng bộ mà Bình Dương đang triển khai chúng ta hy vọng rằng những vấn đề môi trường còn tồn tại sẽ được khắc phục trong thời gian tới. Điều này cũng góp phần đảm bảo cho sự phát triển bền vững của tỉnh Bình Dương.▲
Thanh Minh