Pháp luật về doanh nghiệp xã hội
b. Chủ nhiệm đề tài: Nguyễn Thị Trúc Phương
c. Tên cơ quan đi học: UBND phường Phú Lợi
d. Tên Viện - trường thực hiện luận văn: Trường Đại học Trà Vinh
e. Mục tiêu nghiên cứu:
Tìm hiểu, phân tích, làm rõ một số quy định của pháp luật về DNXH, những kết quả, hạn chế trong hoạt động của DNXH ở Việt Nam trong những năm qua; đề xuất một số giải pháp để tháo gỡ những hạn chế, khó khăn, bất cập để thúc đẩy phát triển DNXH ở Việt Nam
f. Kết quả thực hiện (tóm tắt):
Trong phần cơ sở lý luận cho thấy, trong nền kinh tế thị trường đang chuyển đổi ở nước ta, sự công nhận chính thức đối với DNXH trong Luật Doanh nghiệp năm 2014 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2015, điều này có ý nghĩa rất quan trọng, đã góp phần tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho quá trình nhận diện, đánh giá, vận hành DNXH, thúc đẩy sự phát triển bền vững của mô hình này.
Một trong những điểm mới nổi bật của Luật Doanh nghiệp năm 2014 là sự công nhận và khuyến khích phát triển của Nhà nước đối với một mô hình doanh nghiệp mới đó là DNXH. Có thể nói, DNXH chứa đựng sự linh hoạt, sáng tạo, phục vụ các lợi ích xã hội bằng lợi nhuận của chính doanh nghiệp, góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước và phù hợp với cộng đồng, đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Với vai trò to lớn của các DNXH trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước hiện nay, việc khuyến khích thành lập các DNXH đang là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Sự phát triển của các doanh nghiệp này sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội theo hướng văn minh, tiến bộ, phù hợp với định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, sự phát triển DNXH ở Việt Nam còn nhiều hạn chế.
Trong phần thực trạng cho thấy, Luật Doanh nghiệp năm 2014 và Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định ba điều kiện DNXH cần đáp ứng: thứ nhất, đăng ký là doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp; thứ hai, có mục tiêu xã hội, môi trường rõ ràng; thứ ba, cam kết tái đầu tư ít nhất 51% lợi nhuận phục vụ mục tiêu xã hội, môi trường đã đăng ký. Nghị định 96/2015/NĐ-CP cũng đã đưa ra một số chính sách khuyến khích phát triển khu vực này.
Cụ thể là nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thành lập DNXH có mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng; DNXH được hưởng các ưu đãi và hỗ trợ đầu tư theo quy định của pháp luật; DNXH được tiếp nhận viện trợ Chính phủ nước ngoài để thực hiện các mục tiêu giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên theo quan sát, hiện chưa có chính sách cụ thể nào để phát triển riêng cho khu vực DNXH được đưa vào thực hiện.
DNXH được thành lập theo trình tự thủ tục, có quyền và nghĩa nghĩa vụ cơ bản như doanh nghiệp thông thường, nhưng có vị trí đặc biệt trong nền kinh tế, đó là đóng vai trò thực hiện các mục tiêu xã hội, môi trường, nhưng vẫn phải cạnh tranh với những doanh nghiệp thông thường khác. Do đó, nếu các chủ thể thành lập theo hình thức các tổ chức xã hội, họ gặp khó khăn trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh, nhưng nếu thành lập theo Luật Doanh nghiệp năm 2014, Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì họ cũng không có ưu đãi trong việc thực hiện các mục tiêu xã hội. Ngoài ra, DNXH còn gặp khó khăn trong vận hành phát triển.
Tuy nhiên, số lượng các dự án được duyệt cấp vốn là quá nhỏ so với số lượng các dự án xã hội cần được cấp vốn; Các Doanh nghiệp thiếu vốn và nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn tài chính, do thiếu những chính sách hỗ trợ từ Nhà nước: Nguồn tài chính gồm vốn khởi sự doanh nghiệp và vốn phát triển doanh nghiệp. Các DNXH Việt Nam còn khá non trẻ, được thành lập chủ yếu từ ý tưởng mang tính cá nhân, có sứ mệnh phục vụ xã hội nên vốn đầu tư ban đầu thường là vốn tự góp của các thành viên sáng lập với quy mô nhỏ DNXH có đặc thù không vì mục tiêu lợi nhuận, hoạt động trong những lĩnh vực rủi ro cao, lợi nhuận thấp nên không hấp dẫn các nhà đầu tư thương mại. Do đó, khả năng tiếp cận, huy động các nguồn vốn đầu tư thương mại của các doanh nghiệp này rất hạn chế.
Các DNXH rất khó huy động nguồn vốn vay ngân hàng vì một số lý do như không có tài sản, nhà xưởng thế chấp do phần lớn DNXH hoạt động ở quy mô nhỏ; lãi suất cho vay của ngân hàng cao hơn nhiều khả năng sinh lời của DNXH; thời gian hoàn vốn kéo dài hơn các dự án thông thường.
Thêm vào đó, DNXH rất khó thu hút đầu tư của những người có mục tiêu góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, vì bị nghi ngờ là các doanh nghiệp trá hình. Trong khi đó, đầu tư cho các DNXH hiện chưa được hưởng ưu đãi về thuế của nhà nước. Có thể nói, khung pháp lý chưa đầy đủ, sự hạn chế về nguồn vốn… đang làm ảnh hưởng không nhỏ tới tính bền vững, khả năng duy trì tác động tích cực đối với cộng đồng của các DNXH.
g. Năm tốt nghiệp: 2020