Phát triển giao thông vận tải tỉnh Bình Dương
b. Chủ nhiệm đề tài: Nguyễn Thị Minh Trang
c. Tên cơ quan đi học: Trường THPT Trần Văn Ơn
d. Tên Viện - trường thực hiện luận văn: Trường Đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh
e. Mục tiêu nghiên cứu:
Tổng quan những vấn đề về lí luận và thực tiễn phát triển ngành giao thông vận tải để vận dụng nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng, thực trạng phát triển giao thông vận tải và đưa ra một số định hướng, giải pháp cho ngành giao thông vận tải tỉnh Bình Dương trong thời gian tới nhằm tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
f. Kết quả thực hiện (tóm tắt):
Bình Dương là tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, được xem là vùng kinh tế phát triển năng động nhất của nước ta hiện nay. Là tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, sự phát triển vượt trội về công nghiệp, cũng là địa phương thu hút đầu tư nước ngoài rất lớn. Góp phần vào thành công đó là nhờ hệ thống giao thông vận tải của tỉnh được đầu tư và phát triển tương đối đồng bộ. Đặc biệt là hệ thống đường sông và đường bộ.
Chính vì vậy, tác giả Nguyễn Thị Minh Trang đã thực hiện luận văn tốt nghiệp thạc sĩ vào năm 2020 với mục tiêu tổng quan những vấn đề về lí luận và thực tiễn phát triển ngành giao thông vận tải để vận dụng nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng, thực trạng phát triển giao thông vận tải và đưa ra một số định hướng, giải pháp cho ngành giao thông vận tải tỉnh Bình Dương trong thời gian tới nhằm tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Để đạt được mục tiêu đã đề ra, tác giả đã tổng quan cơ sở lí luận và thực tiễn về ngành giao thông vận tải; thu thập, thống kê, tổng hợp các tài liệu có liên quan; đánh giá các nhân tố ảnh hưởng đến phân bố và phát triển giao thông vận tải tỉnh Bình Dương; phân tích thực trạng phát triển giao thông vận tải tỉnh Bình Dương; đề xuất một số giải pháp phát triển giao thông vận tải tỉnh Bình Dương trong tương lai.
Kết quả, tác giả đã đề xuất một số giải pháp như về cơ chế chính sách, cần có sự phối hợp giữa các ban, ngành chức năng; phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông vận tải; triển khai áp dụng khoa học – công nghệ vào các quy trình, quy phạm trong xây dựng và quản lí bảo dưỡng các công trình giao thông; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; bảo vệ môi trường; đảm bảo trật tự, an toàn giao thông; Thu hút và sử dụng vốn đầu tư; phát triển giao thông nông thôn.
Có thể thấy hiện nay, Bình Dương với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội vượt bật, đã tạo ra nhiều thuận lợi cho các ngành, các lĩnh vực có điều kiện thực hiện các quy hoạch đã đề ra, trong đó có cả ngành GTVT. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các dự án quy hoạch cũng gặp một số khó khăn. Thông qua đề tài, tác giả đã đề xuất những giải pháp mang lại hiệu quả cao, dựa trên cơ sở pháp luật, quy định của nhà nước, các chính sách của tỉnh và đặc biệt là phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh Bình Dương trong từng giai đoạn cụ thể.
Đề tài không chỉ tổng quan, kế thừa cơ sở lí luận và thực tiễn về ngành GTVT; phân tích làm rõ được các nhân tố ảnh hưởng đến sự phân bố, hiện trạng phát triển của ngành GTVT tỉnh Bình Dương dưới góc nhìn địa lí học, mà còn đề xuất những giải pháp phù hợp với tình hình thực tế tỉnh Bình Dương nhằm khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên và phát triển GTVT Bình Dương bền vững trong tương lai, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
g. Năm tốt nghiệp: 2020