Phát triển khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội
Đây được coi là nhiệm vụ trọng tâm của ngành khoa học và công nghệ (KH&CN) tỉnh trong giai đoạn 2016 - 2020, để cùng với các ngành khác trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) chung của tỉnh, ngành KH&CN đã triển khai, xây dựng các kế hoạch, chương trình và đề án gắn với từng lĩnh vực, ngành nghề.
Đổi mới, áp dụng KH&CN
Theo Sở KH&CN, hiện nay khó khăn, vướng mắc trong hoạt động KH&CN phục vụ phát triển KT-XH chủ yếu là sự kết hợp giữa doanh nghiệp, cơ quan quản lý và nhà khoa học, tổ chức chuyển giao công nghệ còn hạn chế. Việc nghiên cứu - triển khai (R&D), cải tiến, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn và chưa được doanh nghiệp quan tâm đúng mức do thiếu thông tin về thị trường, công nghệ, nguồn vốn…
Do đó, để đẩy mạnh hoạt động KH&CN vào phục vụ phát triển KT-XH, trong giai đoạn 2016 - 2020, ngành KH&CN sẽ tập trung thu hút mạnh nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, chú trọng nguồn vốn đầu tư từ các doanh nghiệp trong nước, tạo bước đột phá trong phát triển công nghiệp và dịch vụ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tiếp tục phát triển dịch vụ chất lượng cao phục vụ phát triển công nghiệp và đô thị tỉnh Bình Dương, tạo bước phát triển đột phá ở những dịch vụ có lợi thế so sánh, tiềm năng lớn, sức lan tỏa mạnh, giá trị gia tăng cao, các dịch vụ có hàm lượng tri thức, công nghệ cao…
Hệ thống máy CNC của công ty Cổ phần Hữu Toàn (TX Thuận An)
Ông Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc Sở KH&CN cho biết, để nâng cao vai trò KH&CN trong phát triển KT-XH, ngành KH&CN còn xây dựng hệ thống quảng bá, giới thiệu tiềm năng của tỉnh và điều chỉnh mục tiêu thu hút đầu tư tập trung vào lĩnh vực thương mại dịch vụ, các dự án phát triển đô thị, dự án nông nghiệp kỹ thuật cao, nông nghiệp đô thị. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học - kỹ thuật và đội ngũ công nhân lao động đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trong từng giai đoạn.
Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo
Cùng với các chương trình đổi mới công nghệ, thu hút đầu tư vào KH&CN thì tỉnh cũng tập trung hoạt động đổi mới sáng tạo, xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đây được coi là một trong những “chiến lược” trong việc xây dựng thành phố thông minh của tỉnh với mục tiêu chính là xây dựng mô hình liên kết ba nhà (nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp) để chuyển đổi sang nền kinh tế sản xuất kỹ thuật tiên tiến.
Nhằm cụ thể hóa Chương trình số 22-CTr-TU ngày 15/8/2016 của Tỉnh ủy về “Phát triển đô thị theo hướng văn minh, giàu đẹp và nâng cao chất lượng sống của nhân dân”, ngày 21/11/2016, UBND tỉnh đã phê duyệt Chương trình chiến lược đột phá của Bình Dương đến 2021 (Binh Duong Navigator 2021) và là trọng điểm của dự án Thành phố thông minh Bình Dương. Mô hình này tập trung vào sự hợp tác chặt chẽ giữa ba nhà hướng tới đô thị thông minh. Thông qua Chương trình này, trong giai đoạn đầu tỉnh sẽ tập trung thiết lập, hỗ trợ thiết lập không gian sáng tạo dưới hình thức “Trung tâm sáng kiến; triển khai thực hiện các hoạt động, dịch vụ hỗ trợ thực hiện các chương trình, khóa đào tạo, huấn luyện khởi nghiệp; hỗ trợ, tài trợ vốn cho các dự án khởi nghiệp và hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động và các cơ sở vườn ươm tạo công nghệ, doanh nghiệp KH&CN.
Qua hình thức “Trung tâm sáng kiến” sẽ tạo không gian sẵn có, điều kiện về mặt bằng, cơ sở vật chất, hạ tầng thông tin để thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo trong xã hội và trước mắt tập trung vào cộng đồng sinh viên của các trường đại học trên địa bàn tỉnh. Mô hình này đang được thử nghiệm tại trường Đại học Quốc tế miền Đông với sự hợp tác của Công ty BOSH, PHILIPS”, ông Cường cho biết.
Về vấn đề này, trong hội nghị tổng kết hoạt động ngành KH&CN năm 2016, ông Đặng Minh Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị Sở KH&CN cần chú ý đến hoạt động khởi nghiệp. Ngoài việc hỗ trợ các doanh nghiệp được tiếp cận với các chính sách, nguồn vốn để tạo điều kiện phát triển KH&CN, thì cần có những chính sách cho hoạt động khởi nghiệp, sáng tạo. Trong việc triển khai các nội dung Đề án xây dựng thành phố thông minh của tỉnh thì cần chú ý việc phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Hải Sư