Quy hoạch vùng chuyên canh cây có múi theo tiêu chuẩn VietGAP: Từng bước xây dựng thương hiệu nông sản Bình Dương
Một trong những tiêu chí có thể nói là "khắt khe" của VietGAP, đó là việc bảo đảm không ảnh hưởng môi trường và sức khoẻ cộng đồng. Về vấn đề này, ông Huỳnh Hữu Tấn, cán bộ kỹ thuật Trạm BVTV Tân Uyên - Bắc Tân Uyên cho biết, trong quá trình sản xuất nông nghiệp có thể gây ảnh hưởng đến môi trường khi bà con trong quá trình chăm sóc cây trồng, vật nuôi không tuân thủ các nguyên tắc về sử dụng thuốc BVTV, thuốc kích thích tăng trưởng, các loại phân bón hóa học, vấn đề xử lý phụ phẩm, chất thải...
Với mục đích hình thành vùng chuyên canh cây ăn quả có múi ở xã Hiếu Liêm (huyện Bắc Tân Uyên), Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt dự án "Hỗ trợ sản xuất phát triển vùng cây ăn quả có múi tại xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương". Dự kiến trong 04 năm (2014 - 2017) sẽ có 12 ha cây bưởi da xanh, cam và quýt đường đạt tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP).
Chuyển đổi mô hình
Nội dung chính của dự án chú trọng vào việc xây dựng mô hình 12 ha cây có múi theo tiêu chuẩn VietGAP, trong đó trồng mới 07 ha cây có múi (cam, quýt, bưởi) và 05 ha thâm canh cây cam, từ đó làm cơ sở cho việc quy hoạch vùng chuyên canh cây có múi và từng bước nhân rộng mô hình tại địa phương và các vùng lân cận.
Mô hình trồng quýt đường theo Tiêu chuẩn VietGap của anh Trần Đức Việt (ấp Cây Dâu, Hiếu Liêm)
Bà Nguyễn Thị Hưng, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) cho biết, "Các hộ tham gia dự án sẽ được hỗ trợ 100% chi phí giống, 50% chi phí vật tư (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...), hướng dẫn quy trình thực hành trồng cây có múi theo tiêu chuẩn VietGAP như chọn giống, bón phân, sử dụng thuốc BVTV, xử lý các sâu bệnh trên cây có múi và các kỹ thuật trồng, chăm sóc..."
Anh Trần Đức Việt (ấp Cây Dâu, xã Hiếu Liêm), hộ tham gia dự án nói, "Đây có thể nói là cách trồng cây có múi mới, khác với cách trồng theo hướng truyền thống. Từ khi thực hiện quy trình VietGAP vào 01 ha cây quýt đường của gia đình, thì thấy được cây khoẻ hơn, ít sâu bệnh và chi phí chăm sóc giảm hơn so với cách trồng cũ. Với việc ghi chép nhật ký sản xuất hằng ngày đã giúp cho việc kiểm tra, theo dõi được tình hình phát triển của cây để điều chỉnh lượng phân bón, thuốc BVTV phù hợp theo đúng thời gian".
Cán bộ tham gia dự án tham quan mô hình trồng quýt đường theo tiêu chuẩn VietGap của anh Trần Đức Việt
"Tuy mới triển khai bước đầu, nhưng đã thấy được kết quả khả quan từ mô hình trồng cây ăn quả có múi theo chuẩn VietGap, đây cũng là cơ sở để xây dựng vùng chuyên canh cây có múi đạt tiêu chuẩn không chỉ của xã mà còn của tỉnh và từng bước xây dựng thương hiệu cây ăn trái Hiếu Liêm. Trong thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ khuyến khích thêm nhiều hộ tham gia sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để mở rộng diện tích", ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hiếu Liêm nói.
Thân thiện với môi trường
Một trong những tiêu chí có thể nói là "khắt khe" của VietGAP, đó là việc bảo đảm không ảnh hưởng môi trường và sức khoẻ cộng đồng. Về vấn đề này, ông Huỳnh Hữu Tấn, cán bộ kỹ thuật Trạm BVTV Tân Uyên - Bắc Tân Uyên cho biết, trong quá trình sản xuất nông nghiệp có thể gây ảnh hưởng đến môi trường khi bà con trong quá trình chăm sóc cây trồng, vật nuôi không tuân thủ các nguyên tắc về sử dụng thuốc BVTV, thuốc kích thích tăng trưởng, các loại phân bón hóa học, vấn đề xử lý phụ phẩm, chất thải... Do vậy, khi áp dụng VietGAP vào sản xuất cây có múi thì việc sử dụng phân bón, thuốc BVTV phải tuân thủ theo 4 nguyên tắc "đúng thuốc", "đúng lúc", "đúng nồng độ và liều lượng" và "đúng cách".
"Qua các buổi tập huấn, đã giúp tôi hiểu rõ được tầm quan trọng của việc áp dụng VietGAP trong sản xuất, không chỉ lợi ích trước mắt mà còn lâu dài về sau. Vì vậy, trong quá trình chăm bón tôi ưu tiên dùng các loại phân bón hữu cơ, hữu cơ sinh học. Số lần phun thuốc phòng trừ các loại sâu bệnh cũng giảm, chỉ từ 2 - 3 lần/đợt, điều này vừa bảo vệ sức khoẻ của người sản xuất vừa bảo vệ môi trường", anh Việt chia sẻ.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì các hộ tham gia dự án đều quan tâm, học hỏi cách sản xuất mới này và đều thực hiện tốt các quy trình sản xuất theo VietGAP và đảm bảo an toàn ở tất cả các khâu từ chuẩn bị làm đất đến bảo quản sau thu hoạch, thông qua 4 tiêu chuẩn: Kỹ thuật sản xuất, an toàn thực phẩm, môi trường làm việc và truy nguyên nguồn gốc. Bên cạnh đó, các hộ cũng quan tâm đến việc xử lý, thu gom, tiêu hủy bao bì, phế phẩm thuốc BVTV để giảm ô nhiễm môi trường.
Tham gia dự án có 08 hộ tại xã Hiếu Liêm, trong đó có 06 hộ trồng mới với diện tích 07 ha (bưởi da xanh, cam sành, cam xoàn, quýt đường) và 02 hộ thâm canh với diện tích 05 ha (cam sành). Tính đến nay, đã hỗ trợ trồng mới 03 ha cam năm thứ 01 và hỗ trợ vật tư cho mô hình 04 ha (thực hiện trong năm 2014) và mô hình thâm canh 05 ha cam đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Tham gia dự án có 08 hộ tại xã Hiếu Liêm, trong đó có 06 hộ trồng mới với diện tích 07 ha (bưởi da xanh, cam sành, cam xoàn, quýt đường) và 02 hộ thâm canh với diện tích 05 ha (cam sành). Tính đến nay, đã hỗ trợ trồng mới 03 ha cam năm thứ 01 và hỗ trợ vật tư cho mô hình 04 ha (thực hiện trong năm 2014) và mô hình thâm canh 05 ha cam đạt tiêu chuẩn VietGAP. |
Hải Sư