Thị xã Thuận An: Kết quả thực hiện công tác khoa học công nghệ giai đoạn 2011 - 2015, 6 tháng đầu năm năm 2016
Kết quả hoạt động khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2015: Trong các năm qua, trên địa bàn thị xã Thuận An nhiều tiến bộ khoa học - kỹ thuật được áp dụng vào trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thông qua các chương trình khuyến nông, khuyến công, mô hình chuyển giao kỹ thuật tiến bộ, điểm trình diễn kỹ thuật, câu lạc bộ khuyến nông. Qua đó, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, cải thiện đời sống kinh tế - xã hội địa phương. Điển hình một số mô hình như: Trồng rau thủy canh tại phường Hưng Định; điều tra an toàn thực phẩm tại các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn thị xã Thuận An; xây dựng, quản lý nhãn hiệu tập thể Măng cụt Lái Thiêu và một số mô hình nông nghiệp đô thị chuyển giao giống mới… Hầu hết, các mô hình đều có khả năng giúp nông dân ứng dụng vào sản xuất và mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.
Hội đồng khoa học và công nghệ thị xã đã tổ chức đánh giá nghiệm thu các đề tài:
Khảo sát và đề xuất biện pháp đảm bảo An toàn thực phẩm cho các trường mầm non và tiểu học trên địa bàn thị xã Thuận An; Nghiên cứu, xây dựng và chuyển giao khu canh tác rau sạch thương phẩm bằng kỹ thuật thủy canh hồi lưu.
Công tác ứng dụng khoa học và công nghệ:
Hầu hết trên 10 xã, phường trong thị xã đã ứng dụng phần mềm quản lý hộ tịch; ứng dụng giống mới trong kỹ thuật trồng Lan cắt cành; kỹ thuật và giống mới nuôi cá kiểng và giống mới nuôi cá Dĩa bông xanh; ứng dụng chế phẩm sinh học WEGH kết hợp với phytoxin và nấm Trichoderma để giảm 50% lượng phân hóa học trên các cây trồng ngắn ngày, dài ngày. Ngoài ra còn ứng dụng các chế phẩm BT 32, BT 36 phòng trừ sâu bệnh hại trên cây trồng. Tổ chức các lớp tập huấn: Mô hình nông nghiệp đô thị tại các phường Bình Chuẩn, Thuận Giao, phường Lái Thiêu, Thuận Giao, Vĩnh Phú, An Phú.
Triển khai đến các ban ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân dân các xã, phường, các Viện, cơ quan nghiên cứu khoa học… về việc đăng ký đề tài khoa học có thể ứng dụng trong ngành, địa phương. Qua triển khai, các Viện trường đã đăng ký thực hiện 02 đề tài: “Xây dựng hệ thống giám sát và cảnh báo ngập úng khu vực ven sông Sài Gòn thuộc thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương” và “Hoàn thiện thiết kế mô hình công nghệ hợp khối xử lý nước nhiễm phèn công suất 200m3/ ngày tại xã An Sơn, thị xã Thuận An”.
Kết quả, dự án Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể (NHTT) “Măng cụt Lái Thiêu” thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương do Phòng Quản lý Sở hữu trí tuệ - Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh chủ trì thực hiện đã xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu nộp hồ sơ đăng ký; xây dựng mô hình quản lý, khai thác và phát triển NHTT măng cụt Lái Thiêu; xây dựng khung tiêu chuẩn chất lượng cho măng cụt Lái Thiêu, triển khai một số hoạt động quảng cáo truyền thông, phân tích tiêu chuẩn chất lượng măng cụt Lái Thiêu hỗ trợ cho 19 thành viên đăng ký sử dụng nhãn hiệu tập thể măng cụt Lái Thiêu với 40.000 tem, trên 1.000 tờ bướm và cuốn cẩm nang qua các đợt Lễ hội mùa trái chín.
Dự án Đầu tư cải tạo và nâng cao hiệu quả vườn cây ăn quả khu vực 06 xã, phường ven sông Sài Gòn huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương do Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tỉnh làm chủ đầu tư đã thực hiện 05 mô hình như: Tỉa cành tạo tán; bón phân và kỹ thuật bón phân; bảo vệ thực vật; mật độ; trồng mới trên 30 điểm vườn với quy mô diện tích 11,8 ha.
Ứng dụng rộng rãi các công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi (công nghệ khí sinh học, công nghệ Dewats, chế phẩm sinh học), nhằm giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi tốt (VietGAP) trong chăn nuôi lợn, gia cầm, bò thịt để tạo ra sản phẩm chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; ứng dụng và phát triển công nghệ xử lý môi trường bằng các chế phẩm vi sinh trong nuôi trồng thủy sản; Ứng dụng rộng rãi sản phẩm của công nghệ sinh học (Tets chẩn đoán nhanh), công nghệ nuôi cấy tế bào (Vắc xin) trong chẩn đoán, phòng trị một số bệnh nguy hiểm cho đàn vật nuôi như: Cúm gia cầm, lở mồm long móng gia súc, tai xanh ở lợn, dịch tả lợn...
Triển khai thực hiện các điểm nghiên cứu đồng ruộng như: Mô hình thử nghiệm chất kích thích tính kháng để phòng bệnh trên cây khổ qua và mô hình nghiên cứu sử dụng phân hữu cơ sinh học và phân hữu cơ vi sinh trên cây dưa leo, khổ qua, đậu đũa, bí đao, dưa hấu, cà pháo. Tăng khả năng chống chịu sâu, bệnh, bảo đảm năng suất cây trồng và nông sản sau thu hoạch; nghiên cứu biện pháp phòng trừ bệnh loét do vi khuẩn trên thân, lá đặc biệt trên trái gây hại trên cây có múi, lấy cây hạnh đang nhiễm bệnh làm điểm học tập; sản xuất rau an toàn theo hướng hữu cơ, giảm dần tác động hóa học, lưu ý tạo sức đề kháng, chống chịu thời tiết bất lợi và sâu bệnh gây hại trên cây khổ qua, dưa leo và đậu đũa.
Sử dụng phân chuồng đã ủ hoai mục với chế phẩm nấm đối kháng (Trico ĐHT = Trico Đại học Cần Thơ), phân hữu cơ sinh học thế hệ mới WEHG, phân lân, phân kali, bón bổ sung phân bón ba lá xanh 16-16-8 qua lá, chất điều hòa sinh trưởng có nguồn gốc thực vật Comcat; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học như nhóm Abamectin, Emamectin hoặc nhóm thuốc trừ sâu, bệnh thế hệ mới như Trigard, Actara, Score, Physan, thời gian cách ly rất ngắn, sản phẩm rau và trái cây bảo đảm an toàn.
Nghiên cứu sử dụng chế phẩm sinh học TNC-FISH 6-2-2 và TNC HUME kết hợp với phân chuồng ủ hoai và thuốc trừ bệnh Ridomil để phòng trừ bệnh phấn trắng bệnh thán thư và sương mai trên cây đậu đũa, khổ qua, dưa leo; sử dụng nấm Trichoderma kết hợp với phân chuồng hoai và phân bón hữu cơ sinh học WEHG giảm dần 50% hóa học, Micro Tech, TNC 3-18-18 và Acromic, hạn chế nhóm chích hút trên cây rau ăn quả: Khổ qua, dưa leo, đậu đũa, mướp hương; sử dụng chế phẩm sinh học nấm xanh METARHIZIUM kết hợp phân chuồng ủ hoai để hạn chế sâu ăn lá trên cây rau má.
Mô hình xử lý lục bình bằng chế phẩm sinh học Nano - GroTM kết hợp với phân hóa học để bón cho cây ăn trái. Sử dụng Nano trong sử dụng phân hủy cây lục bình để làm phân bón với quy mô 200m2; triển khai thành công việc sử dụng Biogas xử lý chất thải chăn nuôi và bảo vệ môi trường nông thôn. Các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ vi sinh trong xử lý nước thải.
Phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ, Viện cây ăn quả miền Nam xây dựng và triển khai các dự án nghiên cứu, chuyển giao khoa học, công nghệ vào nông nghiệp, tập trung vào các chương trình bảo tồn nguồn gen trên cây Măng cụt, Sầu riêng, ứng dụng công nghệ phân bón, đã chọn được 06 vườn măng cụt đạt yêu cầu để nghiên cứu theo dõi bảo tồn gen. Ứng dụng các kỹ thuật mới vào sản xuất như: Sử dụng giống mới (bắp cải tím, cà chua rau, đậu Hà Lan, cải ngọt, cải xanh, dưa chuột Đài Loan, Bí đỏ F1, Bí xanh...); trồng trong nhà lưới; nhà kính từ đơn giản đến hiện đại. Nghiên cứu và ứng dụng công thức luân canh tiên tiến cho thu nhập cao trên một đơn vị diện tích, ứng dụng các chế phẩm sinh học để hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Thực hiện mô hình trồng thử nghiệm nấm Linh Chi của 01 hộ nông dân xã Bình Nhâm, bước đầu tạo ra những sản phẩm có chất lượng làm cơ sở nhân rộng.
Đăng ký thực hiện 02 đề tài cấp tỉnh năm 2015: Ứng dụng công nghệ ống mềm trên cơ sở vật liệu dệt - polyme làm kết cấu cho các công trình chống ngập úng khu vực ven sông Sài Gòn thuộc thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương; Ứng dụng công nghệ carbon sinh học (Biochar) tái sử dụng phế thải nông nghiệp trên địa bàn thị xã Thuận An.
Bên cạnh đó, thị xã Thuận An còn tổ chức tham quan mô hình trồng rau mầm cho nông dân 10 xã - phường nhằm ứng dụng công nghệ mới trong nông nghiệp đô thị, phù hợp với điều kiện của địa phương và đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng; rà soát các cơ sở sản xuất nhỏ có những mô hình ứng dụng KH&CN, nhằm đúc kết những kinh nghiệm và phổ biến thông tin đổi mới công nghệ như trồng lan, nhà màng trồng rau thủy canh, thiết bị máy móc sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ bằng gỗ… Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức 02 lớp tập huấn chuyên đề xác lập quyền Sở hữu trí tuệ, sở hữu công nghiệp, nhãn hàng hóa… cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh tại phường Thuận Giao và phường An Phú, có tổng số 97 lượt người tham dự. Đồng thời, tham mưu cho Thị ủy Thuận An ban hành Chương trình hành động Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (Nghị quyết số 20-NQ/TW) về Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; tham mưu báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 04/3/2005 của Ban Bí thư “Về việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” trên địa bàn thị xã Thuận An.
Về tiêu chuẩn đo lường chất lượng:
Tổ chức tuyên truyền, tập huấn phổ biến các văn bản về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, quản lý chất lượng hàng hóa đến các cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn; phối hợp kiểm tra chất lượng hàng hóa, ngăn chặn xử lý các tổ chức, cá nhân buôn bán kinh doanh hàng giả, kém chất lượng; phối hợp tổ chức 12 lớp (480 lượt người dự) về tuyên truyền luật pháp và tập huấn nghiệp vụ về tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng cho các doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân đóng trên địa bàn; phối hợp các ngành kiểm tra các hoạt động sản xuất kinh doanh của các cơ sở. Đối với các sản phẩm của nơi khác sản xuất, lưu thông trên địa bàn, chú ý theo dõi phát hiện hàng giả, quá hạn sử dụng hoặc hàng nhái nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời các vi phạm; phối hợp kiểm tra các hoạt động sản xuất kinh doanh của các cơ sở; tổ chức kiểm tra 05 trạm cân đối chứng tại các chợ; tổ chức dán tem cho 250 cân của các cân tiểu thương kinh doanh ở các chợ Trung tâm Lái Thiêu, chợ Búng, Hài Mỹ… Phối hợp kiểm tra công tác quản lý chất lượng TCVN ISO 9001:2008 trên địa bàn; kiểm tra, kiểm định hơn 200 cân lò xo tại các chợ; kiểm tra liên ngành 26 cơ sở kinh doanh vàng, 125 cơ sở kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng.
Về Lĩnh vực Sở hữu trí tuệ:
Tham mưu cho UBND thị xã về xây dựng thương hiệu tập thể “Măng cụt Lái Thiêu”; phối hợp tổ chức 04 lớp tập huấn về quy trình xây dựng, quy chế, logo trái măng cụt để đăng ký nhãn hiệu tập thể “Măng cụt Lái Thiêu” với 167 lượt nông dân vườn cây tham dự; 09 lớp tập huấn phổ biến các quy định của pháp luật về các chuyên đề: Luật sở hữu trí tuệ, xác lập nhãn hiệu tập thể… xác lập quyền đối với các ngành hàng của các công ty, doanh nghiệp, xí nghiệp… trên địa bàn Bình Chuẩn, An Phú, Thuận Giao, An Thạnh và Vĩnh Phú với trên 450 lượt người tham gia và cán bộ phụ trách thương mại, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp thuộc 10 xã, phường trên địa bàn thị xã; 01 lớp tập huấn phổ biến các quy định pháp lý về xác lập quyền đối với các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn với 50 người tham dự là chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh và cán bộ phụ trách thương mại - dịch vụ - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn thị xã; 01 lớp tập huấn phổ biến kiến thức quản lý TCVN ISO 9001: 2008 cho cán bộ phụ trách ISO thuộc các xã, phường...
Kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm 2016
Tổ chức họp Hội đồng Khoa học và Công nghệ tư vấn xét chọn tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện đề tài khoa học và công nghệ. Hội đồng đã thống nhất 02 đề tài dự kiến thực hiện năm 2016 cụ thể: Xây dựng mô hình vườn hoa sinh thái làm cơ sở phát triển làng nghề tại Thuận An phục vụ tham quan du lịch và Đề tài Phát triển cây ăn quả đặc sản gắn với quản lý, sử dụng nhãn hiệu tập thể “Măng cụt Lái Thiêu” ở Thuận An, tỉnh Bình Dương.
Tham dự lễ tổng kết hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bình Dương lần VI năm 2013 - 2015 và phát động hội thi lần VII năm 2015 - 2017; Phối hợp Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh Bình Dương triển khai dán tem kiểm định cho 436 cân lò xo đồng hồ tại chợ Lái Thiêu, chợ Thạnh Bình, chợ Quang Minh và chợ Đồng An.
Triển khai thực hiện Quyết định số 1961/QĐ-UBND ngày 19/4/2016 của UBND thị xã Thuận An về việc điều chuyển tài sản thuộc dự án khoa học kết thúc. Trong nội dung thực hiện dự án có phần mua sắm trang bị phục vụ cho các điểm truy cập thông tin và công nghệ tại Hội nông dân của phường Vĩnh phú, Bình Nhâm, Hưng Định, An Thạnh, An Sơn cụ thể: máy vi tính để bàn (10 bộ), máy in laser (05 cái), router (05 cái), ổ lưu điện (10 cái), ổ cắm điện (10 cái), cáp mạng (50m), phần mềm diệt virus (10 phần mềm), loa máy tính (10 bộ). bộ bàn máy vi tính (10 bộ), ghế ngồi xoay văn phòng (10 cái), tủ đựng hồ sơ (05 cái), bảng tên điểm khoa học và công nghệ (05 cái), đầu gắn dây cáp mạng (20 đầu), đĩa thông tin (500 cái).
Tham mưu báo cáo tổng kết Sơ kết 10 năm (2006 - 2016) thực hiện Nghị quyết số 06 NQ/HND ngày 25/7/2006 của Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về “Đẩy mạnh công tác khoa học và công nghệ của Hội Nông dân Việt Nam góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn”.
Trong thời gian tới, thị xã Thuận An tiếp tục đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, ứng dụng các kết quả nghiên cứu và tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đời sống: Khuyến khích nông dân áp dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật, nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng của cây ăn trái, rau màu, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản… và các sản phẩm xuất khẩu như hoa, kiểng, bonsai… Phát triển một số cơ sở sản xuất nhỏ với công nghệ truyền thống được cải tiến hoặc công nghệ mới thích hợp.
Tập trung chỉ đạo, khuyến khích nhằm phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong sản xuất nông ngư nghiệp, sản xuất tiểu thủ công nghiệp, xây dựng giao thông, thủy lợi; đẩy mạnh phong trào thực hiện và ứng dụng những đề tài, dự án khoa học công nghệ mới phù hợp với định hướng phát triển của thị xã đến các ban ngành, các tổ chức và trong nhân dân; theo dõi thực hiện các đề tài, dự án chuyển tiếp “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể Măng cụt Lái Thiêu”.
Để công tác quản lý về Khoa học và Công nghệ có hiệu quả đề nghị các cấp có thẩm quyền hướng dẫn định hướng, xây dựng và quản lý đề tài, dự án và tạo điều kiện thường xuyên giao lưu với các cán bộ chuyên trách quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ ở các huyện, thị, thành phố trong và ngoài tỉnh để học hỏi và trao đổi kinh nghiệm.▲
Trương Công Thạch - Phòng Kinh tế thị xã Thuận An