Thực trạng khôi phục vườn cây ăn trái trong thời gian qua và các giải pháp đẩy mạnh phát triển dịch vụ du lịch sinh thái miệt vườn cây Lái Thiêu
Thực trạng khôi phục vườn cây ăn trái trong thời gian qua
Thị xã Thuận An có 6 xã, phường nằm ven sông Sài Gòn với chiều dài hơn 14 km từ phường Vĩnh Phú đến xã An Sơn, với một hệ thống kênh rạch dài hơn 56.000 m, với diện tích vườn cây ăn trái là 1.188 ha. Từ lâu, Thị xã đã nổi tiếng là nơi có nhiều loại trái cây đặc sản, nhiều hương vị đã làm cho du khách nhớ mãi vườn trái cây Lái Thiêu.
Thế nhưng, trong những giai đoạn trước 2000, vườn cây ăn trái đã có biểu hiện sụt giảm về năng suất, chất lượng, mất mùa. Du khách cũng giảm dần… Do rất nhiều nguyên nhân, đã làm cho đời sống người nông dân khu vực vườn cây chưa được cải thiện đáng kể, thu nhập giảm, người dân cũng ngại đầu tư vào vườn cây.
Trước tình hình trên, Tỉnh, Thị xã đều đã có chủ trương cho nghiên cứu tìm biện pháp để cải tạo, nâng cao năng suất, chất lượng vườn cây để giữ được vườn cây và tăng thu nhập cho nông dân với các dự án như:
Năm 2003 triển khai dự án Nghiên cứu xác định nguyên nhân gây chết cây măng cụt và sầu riêng tại khu vực xã An Sơn, Hưng Định huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương và đề xuất các biện pháp khắc phục do Trường Đại học Khoa học Tự nhiên chủ trì thực hiện. Sau đó, năm 2007, UBND tỉnh Bình Dương ban hành Quyết định 106/QĐ-UBND hỗ trợ phân bón phục hồi vườn cây giai đoạn 2008 - 2012 với sự tham gia của 1.240 hộ nông dân, diện tích 429 ha với kinh phí 6 tỷ đồng và Quyết định số 45/2012/QĐ-UBND quy định một số chính sách hỗ trợ giữ và phát triển vườn cây ăn quả đặc sản tỉnh Bình Dương giai đoạn 2013 - 2016 đã có 1.957 hộ với diện tích 547,71 ha, tổng kinh phí 17.021.127.192 đồng. Ngoài ra, hực hiện đã hỗ trợ cho 3 hộ với 346 cây giống Măng cụt với tiền hỗ trợ là 10.380.000 đồng. Quyết định 63/QĐ-UBND ngày 20/12/2016 Ban hành về chính sách hỗ trợ giữ và phát triển vườn cây ăn quả đặc sản tỉnh Bình Dương giai đoạn 2017 - 2021 với 1691 hộ với diện tích 417 ha, kinh phí hỗ trợ từ năm 2017- 2019 gần 8,5 tỷ đồng
Tăng cường đẩy mạnh việc ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ, tập trung vào các chương trình ứng dụng công nghệ phân bón, phát triển giống cây trồng, tổ chức 68 lớp tập huấn có 3.060 lượt người tham dự về các chuyên đề chăm sóc, cải tạo vườn cây. Tổ chức 4 chuyến tham quan các tỉnh miền Tây các mô hình mới về chăm sóc cây ăn trái có 160 nông dân tham gia.
Xây dựng thương hiệu cây ăn trái Lái Thiêu với dự án “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể Măng cụt Lái Thiêu” theo tiêu chuẩn đặc thù của vùng cây ăn trái ven sông Sài Gòn. Thành lập các câu lạc bộ chăm sóc cây ăn trái chất lượng cao.
Và trong các năm qua, ngành nông nghiệp cũng đã thực hiện được một số việc như: điều tra tình hình cơ bản, sản xuất cây ăn trái đặc sản, phân tích đất, nước, xây dựng các công thức bón phân và chọn một số hộ nông dân làm điểm để áp dụng quy trình kỹ thuật chăm sóc vườn cây như bón phân, bảo vệ thực vật, sử dụng các hóa phẩm kích thích sinh trưởng và áp dụng các kết quả nghiên cứu tính thích nghi của từng loại, giống cây và có khuyến cáo hàng năm cho nông dân biết để chọn lựa giống loại cây trồng cho phù hợp.
Chủ động tiêu thoát nước là điều kiện quyết định đến việc tồn tại và phát triển của vườn cây, tổ chức thi công nạo vét kênh rạch các xã, phường vùng ven sông. Đây cũng là điều kiện để thực hiện tuyến du lịch bằng đường sông.
Về phần mình, các địa phương hàng năm đều phải có kế hoạch tổ chức huy động lao động các loại để thực hiện việc nạo vét, khai thông dòng chảy, tôn cao bờ bao trong mương vườn, khu vực để chủ động việc tiêu thoát nước, phòng chống ngập lụt…thị xã hổ trợ kinh phí, vật tư thực hiện.
Để thực hiện chủ trương của Tỉnh, với mong muốn bảo tồn được ưu thế vườn cây đặc sản Lái Thiêu và tăng thu nhập cho người dân sống ở miệt vườn. Chúng tôi xin đề xuất giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng vườn cây, gắn liền với du lịch sinh thái với các yếu tố thuận lợi Thiết kế mẩu du lịch vườn phù hợp với các điều kiện hiện tại có tính đến sự phát triển trong tương lai. Phải xác định được các tuyến, điểm du lịch để quy hoạch được đồng bộ.
Đề xuất giải pháp đẩy mạnh phát triển dịch vụ du lịch sinh thái miệt vườn Lái Thiêu
Giải pháp nâng cấp
Kkhuyến khích các cơ sở đầu tư theo hướng phục vụ từng đối tượng du khách như: khách nghỉ dưỡng, nghỉ cuối tuần, hội thảo, du lịch phục vụ các đoàn yêu cầu chất lượng cao, hoặc du lịch thể thao, giải trí, sông nước… nhằm từng bước phục vụ chuyên sâu. Phối hợp đồng bộ giữa địa phương với các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác quy hoạch, định hướng và xác định hiệu quả của các loại hình du lịch đồng thời có sự liên kết giữa các doanh nghiệp lữ hành với các điểm du lịch miệt vườn trong việc hoạch định các phương án kinh doanh theo từng đối tượng và thị trường khách du lịch.
* Chú trọng phát triển du lịch gắn với các vườn cây trái
Quy hoạch các khu, các tuyến du lịch với chủng loại cây trái chất lượng, phù hợp với thổ nhưỡng, đảm bảo nhu cầu tiêu thụ tại chỗ cho du khách và làm quà lưu niệm có chất lượng có thể được đánh giá qua đăng ký nhãn hiệu tập thể « Măng cụt Lái Thiêu » hoặc sản phẩm đặc trưng cho khu vực. Do đó việc tư vấn cho các nhà quản lý các điểm du lịch chọn và trồng các loại cây trái theo mùa để mỗi điểm vườn du lịch đều có trái cây quanh năm phục vụ du khách. Hướng tới cần thiết phải thông qua hiệp hội du lịch vườn hoặc liên kết với địa phương và ngành nông nghiệp tư vấn tốt các yêu cầu trên, đảm bảo các loại cây luân phiên cho trái quanh năm.
* Xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật
Nâng cấp, xây dựng các tuyến đường chính (đường thuỷ, đường bộ) dẫn vào các điểm du lịch vườn đang hoạt động, khu du lịch miệt vườn đã và đang quy hoạch. Thực hiện việc nạo vét kênh mương theo định kỳ phục vụ khách du lịch đường thuỷ. Cơ sở lưu trú cần thiết kế phong phú, đa dạng về loại hình, quy mô và cấp hạng. Việc thiết kế các cơ sở lưu trú phù hợp với cảnh quan tạo nên những nét độc đáo, hấp dẫn để nâng cao hiệu quả kinh tế và hiệu quả đầu tư.
* Bảo vệ môi trường và tôn tạo tài nguyên du lịch
Cần quản lý nguồn rác thải tại các điểm vườn và các điểm tham quan như bố trí thêm các phương tiện thu gom rác, tổ chức thu gom và xử lý rác thải, nước thải trước khi đưa vào môi trường tự nhiên, dành một phần doanh thu từ hoạt động du lịch hỗ trợ công tác bảo vệ môi trường.
Đối với khách du lịch cần tác động đến ý thức bảo vệ môi trường không vứt rác bừa bãi trên sông, trong vườn cây. Đối với chủ các điểm vườn cần tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường, sử dụng phân bón và các loại thuốc bảo vệ thực vật ở một liều lượng cho phép đảm bảo trái cây cung cấp cho du khách phải sạch, cần có hệ thống xử lý nước thải từ các ao nuôi cá trước khi cho đổ ra sông.
Lồng ghép việc tuyên truyền giáo dục về tài nguyên và môi trường du lịch, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho du khách, chủ các điểm vườn cũng như cư dân địa phương thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Tăng cường nhiều tài liệu, tờ rơi về giáo dục môi trường kèm theo các tài liệu về quảng cáo du lịch.
Đa dạng hoá sản phẩm
* Đa dạng hóa tài nguyên du lịch tự nhiên
Xây dựng các điểm di tích văn hóa - các lễ hội, làng nghề truyền thống, du lịch trên kênh rạch, khu bảo tồn và giới thiệu sản phẩm để kết hợp việc lưu giữ các giá trị truyền thống, văn hóa bản địa với việc thu hút du khách đến học tập, tìm hiểu và tham quan.
Đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên chuyên trách để hướng dẫn và đảm bảo có khả năng mang đến cho du khách nhiều thông tin thú vị, thu hút du khách quay lại với vườn cây ăn trái, đồng thời hướng dẫn viên du lịch cũng là người đảm nhận nhiệm vụ “giáo dục môi trường” cho du khách.
* Đa dạng hóa tài nguyên du lịch nhân văn
Có chính sách hỗ trợ và khôi phục phát triển các chương trình du lịch kết hợp với tham quan làng nghề truyền thống. Tổ chức hoạt động lại các lễ hội đặc trưng (như lễ hội mùa trái chín, hoa quả tạo hình...) nhằm quảng bá cho tiềm năng du lịch văn hóa địa phương. Chọn lọc các lễ hội có quy mô lớn mang nét đặc trưng truyền thống lịch sử của địa phương (như Đình An Sơn, Lễ hội chùa Bà, Lễ hội đình Phú Long, Đình Vĩnh Phú, Đình Tân Thới ...).
Các điểm di tích văn hóa lịch sử, vườn cây ăn trái tại khu vực cần được trùng tu và khuyến khích đưa vào các tuyến điểm du lịch của các công ty lữ hành. Mời những người nông dân có kinh nghiệm nhà vườn, am hiểu lịch sử, truyền thống địa phương tham gia và cung cấp thông tin để xây dựng các bài thuyết minh tại các khu di tích.
Kêu gọi đầu tư
Cấn có chính sách kêu gọi đầu tư để có nhiều sản phẩm du lịch chất lượng cao cần phải đầu tư mới, việc đầu tư mới cần phải quy hoạch cụ thể, có dự án với các chính sách khuyến khích đầu tư để kêu gọi các nhà đầu tư vào các dự án du lịch ở nhiều mức độ khác nhau (quy mô nhỏ, trung bình và lớn), có như vậy mới tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ phong phú và đa dạng phục vụ cho nhiều đối tượng du khách khác nhau, tạo thị trường khách rộng hơn, ổn định hơn.
Huy động vốn trong dân thông qua chính sách khuyến khích đầu tư cùng với vận động cộng đồng dân cư phát triển các vệ tinh cho các khu du lịch góp phần chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp và nông thôn.
Đào tạo nguồn nhân lực
Để phục vụ số lượng khách tham quan không ngừng tăng trên địa bàn các xã tại miệt vườn Lái Thiêu, đội ngũ lao động ngành du lịch cũng như tại các điểm vườn cũng cần cũng cố lại.
Bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn hạn cho các cán bộ du lịch, các hướng dẫn viên du lịch, các chủ vườn du lịch kiến thức cơ bản về hệ sinh thái nói chung, hệ sinh thái miệt vườn nói riêng, các loại hình du lịch sinh thái, sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch bền vững, quy hoạch các điểm, khu du lịch, tổ chức quản lý du lịch, marketing du lịch sinh thái, hướng dẫn viên du lịch sinh thái, giáo dục môi trường, nâng cao trình độ ngoại ngữ...
Tăng cường quảng bá về du lịch vườn cây ăn trái Lái Thiêu
Khôi phục “Thương hiệu” miệt vườn Lái Thiêu để bảo vệ những sản phẩm sẵn có, xây dựng hình ảnh Lái Thiêu đến đúng các thị trường và các thị trường mục tiêu:
+ Đa dạng hóa nguồn nhân lực, kết hợp các tác nhân khác nhau trong và ngoài tỉnh để mở rộng các hoạt động và thị trường quảng bá.
+ Đa dạng hóa các kênh quảng bá, nghiên cứu xây dựng, duy trì hoạt động quảng bá tại các website du lịch có thông tin phong phú đáng tin cậy, có sức ảnh hưởng rộng rãi. Tổ chức các hội chợ triển lãm, giới thiệu Lái Thiêu đến các thị trường rộng hơn, các tour du lịch miễn phí v.v....
Tổ chức quản lý du lịch
Xây dựng đội ngũ quản lý chuyên môn trong hoạt động du lịch, đặc biệt là đội ngũ bảo đảm sự công bằng trong quản lý và kiểm định chất lượng các cơ sở kinh doanh du lịch.
Thành lập Tổ hợp tác Du lịch Miệt vườn để tập trung đầu tư vào các sản phẩm du lịch chất lượng cao trong địa phương, nhất là việc phân công phát triển du lịch các ngành nghề trong một số tuyến cụ thể, đồng thời qua đó cũng nâng cao chất lượng ẩm thực, tạo nét độc đáo cho từng điểm du lịch. Liên kết kinh doanh giữa các điểm vườn, tạo cơ hội chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng những nét đặc trưng riêng mỗi điểm vườn và cùng nhau khai thác tiềm năng vốn có tại miệt vườn, góp phần thúc đẩy sự phát triển du lịch tại miệt vườn này.
Với những điều kiện thuận lợi sẵn có, việc thực hiện giải pháp nâng cao năng suất và chất lượng vườn cây gắn với du lịch sinh thái là hết sức cần thiết và có tính khả thi./.
Công Thạch