Thực trạng nguồn nhân lực ngành vi mạch bán dẫn tại Bình Dương
Giới thiệu
Ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn đang ngày càng trở thành trụ cột không thể thiếu trong nền kinh tế toàn cầu, là nền tảng cho sự phát triển của các công nghệ mũi nhọn như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) và công nghệ thông tin. Theo số liệu của Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn SIA doanh số toàn cầu của lĩnh vực bán dẫn vi mạch năm 2023 là trên 520 tỷ USD, với đà tăng trưởng hiện nay, dự kiến năm 2024, doanh thu toàn cầu sẽ đạt 588,4 tỷ USD và dự báo đạt trên 1000 tỷ USD vào năm 2030. Tại Việt Nam, đặc biệt là Bình Dương - nơi được coi là nền kinh tế trọng điểm của khu vực phía Nam nước ta - ngành công nghiệp bán dẫn đang bắt đầu được chú trọng đầu tư và được đưa vào những chương trình, nghị quyết, kế hoạch quan trọng của tỉnh như tập trung đầu tư các khu công nghiệp thế hệ mới, hướng đến sản xuất thông minh, sản xuất xanh; đặc biệt thành lập Khu Công nghệ thông tin tập trung cho tỉnh Bình Dương. Từ đó, sẽ thu hút được nhiều vốn FDI từ các công ty công nghệ hàng đầu vào đầu tư tại Bình Dương với nhiều tiềm năng to lớn. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn tại Bình Dương. Bình Dương cũng đang đối diện với một thách thức nghiêm trọng đó là sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành vi mạch bán dẫn.
Bối cảnh công nghiệp vi mạch bán dẫn tại Việt Nam
Hiện nay, công nghiệp bán dẫn đang thu hút sự chú ý lớn từ Chính phủ, doanh nghiệp và các viện/trường đại học của nước ta. Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm việc đẩy mạnh hợp tác đầu tư phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ ngành xây dựng kế hoạch hành động và chiến lược để phát triển ngành này. Đồng thời xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực với mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư công nghệ năm 2030. Việt Nam đã và đang xây dựng nhiều cơ chế ưu đãi đầu tư hấp dẫn cho các công ty, tập đoàn ngành bán dẫn. Các dự án đầu tư ngành bán dẫn thuộc lĩnh vực công nghệ cao được áp dụng những ưu đãi cao nhất. Việt Nam đã thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) và ba khu công nghệ cao, sẵn sàng đón các nhà đầu tư ngành bán dẫn với cơ chế ưu đãi cao. NIC và các khu công nghệ cao này sẽ là cầu nối quan trọng để hỗ trợ phát triển hệ sinh thái ngành bán dẫn Việt Nam.
Số lượng doanh nghiệp bán dẫn đang tăng trưởng vượt bậc và ngày càng nhiều doanh nghiệp có vốn FDI vào thị trường Việt Nam đầu tư và khai thác do có những chính sách đặc thù từ chính phủ Việt Nam. Trong đó, nguồn nhân lực tập trung chủ yếu tại hai đầu tàu kinh tế bao gồm phía bắc là Hà Nội và phía nam là Thành phố Hồ Chí Minh, khoảng ¼ thị phần còn lại được phân bổ đều các vùng còn lại trên cả nước.
Thực trạng nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn
Tỉnh Bình Dương đã và đang thực hiện những bước đi đột phá và nhiều tham vọng trong việc xây dựng một hệ sinh thái công nghiệp công nghệ cao, trong đó việc phát triển công nghiệp xanh, sản xuất thông minh là bước đi chủ lực để nâng cao giá trị, mang lại nền kinh tế xanh cho Bình Dương. Vi mạch bán dẫn được xác định là một trong những ngành then chốt để phát triển theo định hướng công nghiệp công nghệ cao nhằm thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài vào Bình Dương. Theo báo cáo số 305/BC-UBND, ngày 14/10/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương về “Tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 9 tháng và những nhiệm vụ trọng tâm các tháng cuối năm 2024”. Tính đến tháng 9/2024, toàn tỉnh có tổng cộng 29 khu công nghiệp, diện tích 12.663 ha và 12 cụm công nghiệp với tổng diện tích 790 ha. Hiện nay, tỉnh đang tập trung kêu gọi các nhà đầu tư vào các dự án về công nghệ cao, công nghệ xanh, sản xuất thông minh đặc biệt là các dự án các dự án liên quan đến sản xuất và phát triển vi mạch bán dẫn. Theo số liệu thống kê hiện nay, các công ty trong các khu, cụm công nghiệp chủ yếu là sản xuất giày da, chế biến gỗ, xuất nhập khẩu… phần còn lại là công ty lắp ráp, sản xuất thiết bị điện tử, viễn thông, tin học. Hiện vẫn chưa có công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, thiết kế vi mạch bán dẫn. Vì vậy, số lượng nhân lực lao động trong ngành này vẫn chưa được thống kê chính xác, nhân lực chủ yếu tập trung vào khâu gia công thiết kế chip từ xa cho các công ty nước ngoài, trong đó chủ yếu đòi hỏi nhân lực là các kỹ sư và chuyên gia trong lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn.
Mặc dù số lượng nhân lực trong ngành vi mạch bán dẫn của cả nước đang tăng lên nhanh chóng và nhu cầu cho ngành này càng cao vì đang có nhiều công ty trong ngành này đang có xu hướng đầu tư vào Việt Nam. Bình Dương không thể tránh khỏi xu hướng này và vì vậy, nguồn nhân lực trong ngành này cũng đang tăng lên theo nhu cầu xã hội, tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của các doanh nghiệp. Theo khảo sát từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) năm 2023, có tới 65% doanh nghiệp trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn cho biết họ gặp khó khăn trong việc tuyển dụng kỹ sư có trình độ chuyên môn phù hợp và chuyên sâu. Đa phần các kỹ sư hiện tại có nền tảng học vấn từ các ngành điện tử, viễn thông, vật lý, các ngành gần hoặc công nghệ thông tin, nhưng lại thiếu kiến thức chuyên sâu về thiết kế vi mạch và kiểm thử sản phẩm. Thực trạng cho thấy, chỉ một phần nhỏ lực lượng lao động hiện nay tại Bình Dương có trình độ chuyên môn chuyên sâu về vi mạch bán dẫn, với đa số là các kỹ sư và chuyên gia đã qua đào tạo tại nước ngoài và chủ yếu làm việc từ xa tham gia vào công đoạn kiểm thử và đóng gói sản phẩm. Đây là công đoạn có giá trị gia tăng thấp nhất trong chuỗi cung ứng ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn (chip sẽ được sản xuất ở các nước khác, sau đó đưa về Việt Nam lắp ráp vào các thiết bị, kiểm tra, chạy thử và đóng gói sản phẩm).
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, nhu cầu nhân lực ngành Công nghiệp bán dẫn của Việt Nam là 5.000 – 10.000 kỹ sư/năm, song khả năng đáp ứng chưa đến 20%. Số liệu từ Cổng thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia cho thấy, Việt Nam hiện chỉ có 5.575 kỹ sư thiết kế chip. Còn theo dự báo của các chuyên gia về kinh tế, nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp chip bán dẫn trong 5 năm tới khoảng 20.000 người và 10 năm tới khoảng 50.000 nhân lực, đạt trình độ đại học trở lên. Theo báo cáo thị trường ngành công nghệ thông tin (IT) Việt Nam năm 2023 của TopDev, trong số 57.000 sinh viên IT và những ngành có liên quan về vi mạch bán dẫn tốt nghiệp mỗi năm, chỉ có 35% đáp ứng được yêu cầu về kỹ năng và chuyên môn của nhà tuyển dụng. Ngoài ra, tỷ lệ kỹ sư có trình độ đại học trở lên trên toàn tỉnh chỉ đạt 25%, thấp hơn so với mức 45% tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Điều này đặt ra yêu cầu cấp bách về việc nâng cao chất lượng đào tạo chuyên môn cho tỉnh Bình Dương.
Với tốc độ phát triển như hiện nay, dự báo cho thấy Bình Dương sẽ cần thêm từ 2.000 đến 3.000 lao động có chuyên môn trong ngành vi mạch bán dẫn vào năm 2030. Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và chuyên môn cao đang là một rào cản lớn đối với quá trình đầu tư của các doanh nghiệp đang muốn đầu tư vào lĩnh vực vi mạch bán dẫn tại thị trường Việt Nam. Theo số liệu thống kê, hiện nay chỉ có khoảng 30% số kỹ sư tốt nghiệp từ các trường đại học tại Việt Nam có thể tham gia trực tiếp vào các dây chuyền sản xuất mà không cần đào tạo lại. Đa phần các kỹ sư mới tuyển dụng cần tối thiểu từ 6 -12 tháng đào tạo lại, gây lãng phí thời gian và chi phí cho doanh nghiệp và nguồn lực xã hội.
Tiềm năng phát triển nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn
Bình Dương là một tỉnh Miền Đông Nam Bộ với số lượng các khu công nghiệp thuộc hàng đầu Việt Nam. Tính đến hết 9/2024, tỉnh có 29 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động. Tỉnh Bình Dương tiếp giáp với các tỉnh, thành phố phát triển như Đồng Nai, TP. HCM với số lượng các trường Đại học nhiều vào bậc nhất của cả nước. Do đó, tỉnh Bình Dương đang tập trung phát triển ngành công nghiệp vi mạch và đang dần hình thành các khu công nghiệp công nghệ tập trung và công nghệ cao, công nghệ xanh và sản xuất thông minh. Ngoài ra, Bình Dương với nhiều khu công nghiệp hiện đại, hạ tầng giao thông thuận lợi và nguồn lao động dồi dào, đã thu hút được nhiều tập đoàn công nghệ lớn vào đầu tư. Tuy nhiên, thực trạng nguồn nhân lực công nghiệp bán dẫn tại tỉnh vẫn chưa được chú trọng và đầu tư đúng mức để đáp ứng được nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời gian tới.
Tại Bình Dương, nguồn nhân lực có trình độ chuyên sâu về vi mạch bán dẫn còn hạn chế. Hầu hết các doanh nghiệp công nghệ tại tỉnh chủ yếu tuyển dụng kỹ sư và công nhân trong lĩnh vực lắp ráp và sản xuất, trong khi nhu cầu về kỹ sư thiết kế vi mạch, kỹ thuật viên bảo trì và chuyên gia nghiên cứu phát triển (R&D) vẫn chưa được chú trọng và đáp ứng đầy đủ. Bình Dương hiện chưa có trường đào tạo chuyên sâu về ngành vi mạch bán dẫn, đặc biệt là các khóa học về thiết kế, sản xuất và thử nghiệm vi mạch. Điều này khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc nâng cao kỹ năng cho nhân viên và không thể tận dụng hết tiềm năng nguồn nhân lực tại địa phương.
Giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Một trong những biện pháp quan trọng để giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân lực vi mạch bán dẫn tại Bình Dương là phát triển mô hình hợp tác giữa doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo. Doanh nghiệp không chỉ đóng vai trò là người sử dụng lao động, mà còn là đối tác chiến lược trong quá trình tham gia xây dựng, góp ý cập nhật chương trình giảng dạy. Các chương trình đào tạo cần được điều chỉnh linh hoạt, cập nhật theo xu hướng công nghệ mới và đáp ứng nhu cầu nhân lực thực tế của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc thúc đẩy mô hình “đào tạo kép” - kết hợp giữa đào tạo lý thuyết và thực hành tại doanh nghiệp - sẽ giúp sinh viên, kỹ sư trẻ tiếp cận và làm quen với quy trình sản xuất thực tế, rút ngắn thời gian thích nghi khi bước vào thị trường lao động. Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp tham gia vào mô hình “đào tạo kép” giảm tỷ lệ đào tạo lại nhân viên mới từ 12 tháng xuống còn 6 tháng, tiết kiệm chi phí tuyển dụng và nâng cao năng suất lao động.
Ngành vi mạch bán dẫn yêu cầu nhân lực có trình độ chuyên môn cao và kỹ năng đặc thù. Do đó, việc phát triển các chương trình đào tạo chuyên sâu và định hướng dài hạn cho nguồn nhân lực trong lĩnh vực này là cần thiết. Các chương trình đào tạo hiện tại chủ yếu tập trung vào kỹ năng tổng quát, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu về thiết kế vi mạch (IC design), kiểm thử và sản xuất. Bình Dương có thể hợp tác với các trường đại học hàng đầu trong và ngoài nước để xây dựng các khóa học ngắn hạn và dài hạn, đặc biệt tập trung vào các lĩnh vực then chốt như thiết kế vi mạch, kiểm thử, đóng gói sản phẩm. Các chương trình học này có thể áp dụng mô hình đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế, giúp sinh viên có thể đạt được các chứng chỉ được công nhận toàn cầu, tạo lợi thế cạnh tranh khi tìm kiếm việc làm trong các công ty công nghệ cao.
Bình Dương cần phát triển các chính sách thu hút người có chuyên môn sâu, có kinh nghiệm làm việc trong ngành công nghiệp công nghệ cao nói chung và công nghiệp vi mạch bán dẫn nói riêng, đặc biệt là các chuyên gia và kỹ sư có kinh nghiệm và chuyên môn cao trong ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn. Chính sách ưu đãi thuế, hỗ trợ tài chính và cải thiện điều kiện sống là những yếu tố quan trọng để giữ chân và thu hút nhân lực chất lượng cao này. Song song đó, việc tạo ra các khu đô thị/làng chuyên gia, kỹ sư trong lĩnh vực công nghệ cao với đầy đủ tiện ích và hạ tầng hiện đại sẽ tạo ra môi trường sống và làm việc hấp dẫn, giúp họ yên tâm cống hiến lâu dài để phát triển cho các dự án công nghệ cao tại Bình Dương.
Ngoài ra, hợp tác quốc tế là chìa khóa để Bình Dương tiếp cận công nghệ tiên tiến và đào tạo nhân lực đạt chuẩn quốc tế. Tỉnh cần tiếp tục mở rộng hợp tác với các quốc gia có nền công nghiệp vi mạch phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore. Việc hợp tác với các tập đoàn công nghệ lớn trong việc chuyển giao công nghệ, mở các khóa đào tạo và thực tập nước ngoài sẽ tạo điều kiện cho nguồn nhân lực vi mạch của Bình Dương phát triển nhanh chóng. Ngoài ra, việc mời gọi các chuyên gia quốc tế đến giảng dạy tại các trường đại học và viện nghiên cứu của tỉnh sẽ giúp nâng cao chất lượng đào tạo, đồng thời cập nhật những xu hướng công nghệ mới nhất trong ngành vi mạch bán dẫn.
Kết luận
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0, ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn đang ngày càng khẳng định vị thế quan trọng của mình trong nền kinh tế thế giới. Tại Việt Nam, đặc biệt là tỉnh Bình Dương, ngành này không chỉ là một trong những trụ cột của nền kinh tế mà còn là động lực cho sự phát triển bền vững trong tương lai. Qua quá trình phân tích thực trạng nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn, cơ hội và thách thức, có thể thấy rằng Bình Dương đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức đáng kể. Mặc dù tỉnh đã có những bước tiến quan trọng trong việc thu hút đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ cao, nhưng vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng vẫn là một rào cản lớn. Để thực hiện được mục tiêu trở thành địa điểm đáng tin cậy để thu hút các nhà đầu tư FDI trong lĩnh vực công nghệ cao, Bình Dương cần có những chiến lược và chính sách rõ ràng, linh hoạt và hiệu quả.
Tài liệu tham khảo
[1] https://www.semiconductors.org/.
[2] https://www.semi.org/en/products-services/standards/using-semi-standards.
[3] https://tcvn.gov.vn/tieu-chuan-trong-nganh-cong-nghiep-vi-mach-ban-dan/27/12/2023/.
[4] https://thanhnien.vn/chi-35-sinh-vien-it-tot-nghiep-dap-ung-duoc-yeu-cau-cua-nha-tuyen-dung-185230918183825109.htm.
[5] https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2024/01/tinh-hinh-thi-truong-lao-dong-viet-nam-nam-2023/
Vũ Phong