Tình hình hoạt động khoa học và công nghệ 6 tháng đầu năm 2016 của huyện, thị, thành phố tỉnh Bình Dương
Về tổ chức bộ máy: Thực hiện Thông tư liên tịch số 29/2014/TTLT-BKHCN-BNV ngày 15/10/2014 của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và Bộ Nội vụ, đến nay đã có 8/9 các huyện, thị, thành phố (sau đây gọi là huyện) đã ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của phòng Kinh tế (huyện Dầu Tiếng: chưa thực hiện). Trong đó, quy định rõ phòng Kinh tế được Ủy ban nhân dân (UBND) huyện giao chỉ tiêu biên chế và bố trí nhân sự triển khai nhiệm vụ quản lý hoạt động KH&CN trên địa bàn huyện. Mỗi phòng Kinh tế có bố trí một lãnh đạo phòng phụ trách quản lý về KH&CN và một chuyên viên làm công tác chuyên trách KH&CN trên địa bàn.
Các huyện đã kiện toàn tổ chức Hội đồng KH&CN do có sự thay đổi nhiều về nhân sự (nhất là các chức danh chủ chốt: Chủ tịch, Phó chủ tịch thường trực, thư ký) để ổn định tổ chức của hội đồng nhằm tư vấn cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện về quản lý hoạt động KH&CN, các biện pháp thúc đẩy việc ứng dụng kỹ thuật tiến bộ vào quản lý, sản xuất và đời sống.
Kết quả hoạt động
Công tác tuyên truyền phổ biến văn bản pháp luật
Các phòng Kinh tế tổ chức phổ biến các văn bản pháp luật, chính sách của nhà nước về KH&CN với nhiều hình thức như: Tổ chức các lớp tập huấn, truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương (đài truyền thanh, phát thanh huyện, các xã, phường, thị trấn), niêm yết trên các bảng thông báo các văn bản pháp luật, cơ chế chính sách của nhà nước về KH&CN đến các tầng lớp nhân dân, các đơn vị quản lý chợ, các tiểu thương buôn bán, các cơ sở, cửa hàng kinh doanh.
Ngoài ra các phòng Kinh tế còn phối hợp với Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tổ chức tuyên truyền các văn bản pháp luật cho các hộ kinh doanh có sử dụng các thiết bị cân về kiểm định phương tiện đo, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, chống hàng gian, hàng giả nhãn hiệu; đã phối hợp với các Trung tâm y tế huyện tuyên truyền pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm, nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn. Cụ thể:
Thị xã Tân Uyên: Phối hợp tổ chức tập huấn tuyên truyền các quy định về đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu cho 60/82 cơ sở kinh doanh xăng dầu và các cơ quan đơn vị quản lý trên địa bàn thị xã tham gia; tổ chức, triển khai hưởng ứng ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam ngày 18/5/2016 trên địa bàn thị xã Tân Uyên; tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm và ký cam kết thực hiện các quy định của pháp luật về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất trồng trọt dùng làm thực phẩm cho 43 nông dân phường Uyên Hưng; Tập huấn phòng sâu bệnh trên lúa, rau tại xã Thạnh Hội và phường Tân Hiệp, với 93 lượt nông dân tham dự, được 02/13 lớp, đạt 15% so với kế hoạch năm; tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm trong sản xuất trồng trọt cho 02 tổ rau Uyên Hưng và Thạnh hội có 86 lượt nông dân tham dự.
Huyện Bắc Tân Uyên: Tổ chức Triển khai tập huấn các chính sách pháp luật KH&CN về sở hữu trí tuệ và nhãn hiệu tập thể cho Cán bộ quản lý về KH&CN của huyện, xã và các hộ nông dân trên địa bàn xã Hiếu Liêm, với 70 người tham dự; tổ chức chuyến đi tham quan học tập kinh nghiệm tại tỉnh Lâm Đồng.
Thành phố Thủ Dầu Một: Phối hợp tổ chức hội nghị tập huấn tuyên truyền các quy định về đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu; tổng quan về hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ, cách thức xác lập quyền đối với nhãn hiệu với hơn 75 người tham dự; tổ chức cho 35 cán bộ, nông dân tham quan Hội chợ xúc tiến đầu tư giống nông nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh 2016.
Công tác tuyên truyền, triển khai ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ ở địa phương
Phòng Kinh tế huyện đã chủ động phối kết hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông, trạm Bảo vệ thực vật, Hội Nông dân, Trạm Khuyến nông huyện hướng dẫn các tổ chức kinh tế xã hội và nhân dân áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Cụ thể:
Thị xã Tân Uyên: Tiếp tục theo dõi triển khai dự án “Ứng dụng đèn bẩy côn trùng hỗ trợ sản xuất rau an toàn tại vùng trồng rau của xã Thạnh Hội”, đang chuẩn bị hồ sơ nghiệm thu dự án cấp cơ sở; tổng kinh phí dự án đã giải ngân được 231.118.000 đồng; Triển khai thực hiện mô hình rau ăn lá, ăn quả trong nhà màng, nhà lưới hở và hệ thống tưới nhỏ giọt, tưới thấm, diện tích 03 ha, với 30 hộ tham gia.
Huyện Bàu Bàng: Kết quả các thành tựu KH&CN đã và đang từng bước được áp dụng trên địa bàn huyện, nhiều giống cây trồng, vật nuôi đã được thử nghiệm đưa vào sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ, kỹ thuật cao vào quy trình sản xuất; đặc biệt trên địa bàn huyện có 267 trang trại gồm 124 trang trại chăn nuôi heo; 99 trang trại chăn nuôi gia cầm (trong đó, có 47 trại heo và 69 trại gà chăn nuôi theo hình thức trại kín lạnh); 44 trang trại trồng trọt (trong đó có 09 trang trại trồng cây ăn quả ứng dụng công nghệ sử dụng hệ thống tưới phun tự động).
Trong lĩnh vực trồng trọt: Một số giống cây trồng đã cho năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện của địa phương và góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn như các giống cao su, bưởi da xanh, quýt hồng, ổi không hạt, lan cắt cành, rau, màu (ớt cao sản...); ngoài ra còn có các mô hình nuôi trồng nhân nuôi các loại động vật hoang dã và các giống loài đặc sản khác
Huyện Bắc Tân Uyên: Quản lý các dự án: Hỗ trợ sản xuất phát triển vùng cây ăn quả có múi xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương và dự án xây dựng, quản lý và phát triển Nhãn hiệu tập thể cam, bưởi Bắc Tân Uyên cho các loại trái cam, bưởi trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên.
Thị xã Bến Cát: Triển khai thực hiện mô hình sản xuất rau an toàn tại phường Tân Định, với diện tích 2 ha (vụ Hè Thu 2016); tập huấn 02 lớp kỹ thuật sản xuất lúa theo hướng VietGAP tại các An Tây, Phú An có 93 nông dân tham dự.
Huyện Dầu Tiếng: Phối hợp với Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN triển khai thực hiện dự án “Xây dựng nhãn hiệu tập thể Măng cụt huyện Dầu Tiếng”; tổ chức 06 lớp tập huấn về kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh trên cây cao su cho nông dân tại các xã Định Thành, Định Hiệp, Định An, Minh Tân, Minh Thạnh và Long Hòa, với hơn 200 người tham dự; 02 lớp tập huấn về kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh hại trên cây lúa tại xã Thanh Tuyền, với hơn 90 người tham dự; 01 lớp tập huấn về bảo vệ môi trường trong trồng trọt tại xã Thanh An với 100 người tham dự.
Ngoài ra, để tạo điều kiện cho người dân trên địa bàn đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp kỹ thuật cao, huyện đã ban hành các chính sách khuyến khích về chăn nuôi. Nhờ đó, trong 06 tháng đầu năm trên địa bàn huyện đã phát triển thêm 04 trang trại chăn nuôi gia súc sử dụng công nghệ trại lạnh. Lũy kế đến nay trên toàn huyện đã có 51 trang trại chăn nuôi gia súc, 50 trang trại chăn nuôi gia cầm sử dụng công nghệ lạnh.
Thị xã Thuận An: Tổ chức họp Hội đồng KH&CN tư vấn xét chọn tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện đề tài KH&CN. Hội đồng đã thống nhất 02 đề tài dự kiến thực hiện năm 2016: Xây dựng mô hình vườn hoa sinh thái làm cơ sở phát triển làng nghề tại Thuận An phục vụ tham quan du lịch và đề tài Phát triển cây ăn quả đặc sản gắn với quản lý, sử dụng nhãn hiệu tập thể “Măng cụt Lái Thiêu” ở Thuận An, tỉnh Bình Dương.
Thành phố Thủ Dầu Một: Thông báo đến các đơn vị, tổ chức, các nhà khoa học đăng ký đề xuất, đặt hàng các dự án KH&CN đưa vào nhiệm vụ khoa học và công nghệ năm 2017; Xây dựng kế hoạch và dự toán kinh phí hoạt động KH&CN năm 2017. Tiếp tục thực hiện thanh lý đối với dự án xây dựng lò đốt rác không khói công suất 30kg/h theo quy định. Xây dựng kế hoạch và kinh phí thực hiện nhiệm vụ KH&CN năm 2017.
Hoạt động quản lý Nhà nước về tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng
Các phòng Kinh tế đã phối hợp với Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, đội Quản lý thị trường ở địa phương tổ chức kiểm định phương tiện đo cho các chợ, tuyên truyền các văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực đo lường, chất lượng và một số hoạt động chương trình phối hợp khác liên quan đến lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng.
Thị xã Tân Uyên: Tổ chức kiểm tra hoạt động của cân đối chứng tại 10 chợ, qua kiểm tra, ban quản lý các chợ điều có trang bị cân đối chứng theo quy định; riêng cân đối chứng tại chợ tạm ông Bùi Văn Tuyên đã hết hạn kiểm định, đoàn kiểm tra nhắc nhở và đề nghị khắc phục; phối hợp kiểm tra 33 cơ sở kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống trên địa bàn; kiểm tra nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên rau; kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm cho 02 cơ sở sản xuất giá đỗ; kiểm tra, đánh giá, cấp giấy đủ điều kiện an toàn thực phẩm tại Tổ hợp tác rau xã Thạnh Hội; thu 21 mẫu rau ăn lá, ăn quả kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên rau. Kết quả các mẫu rau trên không phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật;...
Huyện Bàu Bàng: Các phòng chuyên môn của huyện thường xuyên phối hợp với Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Bình Dương, Đội Quản lý Thị trường số 10, kiểm tra về công tác tiêu chuẩn đo lường chất lượng trên địa bàn huyện. Kiểm tra cửa hàng kinh doanh nón bảo hiểm và đồ chơi trẻ em có dấu hợp quy, hàng giả, hàng kém chất lượng. Kiểm định và hiệu chuẩn phương tiện cân đo cho các cơ sở kinh doanh vàng bạc và thu mua mủ cao su. Kiểm tra các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp...
Thị xã Dĩ An: Phối hợp tổ chức tập huấn tuyên truyền các quy định về đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu đến các cơ sở phân phối và kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thị xã (trong đó có 45 doanh nghiệp, cơ sở phân phối, kinh doanh xăng dầu tham dự); Xây dựng kế hoạch phối hợp tổ chức kiểm định cân cho các tiểu thương và kiểm tra việc sử dụng cân đồng hồ lò xo trong kinh doanh tại chợ Dĩ An; tổ chức phúc tra các cơ sở kinh doanh rượu, thuốc lá đã được cấp Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh.
Huyện Bắc Tân Uyên: Thành lập Đoàn kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và kiểm tra, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm năm 2016; xây dựng kế hoạch kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và kiểm tra, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm năm 2016
Thành phố Thủ Dầu Một: Tham mưu UBND thành phố ban hành Quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo (BCĐ) áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008; Quyết định thành lập Tổ kiểm tra ISO hành chính công tại các cơ quan quản lý hành chính nhà nước thành phố Thủ Dầu Một; Quyết định công bố hệ thống quản lý chất lượng phù hợp theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9001:2008 của UBND thành phố gồm 211 thủ tục hành chính; hướng dẫn các phòng ban, UBND 14 phường thực hiện áp dụng và duy trì hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008; kiểm tra an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông lâm sản và thủy sản trong dịp Tết nguyên đán và Rằm tháng giêng; tổ chức kiểm tra, đánh giá phân loại các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm sản, thủy sản và vật tư nông nghiệp đợt 1 năm 2016...
Huyện Phú Giáo: Phối hợp tổ chức kiểm định phương tiện đo từ ngày 04/4/2016 đến ngày 08/4/2016 cho các chủ phương tiện đo (các hộ thu mua mủ, kinh doanh mua bán lẻ) trên địa bàn huyện. Kết quả đã kiểm định được 239 cân đồng hồ lò xo các loại, 163 cân kỹ thuật và 17 cân đĩa.
Thị xã Bến Cát: Phối hợp tổ chức 01 lớp tập huấn tuyên truyền các quy định về đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu cho các đối tượng là Quản lý thị trường, Chi hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, UBND các xã phường và các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thị xã Bến Cát với 40 lượt người tham dự.
Huyện Dầu Tiếng: Phối hợp kiểm định các phương tiện đo tại 114 hộ (gồm 30 cân đồng hồ lò xo cho các tiểu thương kinh doanh tại chợ; 14 cân bàn điện tử cho các hộ kinh doanh vàng, bạc; 43 cân kỹ thuật và 27 cân đĩa cho các hộ kinh doanh mủ cao su) trên địa bàn huyện Dầu Tiếng. Kết quả kiểm định phương tiện đo đều đạt yêu cầu quy định về đo lường.
Thị xã Thuận An: Phối hợp triển khai dán tem kiểm định cho 436 cân lò xo đồng hồ tại các chợ; tổ chức lớp tập huấn tuyên truyền các quy định về đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu và lớp nhận thức về quản lý chất lượng theo tiêu chuẩnTCVN ISO 9001:2008 vào hoạt động quản lý nhà nước ở các xã, phường…
Quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ
Các huyện đã phối hợp với Sở KH&CN tổ chức các lớp tập huấn về hướng dẫn xác lập quyền sở hữu trí tuệ: Tổng quan về hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ, cách thức xác lập quyền đối với các đối tượng quyền sở hữu công nghiệp cho một số ban ngành đoàn thể huyện, UBND các xã, thị trấn, các tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh trên địa bàn huyện. Đã tổ chức 03 lớp tập huấn về tổng quan hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ, hướng dẫn xác lập quyền đối với nhãn hiệu, số lượng 160 người ở huyện Phú Giáo, thành phố Thủ Dầu Một, thị xã Tân Uyên.
Bảng: Tình hình sử dụng kinh phí KH&CN trong 06 tháng đầu năm 2016
Đánh giá chung
Trong 6 tháng đầu năm 2016, tình hình hoạt động KH&CN của huyện có những chuyển biến tích cực, thể hiện trên các mặt:
- Kiện toàn tổ chức và hoạt động của các phòng Kinh tế.
- Công tác quản lý tiêu chuẩn đo lường chất lượng được đẩy mạnh.
- Triển khai các dự án, các mô hình ứng dụng phục vụ phát triển kinh tế xã hội của huyện.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, các huyện vẫn còn những khó khăn hạn chế:
- Một số huyện hoạt động KH&CN còn hạn chế, chưa tạo được phong trào ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất, đời sống, chưa giải ngân hoặc giải ngân còn thấp kinh phí được giao.
- Tiến độ thực hiện các đề tài, dự án ứng dụng khoa học - công nghệ còn kéo dài, chậm được nghiệm thu so với thời gian quy định. Việc theo dõi đôn đốc triển khai thực hiện các đề tài, dự án chưa sâu sát.
- Tình trạng sử dụng phương tiện đo quá hạn kiểm định vẫn còn, đặc biệt trong các hộ kinh doanh nhỏ lẻ; việc gian lận trong kinh doanh xăng dầu vẫn còn tồn tại v.v.. ý thức chấp hành pháp luật trong lĩnh vực đo lường của một số hộ kinh doanh chưa cao.
Phương hướng hoạt động khoa học và công nghệ huyện 06 tháng cuối năm
Nhiệm vụ định hướng hoạt động khoa học và công nghệ của các các huyện, thị trên địa bàn tỉnh tập trung vào một số việc sau đây:
1. Tiếp tục tổ chức tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật, các chủ trương, chính sách có liên quan đến hoạt động khoa học, công nghệ.
2. Triển khai các cơ chế, chính sách, mô hình, giải pháp khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới như: Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa.
3. Đẩy mạnh phong trào lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nhân rộng tiến bộ khoa học và công nghệ vào quản lý, sản xuất đời sống trên địa bàn. Tổ chức các đợt tham quan học tập về mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật công nghệ, xây dựng mô hình sản xuất tiên tiến trong và ngoài tỉnh.
4. Phối hợp với Viện, trường Đại học và Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh xây dựng một số mô hình chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất.
5. Đẩy mạnh hoạt động quản lý về tiêu chuẩn đo lường chất lượng, sở hữu trí tuệ và kiểm tra việc chấp hành chính sách pháp luật về khoa học và công nghệ trên địa bàn huyện.
6. Cân đối, hiệu chỉnh, bổ sung kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ cho cơ sở theo nhu cầu ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ. Kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện của các cơ quan chủ trì đề tài, dự án đang triển khai. Tổ chức đánh giá, nghiệm thu các đề tài, dự án đã đến hạn theo hợp đồng.
7. Tham gia các lớp tập huấn chuyên môn nhằm nâng cao năng lực quản lý đẩy mạnh các hoạt động khoa học và công nghệ tại huyện.
8. Đẩy mạnh hoạt động phối hợp giữa phòng kinh tế với Hội Nông dân huyện.
9. Thực hiện tốt chế độ báo cáo và thông tin khoa học và công nghệ theo hướng dẫn của Sở Khoa học và Công nghệ.▲
Thanh Tùng