Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với lao động nữ - Từ thực tiễn các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương
b. Chủ nhiệm đề tài: Nguyễn Minh Quang
c. Tên cơ quan đi học: UBND phường Phú Tân
d. Tên Viện - trường thực hiện luận văn: Trường Đại học Trà Vinh
e. Mục tiêu nghiên cứu:
Trên cơ sở nghiên cứu những lý luận về lao động nữ, trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với lao động nữ, thực trạng thực hiện trách nhiệm đó đối với lao động nữ, tác giả đề xuất những giải pháp hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả thực hiện trách nhiệm của người sử dụng lao động theo pháp luật lao động Việt Nam ở các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
f. Kết quả thực hiện (tóm tắt):
Trong phần những vấn đề chung đã khái quát về trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với lao động nữ. Qua đó, tổng hợp những quyền lợi của lao động nữ khi tham gia vào thị trường lao động. Đề tài đã phân tích những trách nhiệm cơ bản của người sử dụng lao động đối với lao động nữ như bảo đảm quyền bình đẳng và thúc đẩy quyền bình đẳng đối với lao động nữ trong tuyển dụng, hợp đồng, làm việc và các chế độ phúc lợi về vật chất và tinh thần; bảo đảm việc tham khảo ý kiến của người lao động nói chung và lao động nữ nói riêng thông qua bản thân họ hoặc người đại diện về lợi ích lao động của họ.
Các nội dung liên quan đến đảm bảo về vấn đề vệ sinh và các yếu tố sinh lý của lao động nữ cũng được đề tài quan tâm phân tích. Cuối cùng đề tài tập trung phân tích những quy định về hỗ trợ xây dựng nhà trẻ và chi phí trông giữ trẻ cho lao động nữ.
Trong phần thực tiễn, có thể thấy nhìn chung pháp luật về bảo vệ quyền của lao động nữ ở nước ta về cơ bản đã bảo vệ quyền lợi của lao động nữ trong hầu hết các lĩnh vực như việc làm, học và đào tạo nghề, thời gian làm việc nghỉ ngơi, kỷ luật lao động, thai sản... Pháp luật hiện hành đã căn cứ vào đặc điểm riêng về tâm sinh lý của lao động nữ để ban hành những quy định phù hợp với pháp luật Việt Nam trong lĩnh vực bảo vệ quyền của lao động nữ.
Bộ luật Lao động năm 2012 của nước ta đã có quy định cụ thể về những quyền riêng có của lao động nữ qua những Nghị định và Thông tư nhằm hoàn thiện hơn về việc bảo vệ quyền của họ: quyền bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong các lĩnh vực việc làm, đào tạo lao động, tuyển dụng, sử dụng lao động, thời giờ làm việc và nghỉ ngơi; quyền được đảm bảo lợi ích trong thời gian mang thai, sinh con và nuôi con nhỏ với những lợi ích về việc làm, bảo hiểm xã hội, nghỉ thai sản và kỷ luật lao động; quyền được đảm bảo điều kiện làm việc phù hợp như quy định các công việc và điều kiện làm việc phù hợp, điều kiện về cơ sở vật chất tại nơi làm việc; chống quấy rối tình dục nơi làm việc; quyền đảm bảo về tiền lương; quyền đảm bảo về tuổi nghỉ hưu.
Pháp luật của nước ta cũng đảm bảo lao động nữ không bị bóc lột, xâm hại và đối xử bất công qua các biện pháp xử phạt để giúp lao động nữ bảo vệ được quyền của mình như bồi thường thiệt hại, xử lý vi phạm hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự và giải quyết tranh chấp lao động thông qua hòa giải và Tòa án, trong đó không thể thiếu được vai trò của Công đoàn trong việc đảm bảo quyền lợi của lao động nữ và xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa người sử dụng lao động và lao động nữ.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, pháp luật về bảo vệ quyền của lao động nữ cũng còn gặp những khó khăn, hạn chế nhất định.
g. Năm tốt nghiệp: 2021