Trăn trở ở Làng nghề Sơn mài Tương Bình Hiệp từ góc nhìn công nghệ
Làng Sơn mài Tương Bình Hiệp - Thành phố Thủ Dầu Một đã đuợc tỉnh Bình Dương công nhận là làng nghề truyền thống vào năm 2009. Sau 10 năm đuợc công nhận làng nghề và 3 năm được công nhận di tích phi vật thể cấp Quốc Gia, sản xuất nơi đây vẫn có những thuận lợi và khó khăn đan xen. Trong đó nỗi trăn trở của các cơ sơ sở sản xuất, của những nghệ nhân là: Làm sao để làng nghề phát triển tương xứng? Đến thăm làng Sơn mài Tương Bình Hiệp - Thành phố Thủ Dầu Một vào những ngày cuối năm này, vẫn tiếng mài gỗ, đánh bóng sản phẩm quen thuộc tự thuở nào.
Vẫn những người thợ cặm cụi hoàn thành nốt những chi tiết trên bức tranh xuân: Con Chuột, đại diện cho con giáp Canh Tý - 2020, trên những hộp quà tăng mùa xuân để kịp giao hàng đón Mùa Xuân Mới.
Ông Trương Quang Tịnh - Giám đốc xí nghiệp sơn mài Định Hòa cho biết: Trong vài năm trở lại đây, Làng sơn mài Tương Bình Hiệp rất ổn định trong sản xuất và kinh doanh trên 2 chân thị trường, trong đó thị trường nội địa vào dịp cuối năm có chiều hướng rất tốt đẹp. Năm nay có thể tăng trường hơn 10% so với năm 2018.
Theo nhiều cứ liệu lịch sử, Nghề sơn mài Đất Thủ ra đời vào đầu thế kỷ XVIII, theo chân cuộc di cư của những người dân miền Bắc du nhập và lưu truyền cho đến ngày nay. Làng sơn mài Tương Bình Hiệp hiện có gần 100 hộ sản xuất và 8 doanh nghiệp, với tổng số lao động hơn 1.000 người. Trong ngành sơn mài, có đến 25 công đoạn sản xuất, bên cạnh việc sử dụng đến 90% nguyên liệu tại chỗ, sự chuyên nghiệp và trình độ tay nghề của những nguời thợ cũng là một lợi thế rất lớn cho sản phẩm mà rất ít ngành tạo được khi xuất khẩu hàng hóa. Trong năm 2018, giá trị sản xuất của làng sơn mài Tương Bình Hiệp đạt khoảng 200 tỷ đồng.
Truyền thống là vậy, tinh xảo là vậy, nhưng làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp cũng trãi qua bao thăng trầm trong hành trình của mình, mà khắc nghiệt nhất là sự cạnh tranh của những ngành hàng có tính trang trí, tính biểu đạt và được thực hiện trên các chất liệu khác. Bên cạnh đó, đây không phải là ngành hàng thiết yếu, nên thị trường sụt giảm khi nền kinh tế gặp khó khăn, nhất là tại các quốc gia nhập khẩu sơn mài.
Trong cuộc cạnh tranh này, nhiều cơ sở sản xuất sơn mài phải chuyển sang nghề khác. Bên cạnh đó, cái khó của làng nghề hiện nay là thế hệ trẻ không còn đam mê với nghề sơn mài, phần lớn họ chọn vào làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Muốn bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài truyền thống, cần đào tạo những người trẻ, yêu nghề nhưng cũng rất khó bởi thu nhập của nghề chưa thể cạnh tranh với nhiều ngành nghề khác.
Theo ông Lê Bá Linh - Giám đốc công ty Sơn mài Tư Bốn, Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương: Trong giai đoạn hiện nay, dưới áp lực của những ngành hàng trang trí, ngoại nội thất với chất liệu mới, độ bền cao, giá thành thấp… đang là một thách thức cho ngành, nhưng tôi tin chúng tôi sẽ gặt hái được nhữngthành công mới …
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết: Do đặc thù sản xuất, hiện nay có nhiều công đoạn phải thực hiện hoàn toàn bằng tay, không thể ứng dụng thiết bị cơ khí, công nghệ tự động vào sản xuất, trong khi đó giá nhân công ngày càng tăng, chưa kể đến các thợ lành nghề đảm bảo chính các công đoạn thực hiện tay ngày càng vơi đi với nhiều nguyên nhân như sức khỏe, sự hứng thủ của lao động trẻ đối với nghề và do nhu cầu cạnh tranh lao động giữa doanh nghiệp trong ngành cũng như ngoài ngành đã đặt ra cho ngành nhiều vấn đề nan giải.
Được biết dự án phát triển Làng nghề sơn mài Tương Bình hiệp gắn với phát triển du lịch đang được các cơ quan hửu quan ở Bình Dương và Thủ Dầu Một tập trung thực hiện thực hiện với nhiều kỳ vọng mới…
Làm sao để làng nghề sơn mài không bị mai một, làm sao dể đưa công nghệ mới vào sản xuất… làm sao để những người thợ sơn mài lành nghề có thể ổn định cuộc sống và làm giàu được bằng chính nghề của mình khi họ vẫn còn rất tâm huyết?
Việc giải bài toán hợp lý về nguồn lực cho làng nghề, về thị trường tiêu thụ sản phẩm sơn mài, về sự kết nối giữa ngành du lịch và sản xuất thủ công, góp phần bảo tồn và phát triển nghề sơn mài truyền thống tốt hơn, chính là vấn đề rất cần được quan tâm./.
Trịnh Cầu