Trường Đại học Bình Dương: Đầu tư cơ sở vật chất và ứng dụng AI – Bước tiến trong giáo dục thời đại số
Tầm nhìn chiến lược từ cột mốc năm 1997
Thành lập năm 1997, ngay khi tỉnh Bình Dương được tách từ tỉnh Sông Bé, Trường Đại học Bình Dương mang trong mình sứ mệnh trở thành cơ sở đào tạo nhân lực chủ chốt cho địa phương. Trải qua hơn 25 năm, trường đã không ngừng đổi mới, đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở vật chất và ứng dụng công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), để dẫn đầu trong thời đại “chuyển đổi số”.
Hình 1: Trường Đại học Bình Dương
Trong bối cảnh giáo dục đại học đang chịu áp lực phải đổi mới để thích nghi với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cơ sở vật chất hiện đại trở thành yếu tố cốt lõi quyết định chất lượng đào tạo và nghiên cứu. Trường Đại học Bình Dương đã nhận thức rõ điều này và đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống cơ sở vật chất, từ các phòng thí nghiệm tiên tiến đến thiết bị hỗ trợ giảng dạy thông minh.
Nổi bật là việc nâng cấp các phòng học với màn hình tương tác phục vụ giảng dạy và học tập. Trường cũng đầu tư Trung tâm nghiên cứu hệ thống thông minh và phòng thí nghiệm trí tuệ nhân tạo (AI) mở ra cơ hội nghiên cứu tiên tiến trong lĩnh vực AI và dữ liệu.
Trí tuệ nhân tạo không chỉ là một xu hướng mà đã trở thành công cụ không thể thiếu trong giáo dục. Tại Trường Đại học Bình Dương, trí tuệ nhân tạo đã được tích hợp vào các chương trình đào tạo và nghiên cứu khoa học. Phòng thí nghiệm trí tuệ nhân tạo được thành lập vào năm 2022 đã hỗ trợ các giảng viên và sinh viên triển khai các dự án ứng dụng AI trong thực tiễn. Cụ thể là dự án sử dụng AI để phân tích dữ liệu thị trường, giúp sinh viên không chỉ hiểu lý thuyết mà còn nắm bắt được cách áp dụng vào thực tế doanh nghiệp. Nhờ vậy, Trường Đại học Bình Dương đã nâng tỷ lệ bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế thuộc ISI, Scopus lên 28,57% trong năm học 2023-2024.
Chuyển đổi số toàn diện: Động lực cho sự phát triển
Sự ra đời của Viện Trí tuệ Nhân tạo và Chuyển đổi số là một trong những điểm nhấn quan trọng, khẳng định cam kết của Trường Đại học Bình Dương trong việc nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu. Viện không chỉ là trung tâm nghiên cứu, đào tạo mà còn là nơi triển khai các dự án công nghệ mang lại giá trị thực tiễn cho doanh nghiệp và địa phương.
Hình 2: Hội nghị báo cáo chuyển đổi số trường Đại học Bình Dương
Để bắt kịp với tốc độ phát triển của công nghệ, nhà trường đã đầu tư vào phòng máy tính cấu hình GPU cao cấp, phục vụ thực hành các lĩnh vực như học máy (machine learning), học sâu (deep learning) và khoa học dữ liệu. Đây là nền tảng hỗ trợ sinh viên và giảng viên thực hiện các nghiên cứu tiên tiến, đồng thời chuẩn bị cho họ những kỹ năng cần thiết trong thị trường lao động 4.0.
Trong lĩnh vực học tập và nghiên cứu, một số dự án nổi bật từ Trung tâm nghiên cứu hệ thống thông minh của trường bao gồm dự án Bãi xe thông minh sử dụng AI để xây dựng bãi xe thông minh tại khuôn viên trường Đại học Bình Dương; xưởng thí nghiệm theo Mô hình RPA (Robotics Process Automation) tự động hoá bằng hệ thống sản xuất bằng kết hợp cánh tay robot, thị giác máy tính, IoT; Thiết bị đeo tay theo dõi, cảnh báo và dự báo sức khoẻ trẻ em. Những dự án này không chỉ tạo ra các sản phẩm với hiệu suất tối ưu đồng thời tác động tích cực đến nghiên cứu ứng dụng của sinh viên vào doanh nghiệp, khẳng định vai trò tiên phong của Nhà Trường trong việc áp dụng công nghệ vào thực tiễn.
Sự kết hợp giữa cơ sở vật chất hiện đại và ứng dụng AI đã mang lại hiệu quả rõ rệt trong giảng dạy và nghiên cứu tại Trường Đại học Bình Dương. Trong năm học 2023-2024, trường đã tổ chức 14 hội thảo khoa học, thu hút sự tham gia của nhiều giảng viên và nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế. Cụ thể Hội thảo khoa học “Định hướng đào tạo phát triển giao thông xanh” là diễn đàn để các nhà nghiên cứu và chuyên gia trong ngành ô tô, cơ khí động lực gặp gỡ, chia sẻ những kỹ thuật và công nghệ mới nhất, đưa ra các giải pháp thiết thực để thúc đẩy phát triển giao thông xanh, tạo nền tảng cho một tương lai bền vững. Hơn thế, trường còn hỗ trợ sinh viên và giảng viên tham gia vào các cuộc thi sáng tạo trong nước và quốc tế, qua đó khẳng định năng lực và uy tín trong mạng lưới sáng tạo của cả nước.
Bên cạnh đó, nhằm khuyến khích tinh thần sáng tạo và khám phá công nghệ, Trường Đại học Bình Dương đã thành lập Câu lạc bộ Công nghệ Số, nơi các sinh viên có cơ hội tham gia nghiên cứu, phát triển ý tưởng, và thi đấu ở các cấp độ tỉnh và quốc gia. Một số thành tích nổi bật của câu lạc bộ như đạt Giải Nhất Cuộc thi ý tưởng sáng tạo trẻ toàn cầu Việt Nam - Hàn Quốc năm 2023 với sáng kiến "Đề xuất hệ thống phát điện bằng phương tiện xe đạp công cộng", Đội tuyển Robocon BDU đã đạt giải thưởng giải pháp khoa học kỹ thuật tốt nhất năm 2024 tỉnh Bình Dương.
Câu lạc bộ không chỉ là sân chơi công nghệ mà còn là môi trường giúp sinh viên rèn luyện kỹ năng, mở rộng kiến thức, và xây dựng mạng lưới kết nối chuyên nghiệp.
Trường đã hình thành kho dữ liệu, thu thập và đồng bộ dữ liệu từ các phần mềm tạo nền tảng cho việc chuyển đổi số toàn diện các hoạt động học tập, giảng dạy và quản trị. Ứng dụng BDU Student trở thành 1 trợ lý học tập cho sinh viên, mỗi sinh viên có kho dữ liệu cá nhân về chứng chỉ, chứng nhận được tích luỹ trong quá trình học tập.
Hệ thống LMS còn ứng dụng trí tuệ nhân tạo để cá nhân hóa lộ trình học tập, giúp sinh viên tối ưu hóa thời gian và đạt được kết quả tốt nhất trên ứng dụng BDU student. Đồng thời, phần mềm Edusoft được sử dụng trong quản lý đào tạo, kết hợp với Microsoft Teams trong giảng dạy trực tuyến, là minh chứng cho sự đổi mới trong quản lý hành chính và giảng dạy của trường.
Trong lĩnh vực giảng dạy, các giảng viên có thể sử dụng công nghệ để thiết kế bài giảng E- learning mang nội dung hàn lâm, cũng có thể thiết kế những video thực hiện thí nghiệm, thực hành, … Công nghệ giúp cho tri thức, kinh nghiệm của người thầy không chỉ gói gọn trong khuôn viên trường đại học mà có thể được phổ biến rộng rãi toàn cầu.
Trong công tác quản trị, Trường đã chuyển đổi hoàn toàn sang sử dụng văn bản điện tử, giúp giảm thời gian xử lý công việc và nâng cao hiệu suất. Chuyển đổi số không chỉ là giải pháp ngắn hạn mà đã trở thành chiến lược dài hạn, đặt nền móng cho sự phát triển bền vững của trường trong kỷ nguyên số, hình thành dashboard quản trị và dự báo các cấp như tình hình học tập của các lớp, các khoá, các ngành theo từng học kỳ, tình hình đi học hàng ngày.
Hình 3: Chuyển đổi số công tác quản trị
Phát triển nguồn nhân lực số
Với tầm nhìn đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, Trường Đại học Bình Dương đã triển khai các chương trình bồi dưỡng STEM cho hơn 500 giáo viên tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ trong đó có Bình Dương, An Giang, và Kiên Giang và hơn 4.000 cán bộ quản lý giáo dục tham gia các khóa đào tạo chuyên môn, trường đã đóng góp quan trọng trong việc nâng cao năng lực giảng dạy và quản lý cho các cơ sở giáo dục tại Bình Dương và các tỉnh lân cận. Chương trình không chỉ giúp nâng cao năng lực giảng dạy mà còn góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục địa phương.
Trường cũng đã tổ chức các khóa học ngắn hạn về công nghệ thông tin, với tỷ lệ hoàn thành vượt mục tiêu lên tới 163,51%. Đây là minh chứng cho sự cam kết của trường trong việc chuẩn bị nguồn nhân lực sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động số.
Trường Đại học Bình Dương đã ký biên bản hợp tác với hơn 140 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, mở ra cơ hội thực tập và việc làm cho sinh viên. Các chương trình học tập thực tế tại doanh nghiệp bắt đầu từ năm thứ nhất đã giúp sinh viên tiếp cận sớm với môi trường làm việc chuyên nghiệp, từ đó phát triển kỹ năng và hiểu biết về ngành nghề.
Nhà trường đang mở rộng các ngành học liên quan đến công nghệ cao, bao gồm trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, và Internet vạn vật (IoT). Các chương trình đào tạo này không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường mà còn chuẩn bị cho những thách thức của thời đại số.
Trường Đại học Bình Dương đã chứng minh vai trò tiên phong trong đào tạo nguồn nhân lực số, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế và xã hội của Bình Dương và Việt Nam. Những nỗ lực trong chuyển đổi số, hợp tác doanh nghiệp, và đào tạo chất lượng cao của trường không chỉ đáp ứng yêu cầu hiện tại mà còn đặt nền móng cho sự phát triển bền vững trong tương lai.
Định hướng tương lai: Một Trung tâm đổi mới sáng tạo tích cực trong mạng lưới sáng tạo của tỉnh Bình Dương và khu vực
Với tầm nhìn trở thành trung tâm nghiên cứu và đổi mới sáng tạo hàng đầu, Đại học Bình Dương đang phát triển mạnh mẽ các ngành học liên quan đến AI, dữ liệu lớn, và IoT. Viện Trí tuệ Nhân tạo và Chuyển đổi số tiếp tục đóng vai trò chủ đạo, dẫn dắt các dự án tiên phong trong các lĩnh vực như Hệ thống tự động hóa thông minh, Ứng dụng khoa học dữ liệu trong y tế và kinh tế, Đào tạo chuyên gia AI đáp ứng nhu cầu thị trường.
Trường Đại học Bình Dương đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác quốc tế với các trường đại học hàng đầu như Đại học Bách khoa Saint-Petersburg (Nga), Đại học Youngsan (Hàn Quốc), và Học viện Giao thông và Viễn thông TSI (Latvia). Những hợp tác này không chỉ mang lại nguồn lực tài chính và công nghệ mà còn giúp trường mở rộng tầm ảnh hưởng và nâng cao vị thế trên trường quốc tế.
Hình 4: Trung tâm nghiên cứu hệ thống thông minh - BDU
Trường Đại học Bình Dương không chỉ là nơi ươm mầm tài năng mà còn là một phần không thể thiếu trong mạng lưới đổi mới sáng tạo của tỉnh. Trường tích cực tổ chức các hội thảo, sự kiện kết nối doanh nghiệp với cộng đồng nghiên cứu, tạo cơ hội để các ý tưởng sáng tạo được hiện thực hóa.
Trường Đại học Bình Dương không chỉ là một cơ sở giáo dục mà còn là biểu tượng của sự đổi mới và sáng tạo tại khu vực phía Nam. Với những thành tựu trong đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng AI, và chuyển đổi số, trường đã tạo ra một hệ sinh thái giáo dục hiện đại, nơi tri thức và công nghệ hòa quyện để xây dựng nền tảng cho tương lai.
Bước tiến của Đại học Bình Dương không chỉ khẳng định tầm nhìn dài hạn mà còn là lời cam kết mạnh mẽ trong việc đóng góp vào sự phát triển bền vững của địa phương, đất nước và thế giới.
ThS. Nguyễn Thanh Sơn
Viện trưởng Viện Trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số