Tỷ lệ tuân thủ điều trị liệu pháp dinh dưỡng của thai phụ đái tháo đường thai kỳ tại Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh Bình Dương Dương năm 2019
b. Chủ nhiệm đề tài: Võ Nguyên Diễm Thy
c. Tên cơ quan đi học: Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản Bình Dương.
d. Tên Viện - trường thực hiện luận văn: Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch
e. Mục tiêu nghiên cứu:
Xác định tỷ lệ tuân thủ điều trị liệu pháp dinh dưỡng và các yếu tố liên quan của thai phụ ĐTĐTK tại Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ sinh sản tỉnh Bình Dương năm 2019
f. Kết quả thực hiện (tóm tắt):
Đây là Luận văn tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành quản lý y tế của tác giả Võ Nguyên Diễm Thy thực hiện với mục tiêu xác định tỷ lệ tuân thủ điều trị về tổng năng lượng tiêu thụ, về thành phần glucid, về thành phần protein, về thành phần lipid, chất xơ, liệu pháp dinh dưỡng. Xác định mối liên hệ giữa tuân thủ điều trị về tổng năng lượng tiêu thụ, về thành phần glucid, về thành phần protein, về thành phần lipid, liệu pháp dinh dưỡng với các yếu tố: đặc điểm dân số xã hội, tiền sử gia đình bị đái tháo đường, tiền sử bản thân bị đái tháo đường thai kỳ, đặc điểm thai kỳ, kiểm soát đường huyết trên thai phụ đái tháo đường thai kỳ có chỉ định điều trị bằng liệu pháp dinh dưỡng tại Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản Bình Dương.
Trên cơ sở tổng quan về tần suất mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ (ĐTĐTK) trên thế giới vào năm 2017 là 16,2%. Hơn 90% trường hợp tăng đường huyết trong thai kỳ gặp ở các nước thu nhập thấp và trung bình. Tỷ lệ ĐTĐTK tiếp tục gia tăng cùng sự gia tăng tỷ lệ béo phì và bệnh đái tháo đường típ 2. Tỷ lệ ĐTĐTK thay đổi tùy theo tiêu chí chẩn đoán và chủng tộc với tỷ lệ lưu hành từ 1-14%. Ở Việt Nam, tỷ lệ ĐTĐTK tăng từ 3,9% năm 2004 (theo tiêu chí ADA) đến 20,3% vào năm 2012 (theo tiêu chí của IADPSG).
Theo báo cáo của Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản năm 2017, tỷ lệ bệnh nhân ĐTĐTK có biến chứng là 3,08%: nhưng chỉ trong 6 tháng năm 2018, tỷ lệ biến chứng tăng lên 5.7% do không duy trì việc kiểm soát đường huyết và khám thai định kỳ. Khách hàng đến nhận dịch vụ khám chữa bệnh tại Trung tâm CSSKSS, phần lớn là đối tượng công nhân, buôn bán nhỏ và lao động chân tay, nên việc tuân thủ điều trị và duy trì việc tuân thủ điều trị cộng với khám thai định kỳ cho đến khi sinh là vấn đề cần quan tâm nhằm giảm biến chứng do bệnh ĐTĐTK gây ra cho mẹ và thai nhi…
Trong thời gian nghiên cứu từ 4/2019 đến tháng 9/2019, tác giả nhận vào 253 thai phụ bị ĐTĐTK, khám thai định kỳ tại Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh Bình Dương, được chẩn đoán và điều trị ĐTĐTK bằng liệu pháp dinh dưỡng theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế và thỏa tiêu chí chọn mẫu. Có 16 thai phụ ĐTĐTK không tái khám sau 2 tuần điều trị chiếm tỉ lệ 6,3%. 237 thai phụ ĐTĐTK đã hoàn thành điều trị liệu pháp dinh dưỡng trong 2 tuần và đưa vào phân tích này.
Tỷ lệ tuân thủ điều trị về liệu pháp dinh dưỡng của thai phụ ĐTĐTK tại Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh Bình Dương đạt thấp. 17,7% thai phụ ĐTĐTK tuân thủ điều trị về thành phần glucid. 28,7% thai phụ ĐTĐTK tuân thủ điều trị về thành phần chất xơ. 15,2% thai phụ ĐTĐTK tuân thủ điều trị liệu pháp dinh dưỡng. Hầu hết các thai phụ ĐTĐTK (86,9%) tuân thủ điều trị về năng lượng.
Một số yếu tố liên quan đến tuân thủ điều trị liệu pháp dinh dưỡng: Tuân thủ điều trị về năng lượng tiêu thụ có liên quan đến BMI trước khi mang thai (p=0,004) và kiểm soát đường huyết (p= 0,001); tuân thủ điều trị về thành phần glucid liên quan đến việc tăng cân đến thời điểm chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ (p=0,019); tuân thủ điều trị về thành phần protein liên quan đến thu nhập cá nhân (p=0,012), tiền sử bản thân bị đái tháo đường thai kỳ ở lần mang thai trước (p=0,043); tuân thủ điều trị về liệu pháp dinh dưỡng liên quan đến việc tăng cân đến thời điểm chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ (p=0,009).
g. Năm tốt nghiệp: 2020