Ứng dụng khoa học kỹ thuật, ngành nông nghiệp vượt khó trong diễn biến phức tạp của dịch covid-19, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước
Trong năm 2020, những khó khăn, hạn chế nội tại của nền kinh tế và tình hình thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus covid-19 gây ra đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp của cả nước. Tình hình cung cầu nông sản, bệnh Dịch tả heo Châu phi đã được kiểm soát nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh các ổ dịch mới,… Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp của Bình Dương vẫn đạt được những kết quả khả quan. Giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tăng 4% so với năm 2019; tỷ lệ che phủ cây lâm nghiệp và cây lâu năm đạt 57,5%; tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%. Trong đó, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn Quốc gia là 88,9%.
Sản xuất nông nghiệp
Trồng trọt, diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt 21.042,5ha, giảm 2,4% so với cùng kỳ 2019. Diện tích gieo trồng cây lâu năm đạt 142.805,8ha, giảm 0,1%. Tổng diện tích nhiễm các loại sâu bệnh trên một số cây trồng chính khoảng 13.577ha, giảm 60% so với cùng kỳ với mức độ nhiễm nhẹ đến trung bình nên không ảnh hưởng nhiều đến sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Phối hợp các Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tăng cường công tác điều tra dự tính, dự báo, tập huấn hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trừ sâu bệnh trên các loại cây trồng.
Sản xuất chăn nuôi ổn định. Trong năm đã cung cấp cho thị trường khoảng 22.752 con trâu-bò thịt, tương đương 1.820,2 tấn (đạt 65% so với cùng kỳ); 2.081.920 con heo thịt, tương đương 156.144 tấn (đạt 93,06% so với cùng kỳ); 48.463.471 con gia cầm lông, tương đương 104.196,5 tấn (tăng 93% so với cùng kỳ); 2.334 con dê, tương đương 70 tấn,… đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong và ngoài tỉnh.
Ngành Thú y tiếp tục khuyến cáo các trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo an toàn sinh học (Đặc biệt là các trang trại chăn nuôi heo) thực hiện tái đàn để đảm bảo nguồn cung ứng thực phẩm cho người tiêu dùng, đặc biệt là vào dịp tết Nguyên Đán năm 2021.
Diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản là 364,9 ha (Giảm 7,1ha so cùng kỳ) với sản lượng ước đạt 4.270,1 tấn. Thực hiện Chương trình hỗ trợ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, trong năm đã thả 850 kg cá giống các loại trên hồ Cần Nôm và đập Phước Hòa.
Diện tích ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt khoảng 5.435 ha với các loại cây trồng có giá trị như: Rau, nấm, cây ăn trái, hoa lan, cây cảnh. Diện tích nông nghiệp đô thị khoảng 172,2 ha với các loại cây trồng chủ yếu như: Rau thủy canh, rau mầm, nấm, hoa lan, cây cảnh.
Chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao tiếp tục phát triển với 145 trang trại đầu tư chăn nuôi gà giống, gà đẻ trứng và gà thịt với tổng đàn trên 8,6 triệu con, chiếm 68% tổng đàn; chăn nuôi heo thịt, heo giống chất lượng cao có 174 trang trại với tổng đàn gần 526 ngàn con, chiếm 63% tổng đàn; chăn nuôi vịt thịt có 28 trang trại với tổng đàn 121 ngàn con; chăn nuôi bò sữa có 02 trang trại với tổng đàn 880 con.
Về thực hiện mô hình, dự án, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, tổ chức 27 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, quy trình trồng, chăm sóc và các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại trên cây trồng; sử dụng an toàn và hiệu quả thuốc BVTV trong sản xuất; quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; bồi dưỡng kiến thức chuyên môn cho cán bộ kỹ thuật và mạng lưới Cộng tác viên giám sát mùa màng,... với 933 lượt người tham dự.
Tham gia thực hiện “Chương trình Cùng nông dân bảo vệ môi trường” giai đoạn 02 của Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam, phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Giáo và Hội nông dân xã Phước Hòa ra quân thu gom được 251kg rác thải bao bì phân bón, thuốc BVTV.
Thực hiện tổng kết các Chương trình, dự án: Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên các loại cây trồng năm 2020”; Đề án phát triển giống cây nông nghiệp, lâm nghiệp, giống vật nuôi và thủy sản giai đoạn 2013 - 2016, tầm nhìn 2020; Đề án phát triển nông nghiệp đô thị phía Nam tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016 - 2020.
Triển khai thực hiện các Chương trình, Dự án: “Xây dựng chuỗi sản xuất rau an toàn vùng phía Nam tỉnh Bình Dương giai đoạn 2020 - 2021” và “Phát triển vườn cây ăn quả đặc sản gắn với du lịch sinh thái vùng phía Nam tỉnh Bình Dương”; Đề án "Chương trình Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Bình Dương giai đoạn 2018 - 2020 và định hướng đến năm 2025”; Dự án “Hình thành vùng sản xuất và cung ứng các loại sinh vật cảnh vùng phía Nam Bình Dương giai đoạn 2018 - 2022”,…
Quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm
Triển khai thực hiện “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2020; tổ chức 10 lớp tập huấn về an toàn thực phẩm cho 182 người và 32 lượt phát thanh qua loa, đài tại các huyện, thị xã, thành phố nhằm tuyên truyền các quy định pháp luật trong sản xuất, kinh doanh và quảng cáo thực phẩm. Đồng thời tiến hành giám sát đối với 79 mẫu rau, quả, sản phẩm chế biến từ rau, quả tại 10 cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh, kết quả: Không phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, vi sinh vật gây hại, kim loại nặng trên các mẫu được giám sát.
Thực hiện công tác giám sát truy xuất nguồn gốc an toàn thực phẩm: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã truy xuất nguồn gốc, xử lý 20 tấn lạc nhân nhập khẩu không đạt yêu cầu đối với Công ty TNHH Agrocops Việt.
Tổ chức Hội thi tuyên truyền các quy định, chính sách pháp luật trong ngành Nông nghiệp; Hội nghị tuyên truyền các quy định mới của pháp luật trong lĩnh vực Bảo vệ bí mật Nhà nước, An ninh mạng và Phòng, chống tác hại của rượu, bia; tổ chức 06 lớp tập huấn về danh mục thuốc được phép sử dụng trên cây trồng. Thực hiện lồng ghép tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm cho 683 người lao động trong 12 đợt tập huấn, xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm…
Phát triển nông thôn –xây dựng nông thôn mới
Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục được đẩy mạnh, đạt được kế hoạch đề ra: Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được quan tâm đầu tư, đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn ngày một nâng lên; an sinh xã hội được quan tâm và thực hiện tốt,... Tiếp tục duy trì và nâng chất các xã đạt chuẩn nông thôn mới theo Bộ tiêu chí nâng cao của tỉnh. Đến nay: 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 07 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 01 huyện, 02 thị xã đã được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới và thị xã hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới.
Các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp tiếp tục được đổi mới, phát triển: Toàn tỉnh hiện có 61 Hợp tác xã nông nghiệp với 895 xã viên, tổng vốn điều lệ trên 177 tỷ đồng. Số Tổ hợp tác nông nghiệp là 110 với 1.063 thành viên. Tổng số trang trại là 909 tổng diện tích đất sản xuất trên 4.026,9ha với khoảng 5.306 lao động thường xuyên.
Phối hợp với các địa phương triển khai kế hoạch thực hiện thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ về làm việc ở Hợp tác xã nông nghiệp: Có 05 HTX được Hội đồng thẩm định xét duyệt cho 06 cán bộ (Giảm 01 người so với năm 2019) theo Quyết định số 1366/QĐ-UBND, ngày 22/5/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Thực hiện 06 lớp đào tạo nghề nông nghiệp (Trồng bưởi theo tiêu chuẩn VietGAp, chăm sóc cây kiểng, chăn nuôi thú y, trồng rau an toàn …) cho lao động nông thôn tại 08 huyện, thị với 150 học viên tham dự.
Ảnh hưởng của dịch bệnh covid-19 đến sản xuất nông nghiệp
Trồng trọt, diện tích các loại cây trồng cơ bản ổn định, cơ cấu cây trồng được điều chỉnh theo hướng giảm diện tích sản xuất các loại cây có hiệu quả kinh tế thấp, duy trì ổn định các cây trồng có thế mạnh của tỉnh. Các Trang trại/Doanh nghiệp có xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc vẫn sản xuất - tiêu thụ bình thường.
Đối với sản phẩm rau củ quả, hiện tình hình tiêu thụ các sản phẩm của các tổ chức, cá nhân sản xuất trên địa bàn tỉnh đã dần phục hồi sau khi dừng cách ly xã hội do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Các nơi tiêu thụ sản phẩm như bếp ăn công nghiệp, trường học, nhà hàng đã gắn kết tiêu thụ sản phẩm với các nơi sản xuất trở lại. Giá sản phẩm rau, củ, quả hiện dao động từ 9.000 - 12.000 đồng/kg. Đối với cây ăn quả có múi tiêu thụ sản phẩm chủ yếu trong nước, xuất khẩu sang các nước còn hạn chế.
Về chăn nuôi trong năm 2020, bệnh dịch tả heo Châu phi và Cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh cơ bản đã được khống chế, các trang trại chăn nuôi từng bước tái đàn để ổn định sản xuất. Tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm ứng dụng công nghệ cao và đảm bảo an toàn sinh học, cung ứng sản phẩm chăn nuôi ra thị trường, kiểm dịch xuất tỉnh, kiểm soát giết mổ được thực hiện tốt. Đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong và ngoài tỉnh.
Có 77,7% doanh nghiệp chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh trong tình trạng thiếu hụt nguyên, phụ liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất nhưng giá thành nhập khẩu lại tăng 5%. Các Doanh nghiệp có thị trường xuất khẩu chủ lực như: Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật bản, Úc,… đều giảm từ 40 - 80% đơn hàng; các Doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, xuất khẩu sản phẩm động vật hoang đã có trên địa bàn tỉnh vẫn hoạt động sản xuất bình thường, ít chịu tác động bởi dịch Covid-19.
Tình hình hoạt động của Làng nghề, qua khảo sát tại Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp, do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh gây ra lên du lịch (Kênh tiêu thụ chính của làng nghề) nên từ đầu năm các cơ sở trong làng nghề không có phát sinh đơn hàng mới, chỉ gia công tiếp tục theo đơn hàng cũ năm 2019. Tình hình tiêu thụ giảm trên 70%.
Đánh giá chung
Năm 2020, sản xuất trên các lĩnh vực của ngành Nông nghiệp tiếp tục phát triển theo đúng định hướng; chất lượng sản phẩm nông sản được nâng cao, đảm bảo ATTP; thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; chăn nuôi chuyển biến tích cực theo hướng tập trung; trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng được thực hiện tốt; chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục được đẩy mạnh, đạt được kế hoạch đề ra; đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn ngày một nâng lên.
Diện tích các loại cây trồng cơ bản ổn định, cơ cấu cây trồng được điều chỉnh theo hướng giảm diện tích sản xuất các loại cây có hiệu quả kinh tế thấp, duy trì ổn định các cây trồng có thế mạnh của tỉnh.
Chăn nuôi tiếp tục phát triển và chuyển dịch theo hướng tăng dần các loại giống, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; nhiều mô hình chăn nuôi trang trại theo hướng công nghiệp và bán công nghệ tạo ra khối hàng hóa lớn, chất lượng cao. Các huyện phía Bắc đã được Cục Thú y thẩm định, công nhận vùng an toàn dịch bệnh trên heo và gia cầm, đây cũng là yếu tố thuận lợi trong công tác quản lý và là tiền đề cho chăn nuôi hướng tới xuất khẩu.
Công tác quản lý, khai thác công trình thủy lợi được chú trọng, thường xuyên tổ chức kiểm tra đảm bảo an toàn công trình, phục vụ sản xuất nông nghiệp. Công tác phòng chống hạn mặn, Phòng chống thiên tai - TKCN được phối hợp thực hiện tốt. Công tác quản lý, vận hành, khai thác nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn hoạt động ổn định và mang lại hiệu quả, cung cấp đủ nước sạch cho người dân nông thôn.
Công tác quản lý, bảo vệ, chăm sóc và phát triển rừng; trồng rừng tập trung và trồng cây phân tán trong các dự án khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu dân cư, công trình công cộng,... được thực hiện hiệu quả, góp phần cải thiện môi trường, cảnh quan.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thực hiện đạt kế hoạch đề ra, đã tạo sự đổi mới quan trọng ở các xã nông thôn trong tỉnh.
Công tác Thanh kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm được thực hiện tốt, nhìn chung hầu hết các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và nông sản thực phẩm đã chấp hành tốt Pháp luật.
Tuy đạt được những kết quả khả quan, tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn một số hạn chế như sau:
Các chính sách đòn bẩy hỗ trợ cho nông dân các nguồn lực về vốn, khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ mới,… để tập trung đầu tư chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp đô thị đã được phối hợp thực hiện tốt, tuy nhiên so với quy mô, tiềm năng của tỉnh thì vẫn còn hạn chế.
Các vùng sản xuất nguyên liệu, sản xuất nông nghiệp tập trung gắn với chế biến vẫn còn thấp so với yêu cầu. Bảo quản, chế biến sản phẩm sau thu hoạch so với yêu cầu phát triển vẫn còn khoảng cách.
Giá mặt hàng nông sản tăng, giảm không ổn định, gây khó khăn trong việc định hướng cho người dân trong việc lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp.
Tình hình dịch bệnh trong thời gian gần đây diễn biến phức tạp (Đặc biệt là dịch bệnh Covid-19 và bệnh Dịch tả heo Châu phi) tuy đã được kiểm soát nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của tỉnh.
Môi trường kinh doanh, đầu tư tuy có thuận lợi song vẫn chưa đủ hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và các vùng nông thôn. Liên kết chuỗi, nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm nông nghiệp của tỉnh chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của xã hội về sản phẩm nông nghiệp an toàn.
Chưa có những giải pháp đột phá, mang tính chiến lược để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Công tác đào tạo nghề ở một số nội dung còn chưa thật sự gắn chặt với nhu cầu xã hội, nhất là nhu cầu sử dụng lao động có tay nghề; chưa thu hút được ngày càng nhiều các đơn vị sử dụng lao động tham gia phát triển nguồn nhân lực.
Định hướng năm 2021
Năm 2021, Ngành nông nghiệp của tỉnh bên cạnh những thuận lợi, cơ hội cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đó là: (1) Tác động biến đổi khí hậu xuất hiện ngay từ đầu năm gây ra tình hình hạn hán, xâm nhập mặn; (2) Bệnh Dịch tả heo Châu Phi trên địa bàn tỉnh đã có chiều hướng giảm rõ rệt về số hộ phát sinh mới, số con mắc bệnh, không bùng phát ồ ạt nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tái phát bệnh gây khó khăn cho công tác tái đàn; (3) Bệnh cúm gia cầm do chủng virus A/H5N6 gây ra đã xuất hiện trên cả nước; (4) Thị trường tiêu thụ nhiều mặt hàng nông sản có xu hướng giảm và chịu tác động từ chiến tranh thương mại giữa các nước lớn; (5) Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ nông sản hàng hóa của tỉnh,…
Kinh tế thế giới và khu vực đang có dấu hiệu phục hồi đà tăng trưởng sau khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng tốc độ còn chậm và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ở trong nước, kinh tế có dấu hiệu phục hồi nhưng cũng còn nhiều khó khăn, thách thức. Nông nghiệp còn chịu tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, kèm theo thiên tai khó lường, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt giá cả nông sản bị giảm sút, còn phụ thuộc nhiều vào thị trường tiêu thụ.
Năm 2021, Ngành Nông nghiệp đề ra các mục tiêu giá trị sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,5 - 3%; duy trì tỷ lệ che phủ cây lâm nghiệp và cây lâu năm ở mức 57,5%; Duy trì tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%; tiếp tục duy trì và nâng chất các xã đạt chuẩn nông thôn mới theo Bộ tiêu chí nâng cao của tỉnh. Phấn đấu có 05 xã được công nhận xã nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẩu; 100% số xã trên địa bàn tỉnh có sản phẩm tham gia chương trình OCOP. Phấn đấu có tối thiểu 20 sản phẩm đạt 3 sao trở lên được chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Thy Diễm