Vai trò của chiến khu D trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước
b. Chủ nhiệm đề tài: Phan Thị Mến
c. Tên cơ quan đi học: bảo tàng tỉnh Bình Dương
d. Tên Viện - trường thực hiện luận văn: Trường Đại học Thủ Dầu Một Bình Dương
e. Mục tiêu nghiên cứu:
Luận văn sẽ góp phần bổ sung và làm phong phú hơn nguồn tư liệu về lịch sử vùng Đông Nam bộ nói chung, lịch sử địa phương và vùng Chiến khu Đ nói riêng. Qua đó, góp phần vào việc đáp ứng nhu cầu tham quan, nghiên cứu, học tập và hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của công chúng cũng như góp phần giáo dục và phát huy truyền thống lịch sử dân tộc cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu của luận văn sẽ cung cấp những luận cứ khoa học về xây dựng, phát triển và phát huy vai trò của căn cứ địa và hậu phương vào việc xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân ngày càng vững mạnh trong giai đoạn hiện nay.
f. Kết quả thực hiện (tóm tắt):
Đây là Luận văn thạc sĩ chuyên ngành Lịch sử Việt Nam của tác giả Phan Thị Mến thực hiện với mục đích góp phần bổ sung và làm phong phú hơn nguồn tư liệu về lịch sử vùng Đông Nam bộ nói chung, lịch sử địa phương và vùng Chiến khu Đ nói riêng. Qua đó, góp phần vào việc đáp ứng nhu cầu tham quan, nghiên cứu, học tập và hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của công chúng cũng như góp phần giáo dục và phát huy truyền thống lịch sử dân tộc cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu của luận văn sẽ cung cấp những luận cứ khoa học về xây dựng, phát triển và phát huy vai trò của căn cứ địa và hậu phương vào việc xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân ngày càng vững mạnh trong giai đoạn hiện nay.
Trình bày những đặc điểm, vị trí chiến lược của Chiến khu Đ - những yếu tố tiền đề quan trọng góp phần vào sự hình thành của chiến khu; tính tất yếu khách quan về sự ra đời của Chiến khu Đ, đáp ứng nhu cầu về xây dựng căn cứ địa của lực lượng cách mạng trong buổi đầu kháng chiến chống thực dân Pháp; đồng thời nghiên cứu về những hoạt động, vai trò và những đóng góp thiết thực của Chiến khu Đ đối với lực lượng cách mạng, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến 9 năm chống Pháp của dân tộc.
Bước sang thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, Chiến khu Đ được ta chủ trương khôi phục và mở rộng. Trong giai đoạn 1954 - 1965, Chiến khu Đ tiếp tục trở thành “trung tâm kháng chiến” của miền Đông Nam Bộ và Nam Bộ. Nơi đây quy tụ đông đảo các cơ quan đầu não kháng chiến, các cơ quan dân chính đảng và đoàn thể cách mạng của các địa phương, của miền Đông và miền Nam. Đặc biệt, đây là nơi tái lập, nuôi dưỡng và xây dựng của các đơn vị vũ trang cách mạng đầu tiên của miền Đông Nam Bộ, của Miền, là một trong những khu vực hậu cần của Bộ chỉ huy quân sự miền Nam.
Đây cũng là nơi ta đẩy mạnh các hoạt động chống bao vây, phong tỏa, lấn chiếm Chiến khu Đ, tiến tới đánh bại các cuộc hành quân càn quét của địch, đánh phá ấp chiến lược của địch ở chiến khu Đ. Từ đây, Chiến khu Đ dần dần được mở rộng, tuyến hàng lang từ các hướng được khai thông với Chiến khu Đ, tạo nên thế liên hoàn giữa các vùng, các căn cứ địa trên toàn chiến trường miền Nam, đồng thời nối liền với hậu phương miền Bắc nhằm tiếp nhận sự chi viện sức người, sức của vào chiến trường miền Nam.
Giai đoạn 1965 -1975, Đây là giai đoạn Chiến khu Đ được phát triển hoàn chỉnh đến mức cao nhất, đáp ứng yêu cầu và quy mô của cuộc chiến. Ở giai đoạn này, mặc dù không còn là “trung tâm kháng chiến” cách mạng miền Nam nhưng Chiến khu Đ vẫn là một trong những căn cứ địa cách mạng lớn của chiến trường miền Nam.
Chiến khu Đ là nơi đứng chân của Khu ủy và Bộ tư lệnh miền Đông, các cơ quan dân chính đảng, đoàn thể cách mạng của huyện, tỉnh, phân khu. Đây cũng là nơi đóng quân của các đơn vị bộ đội chủ lực Miền và các đơn vị hậu cần R, hậu cần khu vực để tích trữ, xây dựng lực lượng, đảm bảo công tác hậu cần phục vụ tiền tuyến. Chiến khu Đ trở thành căn cứ vững chắc, vừa là hậu phương, vừa là bàn đạp tiến công địch, góp phần đánh bại âm mưu bình định của địch, giành thắng lợi trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy năm 1968, 1972,… Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, Chiến khu Đ là một địa bàn đóng quân, một mũi tiến công vào thủ phủ của chính quyền Sài Gòn.
Từ kết quả nghiên cứu cho thấy, Chiến khu Đ là hậu cứ cách mạng, nơi quy tụ các cơ quan đầu não và lực lượng kháng chiến; nơi đứng chân, nuôi dưỡng, huấn luyện và xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng của Miền, Khu và các địa phương; là hậu phương trực tiếp và căn cứ hậu cần tại chỗ của chiến trường Nam Bộ, cung cấp nguồn nhân lực, vật lực, đảm bảo một phần quan trọng tiềm lực cho kháng chiến. - Chiến khu Đ góp phần đảm bảo sự thông suốt cho hành lang chiến lược Bắc - Nam, nối miền Đông Nam Bộ với Tây Nguyên và Tây Nam Bộ; là chỗ dựa, nơi bày thế trận tiêu diệt đối phương tại chỗ, là nơi xuất phát, bàn đạp tiến công địch ở ngoài căn cứ, góp phần tiêu diệt, tiêu hao sinh lực địch, từ đó củng cố và mở rộng thế đứng chân cho lực lượng cách mạng.
Chiến khu Đ là nơi thể nghiệm chính sách đại đoàn kết dân tộc Việt Nam theo chủ trương của Đảng và Nhà nước nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu cuối cùng là giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Từ vai trò của Chiến khu Đ trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975) đã để lại những bài học kinh nghiệm quý báu trong việc xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân vững mạnh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
g. Năm tốt nghiệp: 2020