Vấn đề quản lý, sử dụng Nhãn hiệu tập thể "Bưởi Bạch Đằng"
Bưởi Bạch Đằng được cấp Giấy chứng nhận sử dụng nhãn hiệu tập thể theo Quyết định số 16444/QĐ-SHTT ngày 23/6/2011 (thời hạn kể từ ngày nộp đơn 09/3/2010), đến nay đã gần 8 năm. Nhãn hiệu tập thể “Bưởi Bạch Đằng” được bảo hộ tổng thể trên 05 loại bưởi hiện có tại xã Bạch Đằng, gồm: Bưởi đường lá cam, bưởi đường da láng, bưởi da xanh, bưởi thanh và bưởi ổi.
Chủ thể quản lý nhãn hiệu Bưởi Bạch Đằng là Ủy ban nhân dân xã Bạch Đằng, chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể Bưởi Bạch Đằng là Hội Nông dân xã Bạch Đằng, người sử dụng tem mang nhãn hiệu “Bưởi Bạch Đằng” là nông dân trồng bưởi xã Bạch Đằng và Hợp tác xã Bưởi Bạch Đằng.
Quản lý, kiểm tra
Số lượng cấp phát tem mang nhãn hiệu tập thể “Bưởi Bạch Đằng” cho Hợp tác xã “Bưởi Bạch Đằng” và các hộ nông dân đến nay được tổng số gần 50.000 tem. Hội nông dân thường xuyên phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể truyên truyền cung cấp thông tin cần thiết có liên quan đến nhãn hiệu tập thể “Bưởi Bạch Đằng” cho các tổ chức, cá nhân sử dụng tem mang nhãn hiệu tập thể “Bưởi Bạch Đằng”
Bên cạnh đó, Hội Nông dân cũng thường xuyên phối hợp với Ban Quản lý và Ban kiểm soát nhãn hiệu tập thể “Bưởi Bạch Đằng”, tổ chức kiểm định kỳ và đột xuất về việc sử dụng tem mang nhãn hiệu tập thể “Bưởi Bạch Đằng” 01lần/năm đối với cá nhân và hợp tác xã nhằm kịp thời phát hiện các trường hợp vi phạm trong việc sử dụng tem, với công tác nay, trong thời gian vừa qua thông qua kiểm tra đột xuất phát hiện và nhắc nhở 01 trường hợp vi phạm trong việc sử dụng tem nhãn dán lên trái bưởi kém chất lượng. Không có trường hợp đình chỉ sử dụng nhãn hiệu tập thể đối với Hợp tác xã “Bưởi Bạch Đằng” và các hội nông dân.
Có thể nói, ngoài việc đơn vị quản lý tốt nhãn hiệu tập thể “Bưởi Bạch Đằng” thì các hộ nông dân ở đây cũng thực hiện tốt các quy định về sử dụng tem nhãn tập thể “Bưởi Bạch Đằng”.
Quảng bá, tuyên truyền
Được sự quan tâm của lãnh đạo các cấp đã tạo điều kiện cho nông dân xã Bạch Đằng tham gia các Hội chợ triển lãm trưng bày sản phẩm nhằm quảng bá, phát triển và nâng cao uy tín của nhãn hiệu tập thể “Bưởi Bạch Đằng như: Hội chợ xúc tiến thương mại du lịch tại Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh; Hội chợ tại Trần Hưng Đạo – Hoàn Kiếm – Hà Nội; Lễ hội “Mùa trái chín” tại Lái Thiêu – Bình Dương; Hội chợ xúc tiến tại Gia Nghĩa – Đắc Nông; Chợ phiên nông sản gắn với Hội chợ triển lãm Chuyên ngành gỗ” tỉnh Bình Dương; “Lễ hội hương bưởi” lần thứ I năm 2017, lần thứ II năm 2019 tại Trung tâm văn hóa thể dục thể thao xã… ngoài ra còn phối hợp với các đơn vị tiếp đón các Đoàn tham quan từ các tỉnh, thành trong nước.
Giải pháp quản lý nhãn hiệu tập thể
- Củng cố Ban quản lý và Ban kiểm soát nhãn hiệu tập thể “Bưởi Bạch Đằng”, đi vào hoạt động có hiệu quả.
- Thực hiện tốt việc sử dụng nhãn hiệu tập thể “Bưởi Bạch đằng” đảm bảo theo đúng quy trình.
- Duy trì phói hợp với Ban Quản lý và Ban kiểm soát nhãn hiệu tập thể “Bưởi Bạch Đằng”, tổ chức kiểm tra định kỳ và đột xuất về việc đăng ký sử dụng tem mang nhãn hiệu tập thể đối với tổ chức và cá nhân, nhằm phát hiện kịp thời các trường hợp vi phạm trong việc sử dụng tem mang nhãn hiệu tập thể “Bưởi Bạch Đằng”.
- Thường xuyên phối hợp với các ngành, đoàn thể tuyên truyền cung cấp thông tin cần thiết có liên quan đến tổ chức và cá nhẫn sử dụng tem mang nhãn hiệu tập thể. Đồng thời tuyên truyền vận động phát triển thành viên sử dụng mang nhãn hiệu tập thể “Bưởi Bạch Đằng”.
- Tăng cường phối hợp phát huy vai trò Hợp tác xã “Bưởi Bạch Đằng” liên kết với các hộ nông dân trồng bưởi, tổ chức thành chuỗi giá trị cung cấp vật tư nông nghiệp đầu vào, thu mua sản phẩm bưởi bao tiêu đầu ra.
Ngoài những giải pháp trên, trong Hội thảo “Giải pháp liên kết doanh nghiệp thực hiện chuỗi sản phẩm nông nghiệp năm 2019” do Hội Nông dân tỉnh tổ chức, Hội nông dân xã Bạch Đằng đã đề xuất một số kiến nghị như: Đề nghị được hỗ trợ để cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Bưởi Bạch Đằng” đến thời hạn là ngày 09/3/2020, đặt mới tem mang nhãn hiệu tập thể “Bưởi Bạch Đằng” để tạo điều kiện trong việc quản lý, sử dụng tem nhãn mang nhãn hiệu tập thể “Bưởi Bạch Đằng” có hiệu quả hơn trong thời gian tới. Đồng thời, hỗ trợ máy đo kiểm tra chất lượng bên trong, nồng độ dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, để tạo điều kiện kiểm tra đo nồng độ dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm bưởi.
Việc quản lý, sử dụng nhãn hiệu tập thể “Bưởi Bạch Đằng” là nhằm bảo tồn và phát triển danh tiếng cho cây bưởi và sản phẩm làm từ bưởi truyền thống, đặc sản của xã Bạch Đằng. Nhãn hiệu tập thể “Bưởi Bạch Đằng” mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực cho xã Bạch Đằng, giá trị sản phẩm bưởi tăng cao, tạo thêm việc làm cho nông dân. Sản phẩm “Bưởi Bạch Đằng” có nhiều đối tác ký hợp đồng mua bán, đứng vững trên thị trường không bị các tư thương ép giá. Giá cả ổn định giúp người nông dân tăng thu nhập phát triển kinh tế gia đình.
Minh Hải