Xây dựng và sử dụng hệ thống bài tập thực tiễn chương "Dao động cơ" vật lý 12 THPT nhằm phát triển năng lực giải quyết vấn đề của học sinh
b. Chủ nhiệm đề tài: Phạm Văn Trung
c. Tên cơ quan đi học: Trường THPT Bình Phú
d. Tên Viện - trường thực hiện luận văn: Trường Đại học sư phạm TP.Hồ Chí Minh
e. Mục tiêu nghiên cứu:
Nghiên cứu và xây dựng hệ thống bài tập thực tiễn trong chương “Dao động cơ” Vật lí 12 nhằm phát triển năng lực giải quyết vấn đề của HS
f. Kết quả thực hiện (tóm tắt):
Đây là luận văn thạc sĩ chuyên ngành khoa học giáo dục của tác giả Phạm Văn Trung thực hiện trên đối tượng nghiên cứu là năng lực giải quyết vấn đề của học sinh; hệ thống bài tập thực tiễn hỗ trợ dạy học phát triển năng lực giải quyết vấn đề của học sinh.
Để đạt được các mục tiêu đã đề ra, tác giả đã tiến hành nghiên cứu lí luận về dạy học theo hướng phát triển năng lực giả quyết vấn đề của học sinh, dựa trên việc sử dụng hệ thống bài tập thực tiễn trong quá trình dạy học Vật lí; nghiên cứu mục tiêu về kiến thức, kỹ năng, thái độ và phát triển năng lực của học sinh trong chương “Dao động cơ” Vật lí 12. Từ đó xây dựng hệ thống bài tập thực tiễn cần thiết trong quá trình dạy học Vật lí. Đồng thời, soạn tiến trình dạy học chương “Dao động cơ” trong đó có sử dụng hệ thống bài tập đã xây dựng. Thực nghiệm sư phạm kiểm chứng tính khả thi và hiệu quả của hệ thống bài tập trong việc phát triển năng lực giải quyết vấn đề.
Kết quả khảo sát cho thấy, đa số giáo viên đã tìm hiểu và thỉnh thoảng đã tiến hành đổi mới dạy học cũng như thực hiện đổi mới việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập theo định hướng phát triển năng lực cho học sinh. Và phần lớn giáo viên cũng thỉnh thoảng chú trọng đến việc phát triển các thành tố của năng lực giải quyết vấn đề cho học sinh. Trong quá trình giảng dạy chương “Dao động cơ” các giáo viên chủ yếu sử dụng các dạng bài tập tái hiện lí thuyết (11/20 giáo viên); bài tập định lượng và định tính (17/20 giáo viên) và rất ít giáo viên sử dụng bài tập thực tiễn vì cho rằng khó khăn gặp phải là do không có hệ thống bài tập thực tiễn chất lượng (8/20 giáo viên). Đa số giáo viên được khảo sát (14/20 giáo viên) đều cho rằng sử dụng bài tập thực tiễn trong quá trình dạy học chương “Dao động cơ” có thể phát triển năng lực giải quyết vấn đề cho học sinh…
Thông qua việc tổ chức, theo dõi và phân tích, đánh giá kết quả quá trình thực nghiệm sư phạm, tác giả nhận thấy: tiến trình dạy học theo kiểu phát hiện và giải quyết vấn đề với sự hỗ trợ của hệ thống bài tập có thực tiễn chương “Dao động cơ” - Vật lí 12 nhằm mục đích phát triển năng lực giải quyết vấn đề là có tính khả thi; các bài tập vật lý thực tiễn là một công cụ hỗ trợ đắc lực trong việc phát triển năng lực giải quyết vấn đề của học sinh; Trong quá trình thực nghiệm, giáo viên nắm rõ năng lực của học sinh từ đó có thể linh hoạt tổ chức, điều chỉnh các hoạt động dạy học, hỗ trợ học sinh trực tiếp học sinh trong quá trình giải quyết vấn đề.
Thông qua nghiên cứu và thực nghiệm, tất cả học sinh được tập trung theo dõi (8 học sinh) đều có sự tiến bộ ở tất cả các thành tố của năng lực giải quyết vấn đề trong quá trình học, điều đó khẳng định năng lực giải quyết vấn đề của các em đều có sự phát triển. Như vậy, khi tác giả và cộng sự tổ chức dạy học có sự hỗ trợ của bài tập vật lý thực tiễn đã đề xuất vào dạy học các kiến thức thuộc chương “Dao động cơ”-Vật lí 12 thì đã phát triển được năng lực giải quyết vấn đề của học sinh. Nói cách khác, giả thuyết khoa học của đề tài đã được kiểm chứng là đúng.
Kết quả đề tài đã bổ sung thêm cơ sở lí luận về phát triển năng lực giải quyết vấn đề của học sinh và bài tập Vật lí có tính thực tiễn. Hệ thống bài tập thực tiễn của chương “Dao động cơ” Vật lí 12 và tiến trình sử dụng nhằm phát triển năng lực giải quyết vấn đề của học sinh.
g. Năm tốt nghiệp: 2020