Bàu Bàng: Giải quyết các vướng mắc trong nông nghiệp công nghệ cao
Thực hiện Chương trình chuyển dịch cơ cấu, sản xuất nông nghiệp theo hướng kỹ thuật công nghệ cao giai đoạn 2016 - 2020, huyện Bàu Bàng đang đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu và khuyến khích sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao. Đồng thời từng bước giải quyết các vướng mắc, khó khăn để tạo điều kiện cho các trang trại, hộ phát triển nông nghiệp.
Về chính sách, nguồn vốn
Ông Nguyễn Hữu Chí - Bí thư Huyện ủy Bàu Bàng cho biết: Với mục tiêu của Chương trình là phấn đấu tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp đạt bình quân giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 5 - 6%/năm, giá trị sản xuất bình quân trên 01ha đất sản xuất đạt 90 - 110 triệu đồng/năm. Huyện đang khuyến khích các cơ sở, các trang trại có điều kiện để triển khai các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, từ đó nhân rộng các mô hình có hiệu quả cho các hộ nông dân khác triển khai.
Vấn đề khó của Bàu Bàng hiện nay là về nguồn vốn vì đầu tư vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao phải tốn chi phí cao nhưng tài sản thế chấp không đủ để vay vốn. Để giải quyết vấn đề nguồn vốn, Huyện cũng phối hợp với các tổ chức, ngân hàng triển khai hình thức vốn vay có thế chấp bằng tài sản hình thành từ vốn vay, vay bằng tín chấp, vay theo dự án sản xuất kinh doanh có hiệu quả…
Ông Lê Thanh Tâm - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bàu Bàng cho biết, ngoài việc sử dụng các nguồn vốn từ quỹ hỗ trợ nông dân, quỹ vì người nghèo, vốn đóng góp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất và chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Huyện cũng đang xây dựng Kế hoạch thành lập Quỹ tín dụng nhân dân để hỗ trợ cho các hợp tác xã, tổ hợp tác. Khi Quỹ đi vào hoạt động sẽ thêm một kênh vay vốn cho người dân.
Liên kết “4 nhà”
Ông Nguyễn Hữu Chí đánh giá, thông qua việc liên kết “4 nhà” sẽ thúc đẩy nông nghiệp của Huyện phát triển theo hướng công nghệ cao và thị trường tiêu thụ, chế biến tại chỗ. Tất cả các vùng sản xuất đều theo tiêu chuẩn, quy trình VietGAP, GlobalGAP. Qua việc liên kết này để tạo điều kiện thuận lợi trong việc chuyển giao khoa học công nghệ mới trong sản xuất, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và giúp cho nông dân được tiếp cận với các mô hình mới trong sản xuất, giống mới, kỹ thuật canh tác…
Trang trại trồng quýt đường của ông Lê Văn Phấn (xã Trừ Văn Thố) được chăm sóc theo quy trình VietGAP
Anh Võ Thế Nguyên - Giám đốc Công ty TNHH Nấm Nguyên Phúc (xã Long Nguyên, Bàu Bàng) cũng cho rằng, hiện nay công nghệ trồng nấm của các cơ sở trên địa bàn huyện đều đạt tiêu chuẩn VietGAP, tuy nhiên cần đặt vấn đề liên kết để tiêu thụ sản phẩm. Không chỉ liên kết các cơ sở trồng nấm ở Bàu Bàng mà còn liên kết được với các cơ sở trồng nấm trên địa bàn Bình Dương. Có như vậy mới bảo đảm được thương hiệu nấm của Bình Dương, tạo đầu ra ổn định và không bị thương lái ép giá.
Bên cạnh việc nhân rộng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phù hợp với điều kiện sản xuất của nông dân; huyện còn đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin, tìm kiếm đối tác kinh doanh, hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công bố tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá, xây dựng thương hiệu cho các loại nông sản đặc trưng của huyện… Và hỗ trợ để các tổ chức, cá nhân có điều kiện tiếp cận với các thị trường tiềm năng cũng như liên kết để mở rộng thị trường trong và ngoài tỉnh.
Thiên Bình